10/01/2025

Ôtô ‘tấn công’ hẻm, xử được không?

Trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng đang nỗ lực “dọn dẹp” lại lòng đường, hè phố thì bên trong hầu hết các con hẻm người người, nhà nhà trưng dụng làm chỗ đậu xe.

 

Ôtô ‘tấn công’ hẻm, xử được không?

 Trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng đang nỗ lực “dọn dẹp” lại lòng đường, hè phố thì bên trong hầu hết các con hẻm người người, nhà nhà trưng dụng làm chỗ đậu xe. 

 

 

Ôtô 'tấn công' hẻm, xử được không?
Ôtô đậu chắn hết hẻm vào chung cư 830 Sư Vạn Hạnh, P.13 (Q.10, TP.HCM) trưa 18-2 – Ảnh: TIẾN LONG

Tuy nhiên việc xử phạt lỗi vi phạm này dường như chưa được rốt ráo.

Giờ đây, các con hẻm được các chủ xe xem là “đất lành” để đậu xe mà không bị lực lượng chức năng xử lý.

Ôtô chiếm hết hẻm nhỏ

Nhiều con hẻm diện tích nhỏ, nay bị chiếm một phần khiến người dân đi lại rất khó khăn.

Trưa 18-2, có mặt tại hẻm 830 đường Sư Vạn Hạnh, khu phố 8, P.13 (Q.10, TP.HCM) chúng tôi thấy có bốn chiếc ôtô đậu chiếm hết lòng hẻm. Hẻm rộng khoảng 6m, chỉ còn một lối nhỏ cho người dân đi qua. Khi có thêm một chiếc taxi chạy vào, bị kẹt cứng ngay giữa.

Trong hẻm là khu chung cư rất nhiều nhà dân. Xe máy của người dân trong hẻm ra vào không được.

Ông N., một người lớn tuổi trong hẻm, phải yêu cầu chủ xe dời đi. Các chủ xe nhùng nhằng một lúc, thấy người dân phản ứng mới dời xe đi, hẻm thông thoáng trở lại. Ông N. cho biết sợ đậu ngoài đường lớn bị phạt nên một số tài xế cho xe vào đậu trong hẻm.

Bảo vệ khu phố thường xuyên nhắc nhở xe không để lấn hẻm gây ùn tắc. Tuy nhiên, khi không có bảo vệ, một số xe vẫn vào đậu, chiếm hết phần đường của người dân.

“Xe của người dân trong khu vực chúng tôi buộc phải đi gửi ở chỗ khác, không đậu trong hẻm ảnh hưởng đến việc đi lại của mọi người. Con hẻm đã nhỏ, ôtô đậu vào kẹt cứng, người dân lấy đường đâu đi” – ông N. nói.

Tại hẻm 373 đường Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1, TP.HCM), có sáu chiếc ôtô con đậu một dãy dài. Ông H., một người dân ở đây, cho hay hơn bốn tháng nay một loạt ôtô vào đậu trong hẻm. Có hôm xe đông kéo ra đến ngoài đường, leo lên đậu trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi.

Do chắn trước mặt tiền nên bị một số người dân phản ảnh lên phường. Phường đã tổ chức họp nhưng đến nay vẫn thấy xe đậu. Điều đáng nói là dọc hai bên đường Nguyễn Trãi buổi trưa rất đông ôtô đậu chiếm một phần đường.

Do đường nhỏ lại tập trung nhiều quán ăn, xe của khách đến ăn, uống cà phê, giao dịch đều chạy vào những đường nhỏ nối với đường Nguyễn Trãi để đậu.

Cương quyết phạt

Ông Đinh Gia Huỳnh – chủ tịch UBND P.7 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) – cho biết phường nhiều lần ra quân xử phạt tình trạng đậu xe lấn chiếm lòng đường và trong các con hẻm nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn, phạt không xuể.

Thực tế khu cù lao đường Phan Xích Long hiện nay tập trung nhiều ngân hàng, trụ sở công ty, điểm ăn uống, vui chơi của TP nhưng chưa có điểm đậu xe quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu người dân đến đây. Do đó tài xế thường tìm các bãi đất rộng, khu vực đường vắng để đậu xe.

Nhiều nhất là khu vực trước cây xăng, siêu thị Co.op Mart trên đường Phan Xích Long. Hiện phường kiến nghị lắp biển cấm, đồng thời căng băngrôn tại nhiều tuyến đường để tuyên truyền tài xế không đậu xe lấn chiếm lòng đường.

Ngoài ra, phường còn tăng cường lực lượng phối hợp với đội cảnh sát trật tự công an quận tiếp tục ra quân xử phạt. Tuy nhiên theo ông Huỳnh, hiện nay rất khó để dẹp được tình trạng đậu ôtô lấn chiếm lòng lề đường, bởi lượng xe ngày càng đông nhưng điểm giữ xe lại thiếu.

Về lâu dài TP cần tính đến quy hoạch các bãi gửi xe ở những khu vực tập trung các điểm kinh doanh, dịch vụ.

“Đất chật, quán xá nhiều như hiện giờ không biết lấy đâu ra chỗ đậu xe cho người dân khi đến đây” – ông Huỳnh cho hay.

Trong khi đó, theo ông Đoàn Ngọc Hải – phó chủ tịch UBND Q.1, hiện tại Q.1 xử phạt song song các trường hợp xe máy và ôtô đậu trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường, các con hẻm. Tuy nhiên, sau khi xử lý ổn tình trạng xe máy lấn chiếm vỉa hè sẽ mạnh tay, quyết liệt xử lý ôtô đậu trái quy định.

Trong mấy ngày qua, Q.1 xử phạt khoảng 20 xe đậu sai quy định trên đường Hoàng Sa, Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao (Q.1).

Cũng theo ông Hải, đối với những tuyến đường cho đậu xe trả phí một hàng, nhưng tài xế dàn thành 2-3 hàng hoặc các tài xế xe “né phạt” chạy vào đậu ở trong hẻm đều kiên quyết xử phạt.

“Xử phạt với xe máy mà không mạnh tay dẹp luôn tình trạng ôtô lấn chiếm lòng lề đường sẽ rất khó lập lại trật tự lòng lề đường, ngoài ra còn đảm bảo công bằng cho người dân” – ông Hải nói.

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh, hành vi dừng, đỗ xe trên đường được quy định rõ tại Luật giao thông đường bộ. Theo đó, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Luật giao thông đường bộ và các văn bản liên quan.

Cụ thể, phải đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.

Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Nghị định 46 quy định nếu đỗ ôtô sai quy định có thể bị xử phạt tiền từ 100.000 đồng đến 800.000 đồng tùy mức độ vi phạm.

Theo luật sư Thạnh, Luật giao thông đường bộ năm 2008 không quy định cụ thể hành vi đỗ ôtô trong hẻm. Tuy nhiên, người lái xe lưu ý nếu đầu hẻm có bảng cấm thì đậu xe trong hẻm vẫn bị xử phạt theo quy định.

Luật cũng quy định rõ người điều khiển ôtô không được dừng xe, đỗ xe nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe.

Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.

Nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.

Theo nghị định 46, nếu dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.

TIẾN LONG – TÂM LỤA