Cứu những cô gái, trẻ em bị lừa bán qua Trung Quốc
Chiều xuống, xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai bảng lảng trong sương. Trời sập tối nhanh và lạnh buốt. Trong một căn nhà lớn, dân bản xúm xít ngồi coi một vở kịch: vở kịch giải cứu phụ nữ, trẻ em bị lừa bán qua Trung Quốc.
Cứu những cô gái, trẻ em bị lừa bán qua Trung Quốc
Chiều xuống, xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai bảng lảng trong sương. Trời sập tối nhanh và lạnh buốt. Trong một căn nhà lớn, dân bản xúm xít ngồi coi một vở kịch: vở kịch giải cứu phụ nữ, trẻ em bị lừa bán qua Trung Quốc.
Bà Hạng Thị Xa cùng hai con chăm sóc cây atisô – Ảnh: QUANG THẾ |
Tác giả, đạo diễn, vai chính của vở kịch đó là bà Hạng Thị Xa, 42 tuổi, nhà ở thôn Giàng Tra. Bà Xa mới được vinh danh là “Người uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc”. Bà là người giải cứu hai vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em gái qua Trung Quốc, trong đó có con gái mình.
Bán 5 đồng tiền cổ cứu người dưng
“Trận đầu” giải cứu người của bà Xa diễn ra hồi năm 2012, đưa bé Châu Thị Dinh (xã Trung Chải) và chị Hạng Thị Chu (xã Tả Phìn) về bản. Bữa đó, bà Xa đang làm việc trước nhà thì nhận được cuộc gọi ngắn ngủi của chị Chu, gọi từ bên kia biên giới Lạng Sơn (phía Trung Quốc), nói là bị người đàn ông lạ mặt lừa bán.
Cùng bị bán còn có cô bé Châu Thị Dinh, 13 tuổi. Bà Xa kéo chồng đi báo cho cán bộ xã rồi lên phương án giải cứu.
Nói là phương án chứ thật ra là hai vợ chồng bàn nhau xuống Hà Nội, tìm cách liên lạc với Hạng Thị Chu để hướng dẫn họ cách quay về. Ông Giàng A Kẻ (chồng bà Xa) lúng túng: xưa nay hai vợ chồng chưa hề đi đâu, xa nhất mới xuống đến thành phố Lào Cai, trong khi nạn nhân ở đâu tận Lạng Sơn, làm sao bây giờ?
“Tiền cũng không đủ đi xe và cũng chẳng biết đường xuống Hà Nội nhưng khi vợ mình bảo phải cứu họ thì làm theo vợ thôi…” – ông Kẻ thật thà.
Không có tiền và gấp gáp quá không vay được ai, thế là vợ chồng quyết định bán 5 đồng bạc cổ – vật không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân tộc Mông – được 5 triệu đồng làm lộ phí, đón tàu xuống Hà Nội.
Trên đường đi, bà Xa luôn động viên chị Chu, bé Dinh phải bình tĩnh, nhắc nạp tiền điện thoại cả hai chiều để giữ liên lạc. Bà Xa nhớ lại: “Lúc đó run lắm vì chỉ sợ mất tín hiệu coi như toi công mà lại không cứu được người. Mình vừa hỏi chuyện rồi còn bảo cái Chu mô tả lại xem khu vực đó giáp chỗ nào Lạng Sơn. Do sóng ở vùng biên chập chờn nên lúc nghe được, lúc không…”.
Bà cẩn thận nhắc cả chị Chu và bé Dinh phải cảnh giác, mô tả thật đúng nơi đang trốn để bà tìm người giúp, và nhất là phải an toàn, không để kẻ xấu bắt lại: “Để về được VN chỉ có một cách tìm đến cửa khẩu rồi gặp người VN nhờ đưa qua biên giới, tao sẽ chờ đón bên này…”.
Theo sự chỉ dẫn, chị Chu và bé Dinh lần dò đi từ khu vực hoang vắng ra sát đường, may mắn gặp được một phụ nữ Việt qua lại Trung Quốc buôn bán giúp đỡ, đưa qua biên giới trót lọt, chỉ cách đón xe về Hà Nội. Sau cả buổi ngồi chờ ở ga Gia Lâm, bà Xa cùng chồng vỡ òa trong hạnh phúc. “Nhìn thấy chúng nó vẫn còn chưa hết lo sợ, mặt mũi như người mất hồn.
Bọn mình chỉ biết ôm nhau mà khóc” – bà nhớ lại. Chị Chu được đoàn tụ với chồng con và hiện nay đang sống ở bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, Sa Pa. “Còn Dinh mới cưới chồng, thi thoảng tôi đi chợ cũng gặp lại nó, lần nào nó cũng mừng” – bà Xa vui vẻ cho biết.
Giải cứu con gái
Oái oăm thay, sau đó chính con gái của bà cũng là món hàng của bọn buôn người. Sáng 18-1-2015, bà cùng chồng và con gái là Giàng Thị Tùng (lúc đó học lớp 7) vào rừng lấy củi. Khi đến ngã ba Tả Phìn 1, bé Tùng xin mẹ 2.000 đồng mua tăm cay (đồ ăn vặt) rồi vào rừng chặt củi sau.
“Khoảng 1h chiều tôi và chồng đi hái củi về không thấy con ở nhà. Chạy đi tìm thì hàng xóm bảo thấy con Lan, bé Mỷ và con gái tôi lên ôtô đi đâu không biết. Cán bộ cùng tôi qua nhà bố đẻ Lan phát hiện gùi, cơm nắm hồi sáng cùng quần áo của con gái để lại trong góc chuồng trâu.
Lúc đó tôi linh cảm có chuyện không hay” – bà Xa nhớ lại. Và đúng là bé Tùng bị Giàng Thị Lan (người cùng bản) lừa đi Sa Pa chơi rồi bán sang Trung Quốc.
Thế là bà chạy bộ lên trụ sở công an xã trình báo, rồi viết đơn gửi Công an huyện Sa Pa, Công an tỉnh Lào Cai. Nhưng không có một chút manh mối nào về cô con gái. Vài ngày sau Giàng Thị Lan trốn khỏi địa phương, bà Xa rơi vào ngõ cụt.
Những ngày sau đó, con gái vẫn bặt vô âm tín. Nhân dự hội thảo ở Trung tâm phụ nữ và phát triển tại Hà Nội, tới phần phát biểu của mình, bà khóc tu tu kể chuyện con bị lừa bán sang Trung Quốc. Cán bộ dự hội thảo giới thiệu bà đến Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an để trình báo. Khoảng 3 tháng sau, bất ngờ Tùng gọi điện thoại về.
“Nó khóc, tôi cũng khóc. Nó nói bị bán qua đó rồi bị ép làm vợ một người đàn ông và còn hay bị đánh đập, chủ nhà không cho ăn uống.
Cuộc nói chuyện ngắn lắm vì nó sợ người ta phát hiện. Tôi dặn con lấy chứng minh hoặc giấy tờ tùy thân của chủ nhà thì mới có thể xác định đúng vị trí đang ở để giải cứu” – bà bình tĩnh nói.
Mấy ngày sau Tùng tiếp tục gọi lén về cho mẹ và xác định đang ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Do địa bàn rộng, C45 đã hướng dẫn bà Xa nói Tùng chạy tới đồn cảnh sát gần nhất để trình báo. Sau đó được phía bạn giúp đỡ, Tùng được đưa ra khu vực cửa khẩu để về nước.
“Cuộc đời tôi không bao giờ quên được ngày tháng đó. Nhìn thấy con từ xa, người trong gia đình đi đón ai cũng xúc động nhưng tôi thì vẫn kìm lại nước mắt. Đêm về nằm cạnh ôm nó mới dám khóc. Đến tận lúc đó tôi mới tin là con mình đã trở về…” – bà nghẹn giọng.
Từ khi con gái trở về đến nay, bà Xa một mặt vẫn làm công việc nương rẫy, một mặt viết kịch bằng tiếng Mông lên án nạn buôn người. Bà đi đến các bản trong xã diễn cho mọi người xem.
Trong vở kịch, bà Xa đóng vai kẻ buôn người, một số người trong bản đóng vai bố, mẹ, con, công an. Nội dung vở diễn tái hiện cảnh bà đi tìm con và câu chuyện bé Tùng bị lừa bán qua Trung Quốc.
Ông Lý Phù Siệu, bí thư xã Tả Phìn, bảo rằng: “Chị Xa không chỉ là người uy tín tiêu biểu đối với dân tộc Mông mà còn là người uy tín với các dân tộc khác sống trên địa bàn. Những tác phẩm chị diễn đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Trong cộng đồng dân tộc thiểu số có nhiều người như chị thì nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em sẽ không còn nữa”.
Chuyện của bé Tùng
“Cháu rủ Mỷ cùng lên rừng lấy củi thì Giàng Thị Lan bảo Sa Pa đẹp lắm, rủ đi chơi. Do cháu chưa đến đó nên đã thay quần áo họ cho để đi theo. Tới Sa Pa chơi một lúc thì chị Lan nói ở TP Lào Cai có nhiều quần áo đẹp hơn. Lúc này cháu không muốn đi nữa nhưng bị chị ấy kéo lên xe” – Tùng nhớ lại. Tùng kể tiếp: sau khi xuống TP Lào Cai, có hai người đàn ông bịt kín mặt cõng qua biên giới. Qua tay nhiều chủ buôn người, di chuyển trên ôtô hơn 4 ngày đêm Tùng mới tới “nhà chồng” đã bỏ tiền mua mình. “Nghe nói chị Lan đã cầm 250 triệu đồng là tiền bán cháu” – Tùng nói. Sau khi bị bán qua Trung Quốc, hằng ngày Tùng phải đi khuân vác đá và làm nhiều công việc nặng. Tùng đã bỏ trốn nhiều lần nhưng vẫn không thoát được. “Có hôm do cháu ốm không làm được việc họ còn dùng đá nhọn và dao để rạch vào tay. Thấy chảy máu họ cũng để kệ tự mình băng bó” – Tùng nhớ lại. Từ ngày trở về Tả Phìn, Tùng tiếp tục đến trường và bây giờ đang là học sinh lớp 8. Tùng nói: “Được về với bố mẹ, với em và bản làng cháu thấy rất vui sướng. Buồn là sau khi từ Trung Quốc về không còn ai dám chơi với cháu nữa. Bạn bè lo sợ cháu biết Trung Quốc rồi sẽ lừa bán bạn qua đó”. |