11/01/2025

Cẩn trọng với hợp đồng miệng

Vì quen biết, tin tưởng nhau nhiều người thường giao dịch, thỏa thuận bằng miệng. Đến lúc phát sinh tranh chấp mới thấy vô số những rắc rối trong việc giải quyết quyền lợi các bên.

 

Cẩn trọng với hợp đồng miệng

Vì quen biết, tin tưởng nhau nhiều người thường giao dịch, thỏa thuận bằng miệng. Đến lúc phát sinh tranh chấp mới thấy vô số những rắc rối trong việc giải quyết quyền lợi các bên.

 

 

 

Tháng 3-2015, ông N.V.T. (ngụ Q.11, TP.HCM) ký hợp đồng mua bán một phần căn nhà ở Q.6 với giá hơn 3 tỉ đồng. Toàn bộ căn nhà này đã được thế chấp tại ngân hàng và chủ nhà cam kết phần căn nhà ông T. mua có thể tách thửa được.

Tin lời, ông T. đặt cọc 500 triệu đồng. Đến tháng 7-2015, chủ nhà cho biết căn nhà không được tách thửa. Ông T. khởi kiện chủ nhà để đòi lại tiền.

Lúc được công nhận, 
lúc không

Ở phiên phúc thẩm tại TAND TP.HCM, đại diện ngân hàng khẳng định chưa có một văn bản chính thức nào cho phép tài sản thế chấp này được tách thửa.

Vì vậy, hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận sự thoả thuận bằng miệng của cả hai với ngân hàng trước đó. HĐXX tuyên vô hiệu với hợp đồng đặt cọc trên.

Trong một vụ án khác, HĐXX lại chấp nhận hợp đồng giao kết miệng giữa ông N.N.L. (ngụ Q.10) và bà L.T.T.H. (ngụ H.Bình Chánh).

Tháng 7-2014, cả hai có thỏa thuận miệng về việc ông L. sẽ giới thiệu cho bà H. kết hôn với công dân nước ngoài. Bà H. có đặt cọc trước cho ông L. 20.000 euro.

Sau đó, ông L. đưa 27.000 euro cho một người khác để lo thủ tục kết hôn và định cư nước ngoài cho bà H. và hai con. Khi đang làm thủ tục, bà H. đổi ý không muốn kết hôn nữa nên đòi lại tiền.

Tòa phúc thẩm tháng 12-2016 chấp nhận thoả thuận miệng của hai bên nhưng tuyên vô hiệu vì vi phạm pháp lệnh ngoại hối.

Khi nào được 
pháp luật công nhận?

Theo Bộ luật dân sự 2005, hợp đồng miệng cũng được coi là hợp đồng dân sự, được pháp luật thừa nhận và có giá trị pháp lý như hợp đồng bằng văn bản.

Bộ luật dân sự 2015 cũng công nhận hợp đồng bằng lời nói, có thể trao đổi trực tiếp hay gián tiếp qua điện thoại, cụ thể (khoản 3, điều 394).

Theo luật gia Đặng Đình Thịnh, hợp đồng miệng chỉ được pháp luật dân sự thừa nhận trong các trường hợp không bắt buộc phải lập thành văn bản. Người tham gia giao dịch phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, trên tinh thần tự nguyện; mục đích, nội dung không trái pháp luật và đạo đức.

Còn luật sư Đoàn Trọng Nghĩa cho rằng hợp đồng miệng chỉ được công nhận khi ra trước tòa cả hai phải thừa nhận rằng có sự giao kết thỏa thuận đó. Nếu một bên phủ nhận và không có giấy tờ, bằng chứng chứng minh sự giao kết đó thì hợp đồng miệng này không có giá trị.

Đồng tình với các ý kiến trên, luật sư Nguyễn Sơn Lâm phân tích: “Trong trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải thể hiện dưới hình thức là văn bản và phải có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký như hợp đồng mua bán nhà cửa, đất đai, xe cộ… thì các bên giao kết phải thuận theo quy định đó. Lúc này, hợp đồng miệng không có giá trị 
chứng minh”.

Khó chứng minh 
nội dung giao dịch

Các chuyên gia pháp lý cho rằng hợp đồng miệng chủ yếu dựa vào niềm tin, chữ tín với nhau nên khi phát sinh tranh chấp rất khó chứng minh nội dung đã giao dịch trước đó để yêu cầu toà bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Rắc rối chính là không có văn bản cụ thể nên các nội dung thỏa thuận cũng không chi tiết, rõ ràng.

“Ra tòa mạnh ai nấy nói, miễn có lợi cho mình, không có bằng chứng gì chứng minh vật chất đã giao dịch, không có bằng chứng chứng minh thật sự nội dung giao dịch của cả hai nên không có căn cứ để giải quyết” – luật gia Đặng Đình Thịnh nói.

Một thẩm phán TAND TP.HCM chia sẻ: “Trước toà, nguyên tắc ai có đủ chứng cứ thì được t xem xét. Với những vụ mà chứng cứ ít, giá trị chứng minh thấp thì mỗi thẩm phán có cách riêng, tuỳ vào cái tâm mỗi người, sẽ cố gắng “huy động” hết tất cả những bằng chứng liên quan dù là nhỏ nhất”.

Theo vị thẩm phán này, đối với những vụ án tranh chấp hợp đồng miệng, niềm tin nội tâm trong xét xử cũng cần được vận dụng triệt để nhằm hạn chế thiệt hại cho các bên.

Thực tế, vẫn có những thiệt hại trong những tranh chấp hợp đồng miệng này vì gần như không có một chứng cứ để pháp luật bảo vệ.

Nên lập hợp đồng 
bằng văn bản

Theo lề lối làm ăn nhỏ lẻ, những giao dịch đơn giản, không phức tạp, giá trị không lớn, lại tin tưởng nhau quá mức nên hai bên chủ yếu thoả thuận bằng miệng với nhau.

Điều này trở thành một thói quen với nhiều người mà họ ít biết sự giao kết này mang nhiều rủi ro và không đảm bảo hoàn toàn được quyền lợi cho mình.

Luật gia Đặng Đình Thịnh khuyến cáo: “Không khuyến khích người dân thoả thuận hợp đồng miệng. Nên tạo thói quen lập các hợp đồng bằng văn bản, ghi càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt.

Để xác định năng lực hành vi dân sự của người tham gia cũng như giao dịch đó không trái pháp luật, tốt nhất là các hợp đồng có giá trị tương đối nên ra công chứng hoặc có thừa phát lại chứng nhận, mời người làm chứng đến.

Khi xảy ra tranh chấp thì các bên sẽ được pháp luật bảo vệ, toà sẽ dựa vào đó để 
phán quyết”.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ lưu ý thêm: “Khi giao dịch, nên hạn chế tới mức tối đa các hợp đồng miệng để bảo vệ được chính bản thân mình. Với loại hợp đồng này, càng cẩn trọng càng tốt. Nếu không có ghi âm thì ít nhất phải có được người làm chứng”.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chứng cứ trong các hợp đồng miệng là băng ghi âm, thư từ email, đoạn chat trao đổi giữa hai bên, biên bản giao nhận hàng, giao nhận tiền (trong đó có ghi rõ nội dung hàng hóa mua bán và tiền trả). Tối thiểu nhất là phải có người làm chứng.

“Tốt nhất là có băng ghi âm, ghi hình. Băng ghi âm ghi hình này sẽ được trích xuất, ghi cụ thể, chi tiết ngày tháng về sự kiện đó, có người làm chứng hoặc vi bằng do thừa phát lại xác nhận…” – luật gia Đặng Đình Thịnh lưu ý thêm.

UYÊN TRINH