‘Đạo chích’ táo tợn làm ăn ‘tháng củ mật’
“Tháng củ mật” là cụm từ nhằm nhắc nhở người dân cần tăng cường kiểm tra, cẩn trọng trong việc bảo vệ tài sản trước nạn “đạo chích”, “nhập nha”, cướp giật dịp Tết Nguyên đán.
‘Đạo chích’ táo tợn làm ăn ‘tháng củ mật’
“Tháng củ mật” là cụm từ nhằm nhắc nhở người dân cần tăng cường kiểm tra, cẩn trọng trong việc bảo vệ tài sản trước nạn “đạo chích”, “nhập nha”, cướp giật dịp Tết Nguyên đán.
Băng nhóm móc túi chuyên nghiệp bị Công an Q.Thủ Đức bắt ngày 17-1 – Ảnh do công an cung cấp |
Ngày 9-1, gia đình bà N.T.T.T. (42 tuổi, ngụ đường số 7, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) tá hoả khi buổi chiều về nhà phát hiện cửa chính lầu một bị mở tung, tủ gỗ trong phòng có dấu hiệu bị lục lọi.
Qua kiểm tra, bà T. phát hiện gần 7.000 USD, 220 triệu đồng, 5 lượng vàng các loại cùng nhiều ngoại tệ, đồ trang sức khác… không cánh mà bay.
Trộm nhập nha
Chỉ trong vòng 24 giờ, Công an Q.Thủ Đức đã tìm ra thủ phạm thực hiện vụ trộm táo tợn này là Võ Nguyễn Viết Tiến (23 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Chánh) gọi bà T. là dì ruột. Tiến được bà T. coi như con đẻ, thương yêu đùm bọc, chăm lo từ công việc tới cuộc sống.
Theo lời khai của Tiến, dù được dì và dượng quan tâm, giúp đỡ nhưng do bản tính lười lao động, thích có nhiều tiền nên đã lên kế hoạch đột nhập nhà người thân để trộm.
Biết rõ vào dịp cuối năm bà T. giữ nhiều tiền, vàng, ngoại tệ trong nhà để xử lý công việc, nên Tiến quyết tâm ra tay. Khoảng 18h ngày 8-1, Tiến vào nhà kho cạnh nhà bà T., leo hàng rào lên lầu một.
Tiếp đó, Tiến cạy tủ gỗ lấy hết số tiền, vàng, ngoại tệ và đồ trang sức bên trong bỏ vào bịch rồi theo đường cũ đi ra. Lấy được tiền, vàng, Tiến mua xe máy, điện thoại, trả nợ, cho bạn gái và chỉ một ngày sau thì bị bắt.
Theo thống kê của Công an TP.HCM, vào cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp trước, trong và sau Tết Đinh Dậu 2017 (từ 16-12-2016 tới 16-2-2017), tính đến ngày 22-1 trên địa bàn TP ghi nhận có hơn 400 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó số vụ trộm cắp chiếm gần 60% (243 vụ).
Thực tế cho thấy các băng nhóm trộm cắp có tổ chức, chuyên nghiệp thường chọn những khu dân cư trung cao cấp mới hình thành, các khu dự án và khu vực đang đô thị hoá ở vùng ven để ra tay.
Trong khi đó, tâm lý người dân cuối năm thường cần tiền mặt để xử lý công việc nên trong nhà lúc nào cũng có một khoản tiền khá lớn.
Việc ngân hàng từ chối nhận vàng ký gửi, hoặc có thu phí khi người dân ký gửi vàng cũng dẫn tới tình trạng người dân tích trữ vàng trong nhà nhiều hơn. Chỉ cần mất cảnh giác, các băng nhập nha chuyên nghiệp sẽ ra tay.
Cẩn trọng vận chuyển tiền, vàng
Vào khoảng năm 2009-2010, trên địa bàn TP.HCM liên tục xảy ra các vụ trộm tiền trên ôtô với một thủ đoạn giống nhau. Đó là thường có một người thông báo cho tài xế chở theo tiền, tài sản có giá trị rằng “bánh xe bị xì hơi”.
Khi tài xế và người đi trên xe xuống kiểm tra thì các đối tượng dùng thiết bị chuyên dùng cạy cửa xe trộm tiền, cũng có khi tài xế, chủ xe không chốt cửa thì chúng ung dung mở cửa lấy tiền rồi chạy trốn.
Tới cuối năm 2010, băng nhóm chuyên nghiệp mang quốc tịch Indonesia này bị bắt, nhưng một vài đối tượng có liên quan đã kịp chạy trốn khỏi Việt Nam. Gần đây, các vụ trộm với thủ đoạn tương tự đã xuất hiện trở lại.
Khoảng 10h30 ngày 10-1, ông L. và bà V. (ngụ TP.HCM) tới Vietcombank trên đường Công Trường Mê Linh (Q.1) rút 2 tỉ đồng mang lên xe hơi di chuyển về đường Hàm Nghi.
Lúc này bà V. phát hiện hai người đàn ông có đặc điểm giống người nước ngoài bám theo sau. Khi đến trước ngã sáu Phù Đổng (Q.1) thì ông L. nghe tiếng bánh xe phía sau xì hơi.
Lúc này bà V. qua đường lấy đồ, còn ông L. vẫn ngồi trong xe, khoá cửa từ bên trong. Một người đàn ông nước ngoài (hao hao giống người Trung Quốc) chỉ tay ra hiệu cho ông L. là bánh xe phía sau bị xì hơi.
Ông L. mở cửa xuống kiểm tra thì phát hiện một người đàn ông nước ngoài khác (da ngăm đen, râu quai nón) lấy hai chiếc túi của bà V. đang để trong xe chạy đến một xe máy do người nước ngoài đứng gần đó nổ máy chờ sẵn.
Ông L. nhanh chân đuổi kịp, ôm người phía sau kéo lại. Đối tượng này giằng co khiến hai chiếc túi bên trong chứa 2 tỉ đồng và nhiều loại giấy tờ văng ra ngoài. Nhóm đối tượng người nước ngoài nhanh chân tẩu thoát.
Bằng thủ đoạn tương tự, ông S. (ngụ Q.7) đã bị nhóm trộm chuyên nghiệp lấy đi một máy tính xách tay, con dấu, giấy tờ liên quan tới doanh nghiệp, ổ cứng, cuốn séc và nhiều vật dụng khác. Khoảng 9h30 ngày 16-1, sau khi vào giao dịch tại một ngân hàng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), ông S. lái xe về hướng Q.1.
Khi tới giao lộ Trương Định – Lê Thánh Tôn, ông S. thấy vỏ xe bị xẹp nên dừng lại để kiểm tra. Hai phút sau, khi lên xe thì ông S. phát hiện chiếc túi xách biến mất. Kiểm tra camera hành trình, ông S. phát hiện một người nước ngoài, da ngăm đen đi bộ từ phía sau tới trước đầu xe của ông S.. Hai phút sau, người này lên một xe máy do một người nước ngoài khác điều khiển chạy đi.
Nhắc nhở, cảnh báo từng hộ dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP đã có văn bản chỉ đạo công an các địa phương phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo trật tự an toàn dịp trước, trong và sau tết.
Ngoài ra, Công an TP cũng yêu cầu công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình.
Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần bố trí người trông giữ xe vào ban ngày, tổ chức tuần tra vào ban đêm. Các hộ dân vắng nhà cần thông báo cho những người sống lân cận để họ giúp trông coi, bố trí khóa cửa bên trong để kẻ gian không biết chủ nhà đi vắng mà đột nhập.
Người dân cần lắp đặt camera quan sát giữa nhà riêng và khu vực công cộng, đặc biệt là các khu dân cư cao cấp…
Ông Quang lưu ý người dân khi đến rút tiền tại các ngân hàng không nên vận chuyển tiền số lượng lớn bằng xe máy. Khi dùng ôtô chuyển tiền phải chú ý quan sát trước, sau và bên cạnh xe suốt hành trình của mình.
Nếu buộc phải dừng xe trong hành trình, cần phải có người giữ tài sản và người rời xe cũng cần chú ý đối tượng khả nghi để đề phòng.
Không tha cả người nghèo Nạn trộm cắp không chỉ nhắm tới các ngôi nhà, căn hộ hay biệt thự hoặc số tiền lớn được vận chuyển trên đường. Các băng nhóm trộm cắp, móc túi còn không tha cả người dân nghèo, di chuyển bằng xe buýt. Ngày 17-1, Công an Q.Thủ Đức đã bắt giữ một băng nhóm là các thành viên trong gia đình, có quan hệ huyết thống, vợ chồng, anh em khi đang hoạt động trên các tuyến xe buýt chạy qua địa phận Q.Thủ Đức. Điều đặc biệt với băng nhóm móc túi này là hầu hết các thành viên đều có “thành tích” đáng nể về thâm niên trộm cắp: người ít thì 1 tiền án, người nhiều tới 4 tiền án về cùng hành vi trộm cắp tài sản. |