06/01/2025

Tha nhân là hỏa ngục: làm sao hóa giải?

để phá cái vòng lẩn quẩn oan nghiệt “tha nhân là hỏa ngục với ta, ta là hỏa ngục với tha nhân” đang tràn lan trong lòng người và tàn phá xã hội, chúng ta phải thực hành khẩn cấp nhân đức công bằng, liên đới và yêu thương (vì kẻ gây hỏa ngục cũng là các ngôi vị có lý trí, trách nhiệm, tự do, có khả năng yêu thương và hiểu biết). Giống như ba anh em vườn Đào kết nghĩa, công bằng cũng cần liên thủ bộ ba: “Tự một mình, công bằng không thôi thì chưa đủ, phải mở ra cho công bằng chân trời mới về liên đới và yêu thương”.

Từ “NGƯỜI KHÁC LÀ HỎA NGỤC”… 

“Tha nhân là hỏa ngục” là câu nói nổi tiếng của triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre người Pháp thế kỷ 20. 

Đôi khi tôi cũng tức giận vợ con, đồng nghiệp, đồng đạo. Lúc ấy thấy họ dễ ghét nhường bao. Tức họ quá, tôi phạm tội chửi thề. Có khi tức khí cành hông, tôi xuất chưởng ra chiêu “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Nặng hơn thì chia tay, ly thân, ly dị vợ. Ở cơ quan thì tố cáo người ấy hoặc đâm sau lưng cho nó thân bại danh liệt. Ở nhóm đạo thì tôi sẽ bỏ nhóm để khỏi nhìn thấy cái mặt mẹt. Ở dòng tu, chịu không thấu cái hỏa ngục ấy thì về với thế gian. 


Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 1/8/2013 đưa tin: Bác sĩ CŨNG đánh nhau (trong bệnh viện). 

Ở Vatican, người phục vụ Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từng gây nỗi đau lớn lao cho Ngài. 

Chiến tranh khắp nơi trên thế giới, chiến tranh liên miên.

Bất công tràn lan. 

Làm người Việt Nam lúc này, là phải thấy và phải chịu đau khổ vì có rất nhiều “hỏa ngục” trong kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật (?). 

Khi lòng ta xốn xang coi người khác là hỏa ngục thì chính ta một ngày nào đó cũng trở thành hỏa ngục! (vì ta cũng là “tha nhân” với người khác). 

Vậy, phải tập coi người khác là ngôi vị để tránh được ma quỉ trong lòng ta.

đến… “NGƯỜI KHÁC LÀ NGÔI VỊ” 

Thời xưa Vua là “ngôi” vua cao nhất của quyền lực và danh vọng.

Con người là một “ngôi” cao quý nhất vì: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 27). 

Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo số 109 khẳng định: “Con người là một ngôi vị do Chúa tạo dựng để liên hệ với Ngài, chỉ trong mối liên hệ này, con người mới tìm được sự sống, mới thể hiện chính mình và hướng về Thiên Chúa một cách tự nhiên”. 

Linh mục John A. Hardon trong Tự điển Công Giáo cho ta thấy người “ngôi vị” là người có lý trí, trí khôn, cá tính, trách nhiệm và quyền hạn đặc biệt. 

Tổng Giám mục Jean-Louis Bruguès trong Tự điển Luân lý Công giáo nhấn mạnh rằng, người “ngôi vị” có hai khả năng: khả năng đón nhận Thiên Chúa và khả năng hiểu biết và yêu thương. 

Vậy phải xử sự thế nào khi thấy người khác tạo “hỏa ngục” cho mình? 

Vũ khí phản công: CÔNG BẰNG – LIÊN ĐỚI – YÊU THƯƠNG 

Có khi dường như ta thấy họ tạo hỏa ngục cho xã hội, giáo hội, cộng đoàn, nhóm.

Giáo huấn Xã hội dạy ta phải dám “tố cáo, đề nghị, dấn thân” (Sđd, 6) khi thấy có vi phạm công bằng và tình yêu. Ta là ngôi vị mà, ta có trách nhiệm. “Nhân loại phải cùng nhau gánh lấy trách nhiệm”.

Sách Tóm lược học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo số 201 mời gọi ta “tôn trọng những hình thức cổ điển nhất của công bằng: công bằng giao hoán, công bằng phân phối, công bằng pháp lý. Càng ngày người ta càng coi trọng công bằng xã hội”. 

Vậy để phá cái vòng lẩn quẩn oan nghiệt “tha nhân là hỏa ngục với ta, ta là hỏa ngục với tha nhân” đang tràn lan trong lòng người và tàn phá xã hội, chúng ta phải thực hành khẩn cấp nhân đức công bằng, liên đới và yêu thương (vì kẻ gây hỏa ngục cũng là các ngôi vị có lý trí, trách nhiệm, tự do, có khả năng yêu thương và hiểu biết). 

Giống như ba anh em vườn Đào kết nghĩa, công bằng cũng cần liên thủ bộ ba: “Tự một mình, công bằng không thôi thì chưa đủ, phải mở ra cho công bằng chân trời mới về liên đới và yêu thương” (Sđd, 203). 

Vậy những người ưu tư công lý phải ứng phó, hóa giải với hỏa ngục (trước nhất ở trong lòng mình “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!”) bằng bộ ba công bằng, liên đới và yêu thương:

  • Lấy công bằng hóa giải bất công;
  • Tạo dựng các “cơ cấu liên đới” để ứng phó với các “cơ cấu của tội”; và
  • Đem yêu thương vào nơi oán thù. 

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nói: “Tôi phải sửa nơi tôi tật xấu mà tôi thấy khó chịu nơi người khác”. Ngài là mẫu gương hàng ngày cho tôi noi theo.

 

Minh Hiền

Trích tập san GHXH tập 10