Giang Kim Đạt và các bị cáo thừa nhận đối tác gửi “quà”
Ngày 16-2, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử đại án tham nhũng, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).
Giang Kim Đạt và các bị cáo thừa nhận đối tác gửi “quà”
Ngày 16-2, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử đại án tham nhũng, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines).
Bị cáo Giang Kim Đạt (đứng hàng đầu) và các đồng phạm tại phiên tòa – Ảnh: Thân Hoàng |
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Trần Văn Liêm (62 tuổi, nguyên tổng giám đốc Vinashinlines), Trần Văn Khương (67 tuổi, nguyên kế toán trưởng), Giang Kim Đạt (40 tuổi, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh) – bị truy tố về tội “tham ô tài sản”. Bị cáo Giang Văn Hiển (67 tuổi, trú Q.2, TP.HCM, cha ruột bị cáo Giang Kim Đạt) bị truy tố về tội rửa tiền.
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, ba bị can Liêm, Đạt và Khương chiếm đoạt của Vinashinlines tổng số tiền hơn 260 tỉ đồng.
Trong đó Trần Văn Liêm chiếm đoạt 3,1 tỉ đồng, Giang Kim Đạt chiếm đoạt hơn 255 tỉ đồng, Trần Văn Khương 110.000 USD.
Đối với bị cáo Giang Văn Hiển, cơ quan điều tra xác định: sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản, Hiển rút tiền mặt ra đưa cho Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản và 13 ôtô đứng tên mình và người thân.
Trong phần xét hỏi, tất cả bị cáo đều cho biết không đồng ý với cáo buộc của bản cáo trạng. HĐXX phải tách riêng từng bị cáo ra để tiến hành xét hỏi. Trong chiều 16-2, HĐXX mới thực hiện xét hỏi đối với bị cáo Liêm và bị cáo Khương.
Tại tòa, bị cáo Liêm cho biết được bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc Vinashinlines trong giai đoạn 2005-2006.
Khi đó bị cáo Giang Kim Đạt làm quyền trưởng phòng kinh doanh với chức năng thực hiện tham mưu nhiệm vụ quản lý khai thác tàu, kinh doanh mua bán tàu…
Theo bị cáo Liêm, trong quá trình mua 3 tàu Vinashin Summner, Vinashin Island và Vinashin Phoenix, bị cáo Đạt không nói về chuyện hoa hồng mà chỉ nói đối tác sẽ gửi “quà” cho anh em.
Bị cáo Liêm thừa nhận sau khi mua 3 con tàu nói trên, bị cáo Giang Kim Đạt đưa công Liêm 150.000 USD.
“Đạt nói đó là tiền đối tác gửi làm quà cho anh em, không liên quan gì đến hợp đồng. Bị cáo giữ lại 40.000 USD để giải quyết công việc, còn lại đưa cho bị cáo Trần Văn Khương (nguyên kế toán trưởng Vinashinlines). Nhận tiền, bị cáo Khương nói cái này không liên quan đến hợp đồng thì chắc là để ngoài sổ sách để chi cho anh em được” – bị cáo Liêm khai nhận tại toà.
Chủ toạ phiên toà đặt vấn đề tiền hoa hồng cho 3 con tàu là hơn 711.000 USD, tại sao với vai trò là tổng giám đốc mà bị cáo không biết? Số tiền mà Giang Kim Đạt đưa bị cáo lại rất nhỏ? Bị cáo Liêm trả lời: “Tôi không biết bị cáo Đạt nhận số tiền đó nên tôi mới nói mình bị truy tố oan”.
Chủ tọa tiếp tục hỏi: “Bị cáo có chỉ đạo Đạt mua cho mình tài sản gì không?”. Bị cáo Liêm phủ nhận việc chỉ đạo bị cáo Đạt mua nhà đất cho mình mà chỉ nhờ bị cáo Đạt giới thiệu cha ruột đang kinh doanh bất động sản, giúp mua đất ở vị trí đẹp.
Theo bị cáo Liêm, số tiền mà ông nợ bị cáo Đạt trong việc mua nhà đất chỉ là “vay mượn dân sự” chứ không phải là “nhận hoa hồng gián tiếp”.
Theo cáo trạng, tháng 10-2006 bị cáo Liêm nhờ Đạt tìm mua 1 căn hộ chung cư tại dự án Sài Gòn Pearl. Đạt nhờ cha ruột là Giang Văn Hiển lấy tiền giá cước cho thuê tàu mà đối tác nước ngoài gửi về tài khoản của ông Hiển để mua.
Cuối tháng 10-2006, bị cáo Hiển lại liên hệ mua cho Liêm căn hộ tại cao ốc Topaz Tower 2. Liêm đưa cho Hiển 10.000 USD tiền đặt cọc, số còn lại ông Hiển lấy trong tài khoản trả nốt (1,2 tỉ đồng).
Tháng 5-2007, bị cáo Đạt tiếp tục nhờ ông Hiển mua cho Liêm 1 mảnh đất tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Bị cáo Hiển liên hệ mua lô đất diện tích 180m2 thuộc dự án khu du lịch sinh thái An Viên (P.Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) giá 911 triệu đồng.
Quan tham chết vì “quà” Đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng là cán bộ nhà nước phải hầu toà vì nhận tiền “quà” của đối tác để thực hiện hợp đồng. Năm 2013, Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) và Mai Văn Phúc (nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT) phải lãnh án tử hình về tội tham ô tài sản. Với cương vị là chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải VN, Dương Chí Dũng đã ký hợp đồng mua ụ nổi 83M của Công ty AP (Singapore). Mặc dù biết ụ nổi này đã hư hỏng nặng, không hoạt động được nhưng Dương Chí Dũng vẫn chỉ đạo cấp dưới mua cho bằng được. Đổi lại, sau khi hợp đồng mua ụ nổi được ký, Công ty AP đã chuyển về VN số tiền “lại quả” 1,666 triệu USD để Dương Chí Dũng và cấp dưới chia nhau. Đại án xảy ra tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội làm đơn vị này thất thoát 2.500 tỉ đồng cũng có sự tiếp tay của một số cán bộ cố tình làm sai để được hưởng cái gọi là hoa hồng. Cụ thể, biết Công ty Enzo Việt đã hết hạn mức cho vay, Phạm Thị Bích Lương (giám đốc Agribank Nam Hà Nội) lợi dụng chức vụ của mình tình cách giúp công ty này “lách” hạn mức vay để tiếp tục được vay tiền. Sau khi được ngân hàng giải ngân, lãnh đạo Công ty Enzo Việt đưa 3 tỉ đồng để Phạm Thị Bích Lương chia cho cấp dưới chiếm hưởng. Trong số đó, Phạm Thanh Tân (nguyên tổng giám đốc Agribank) được Lương đưa cho 310.000 USD tiền “quà biếu”. Ông Hà Tiến Triển (nguyên thẩm phán tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội) khẳng định hành vi nhận tiền hoa hồng, tiền “lại quả” hay như các bị cáo thường nói trước tòa là “quà biếu” để “bôi trơn” hợp đồng là hành vi trái pháp luật. Trên thực tế có rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử liên quan đến các hành vi này. “Họ thường thỏa thuận ngầm với đối tác để được hưởng một khoản tiền hoa hồng nhất định. Khoản tiền này do doanh nghiệp chuyển sau khi hợp đồng được thực hiện. Trên thực tế đó là tiền của Nhà nước bị thất thoát, vì giá trị của hợp đồng bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Nếu xác định được khoản tiền này là tiền của Nhà nước bị mất, các đối tượng sẽ bị truy tố về tội tham ô tài sản…” – ông Hà Tiến Triển cho biết. |