10/01/2025

Quản con trong môi trường nhiều cạm bẫy

Sau những câu chuyện liên quan đến bạo lực ở tuổi học trò với một số clip được tung lên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã tăng cường các biện pháp quản lý con nhằm tạo vùng an toàn cho con trẻ.

 

Quản con trong môi trường nhiều cạm bẫy

 Sau những câu chuyện liên quan đến bạo lực ở tuổi học trò với một số clip được tung lên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã tăng cường các biện pháp quản lý con nhằm tạo vùng an toàn cho con trẻ.

 

 

 

Quản con trong môi trường nhiều cạm bẫy
Mặt trái của việc tăng cường quản lý, giám sát đó có thể làm trẻ “mất tự do” dẫn đến tâm lý tự ái, cho rằng cha mẹ không tin mình, hoặc trẻ bí mật tạo dựng các mối quan hệ “ngầm” mà phụ huynh không biết để khi có cơ hội có thể bùng phát, mất kiểm soát.

Họ đứng trước những lựa chọn: “thả” con để có được kỹ năng sống nhưng lại lo con rơi vào cạm bẫy; hoặc “nhốt” con, có thể con trẻ được an toàn nhưng lại yếu về kỹ năng sống. Nhiều phụ huynh đã chọn cách khác là tăng cường giám sát con.

Con ra khỏi nhà, cha mẹ đón đưa

Trước đây, vợ chồng anh M. vẫn cho con trai (học lớp 10 tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) tự đi học. Tuy nhiên từ khi xuất hiện nhiều đoạn video clip về bạo lực ở lứa tuổi học trò, anh chị quyết định đưa đón con đi học hằng ngày.

“Nhiều khi bọn trẻ có các mâu thuẫn mình không kiểm soát được hoặc lên mạng hẹn nhau, rủ rê nhau ra ngoài để giải quyết, mình không biết để ngăn chặn cũng khó, chưa kể để trẻ tự do sẽ học những thói hư tật xấu của bạn” – anh M. lo lắng.

Cũng vì lo con bị bạn bè rủ rê, ảnh hưởng việc học hành nên đầu năm học này, việc đưa đón con đến lớp hoặc khi con được mời đi sinh nhật hay tham gia các sinh hoạt tập thể đều do vợ chồng anh Q. (Q.12, TP.HCM) thay nhau đảm nhiệm.

Lý giải tại sao không để con tự đi học, anh Q. chia sẻ: “Vợ chồng tôi thà vất vả còn hơn cảnh con đi học thêm nhưng không đến lớp, mà cùng bạn đi chơi ở đâu đó. Tôi biết có trường hợp con nói đi học thêm nhưng sau đó cha mẹ mới biết con đã không đến lớp từ lâu, trong khi ba mẹ vẫn cho tiền đóng học đều đặn”.

Có thể nói tâm lý lo cho con là hết sức bình thường ở nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt từ khi mạng xã hội xuất hiện, các mối quan hệ của trẻ phức tạp hơn nhiều nên nỗi lo lắng ấy cũng vì vậy tăng lên. Do đó các bậc cha mẹ đã tăng cường quản con chặt hơn.

Nhưng việc quản con như anh M., anh Q. nói trên chỉ là bất đắc dĩ, bởi “tôi cũng chẳng muốn ôm thêm việc, muốn con chủ động, tự lo được các công việc liên quan đến bản thân nhưng sợ con bị bạn bè không tốt rủ rê, lôi kéo làm việc không tốt hoặc ảnh hưởng đến học tập nên đành phải vậy” – anh M. bộc bạch.

Mặt trái của việc tăng cường quản lý, giám sát đó có thể làm trẻ “mất tự do” dẫn đến tâm lý tự ái, cho rằng cha mẹ không tin mình, hoặc trẻ bí mật tạo dựng các mối quan hệ “ngầm” mà phụ huynh không biết để khi có cơ hội có thể bùng phát, dẫn đến mất kiểm soát.

Bên cạnh đó, nó có thể cản trở tính chủ động, xuất hiện cách ứng xử thụ động, ỷ lại ở trẻ hoặc ảnh hưởng đến việc hình thành kỹ năng sống ở các cháu.

Thậm chí việc quản con quá chặt tuy tránh được một số cạm bẫy, nhưng có thể xuất hiện hiện tượng “gà công nghiệp” kiểu “bảo gì làm nấy”, “chở đi đâu thì đi đấy”…

Giải pháp dung hòa

Làm thế nào để có thể vừa “thả” con, xây dựng tính chủ động trong các vấn đề của cuộc sống, hình thành các kỹ năng sống tốt hơn khi đang ở tuổi dậy thì là vấn đề không đơn giản. Tuổi này trẻ còn chưa ý thức hết các cạm bẫy trong các mối quan hệ, nên việc đầu tiên cha mẹ cần quan tâm là các mối quan hệ của con.

Mỗi lần có điều kiện trò chuyện với con, cha mẹ nên khơi gợi về các bạn bè mà con mình hay chơi để chính con nhận xét, đánh giá về mức độ thân mật hay tính khí của người bạn đó. Thông qua những cuộc trò chuyện như vậy, cha mẹ sẽ có định hướng ban đầu cho con về các mối quan hệ nào có thể phát triển thân tình, các mối quan hệ nào chỉ dừng lại ở mức xã giao…

Khi con đi học thêm hay tham gia hoạt động nào khác, phụ huynh cũng nên hỏi về nơi học, thầy cô giảng dạy và số điện thoại của giáo viên để kịp thời nắm bắt thông tin của con. Đặc biệt, khi con tham gia các hoạt động tập thể, cha mẹ cần yêu cầu con cung cấp thời gian đi về, địa điểm, số điện thoại của người cùng tham gia với con để tiện liên lạc, nắm bắt tình hình khi thấy cần thiết.

Việc cha mẹ tăng cường trao đổi với con về tình hình học tập cũng như về các mối quan hệ của con vừa thể hiện mối quan tâm, cùng con tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống vừa tạo thông điệp rõ ràng, làm cho con hiểu rằng mình không tạo áp lực theo kiểu “kiểm soát, theo dõi” con.

Ngược lại, nhờ đó mà con cái cũng tin tưởng, cung cấp thông tin về các mối quan hệ của trẻ cho cha mẹ. Những điều đó sẽ tạo thêm những viên gạch vững chãi cho trẻ tự lập, đồng thời cha mẹ cũng an tâm hơn trong việc giúp con trẻ phòng tránh những cạm bẫy từ các mối quan hệ của cuộc sống.

THS NGUYỄN QUẾ DIỆU