02/11/2024

Đón giao thừa ở nhà hay ra đường?

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ, chúc nhau những lời tốt đẹp trong không khí đoàn viên ấm cúng.

 

Đón giao thừa ở nhà hay ra đường?

 Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ, chúc nhau những lời tốt đẹp trong không khí đoàn viên ấm cúng. 

 

 

 

Đón giao thừa ở nhà hay ra đường?
Sau khi cúng tổ tiên, ông bà, các gia đình thường đi lễ đền, chùa… cầu bình an và sức khoẻ cho cả nhà. Trong ảnh: người dân đi lễ đền Nghè (Hải Phòng) ngay sau giao thừa – Ảnh: T.T.D.

Nhưng nhiều bạn trẻ thích đón giao thừa ngoài phố với bạn bè, chia sẻ niềm vui năm mới. Tết năm nay nên đón giao thừa như thế nào?

Nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi (26 tuổi): 

Không khác 
nhau nhiều

Với tôi thì cũng tùy từng năm. Mấy năm gần đây tôi thường ra ngoài đón giao thừa, coi pháo hoa với bạn gái. Nếu đón giao thừa ở nhà thì tôi sẽ phụ bố mẹ làm việc gì đó, xem Táo quân trên tivi rồi lên sân thượng hóng pháo hoa.

Cảm giác đón giao thừa với gia đình và ở ngoài với bạn bè có khác nhau, nhưng không khác nhiều. Khi ở nhà, có lẽ là cảm giác bâng khuâng hơn, ngẫm nghĩ nhiều hơn.

Còn khi đi ra ngoài cùng ai đó thì tôi chia sẻ cảm xúc với người đó và nếu là ở nơi đông người thì tôi cũng không có cảm giác chơi vơi đó nữa.

Đón giao thừa ở nhà hay ra đường?
Nhà văn Đỗ Nhật Phi 

Ta không thể ép những người trẻ phải ở nhà trong đêm giao thừa, nếu như họ không cảm thấy thoải mái với điều đó.

Ai cũng từng nhiều năm đón giao thừa với không khí gia đình, nhất là khi ta còn nhỏ. Cho nên khi lớn hơn một chút, các bạn trẻ có thêm khoảng không gian đón giao thừa ngoài đường cùng bạn bè cũng là biết thêm không khí cuộc đời.

Nhưng nếu đón giao thừa ở ngoài thì khoảng chừng 1h sáng là tôi về và khi đó bố mẹ đã chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa. Sau đó cả nhà ngồi ăn một bữa cơm nhỏ.

Tôi cho rằng người lớn, cha mẹ hãy dành thời gian chia sẻ về phong tục, tập quán, về những giá trị phong tục đẹp đẽ chứ không chỉ là làm lấy lệ, qua quýt. Và dành cho bọn trẻ một sự tham gia nhất định, nhiều hứng thú vào công việc của gia đình.

Như thế phong tục, tập quán mới được giữ gìn một cách đẹp đẽ, chân thành.

Chị Đặng Ngân (27 tuổi, người Hà Nội):

Tôi ở nhà

Đêm giao thừa tôi thích ở nhà phụ bà thắp hương, rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm đón mừng năm mới. Tôi luôn nghĩ rằng đầu năm sum vầy, ấm áp thì cả năm sẽ may mắn, vui vẻ. Mọi người vẫn nói vui, mang tiếng tôi là con gái Hà Nội mà chưa bao giờ đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Đó là sở thích của tôi. Còn việc các bạn trẻ ngày càng thích đón giao thừa ở ngoài nhiều hơn ở nhà cùng gia đình là do sở thích của mỗi người. Hơn nữa, việc đón năm mới ở ngoài với ở nhà đâu có gì khác nhau nhiều! Đó đều là đón khoảnh khắc giao thời.

Tất nhiên, tôi tâm niệm đón giao thừa mà đầy đủ mọi người trong gia đình thì cả năm mọi người trong nhà sẽ quan tâm đến nhau nhiều hơn.

Nói chung, tết thì tôi muốn dành từng giây phút cho gia đình. Còn các bạn trẻ năng động, ham vui thì các bạn ấy cứ đi. Nhưng đến độ tuổi chững lại một chút là các bạn ấy lại thích ở nhà thôi.

TS tâm lý học 
NGUYỄN HỮU LONG:

Giữ nét truyền thống, gắn kết gia đình

Với người Việt Nam, khoảnh khắc giao thừa là lúc con cháu tề tựu đông đủ và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhưng hiện nay đêm giao thừa có rất nhiều chỗ để mọi người, nhất là các bạn trẻ vui chơi. Họ đón năm mới ngoài đường cùng bạn bè mình.

Đón giao thừa ở nhà hay ra đường?
TS tâm lý học Nguyễn Hữu Long

Có vẻ như cuộc sống ngày càng hiện đại, việc đón giao thừa ít nhiều mất đi nét truyền thống. Dù tôi nghĩ rằng ở đâu, cách này hay cách khác, làm sao mỗi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái và ngập tràn cảm xúc tích cực là điều quan trọng nhất.

Nhưng một năm đi qua, chúng ta đã ít dành thời gian để gần gũi ông bà, cha mẹ thì đây chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất để mỗi người ngắm nhìn không khí gia đình, trải lòng mình với những người thân yêu, tốt hơn là dập dìu ngoài phố xá.

Thường Tết dương lịch chúng ta đã ra đường đón năm mới rồi, vậy hãy giữ lại nét truyền thống của tổ tiên cho phút giao thừa ngày tết cổ truyền. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể phụ dọn dẹp, bài trí nhà cửa, dọn mâm cúng thay vì phó mặc tất cả cho người lớn.

Gia đình trẻ càng cần đón giao thừa ở nhà để con trẻ hiểu được giá trị của khoảnh khắc ý nghĩa này. Nếu cả nhà nhâm nhi cùng nhau bên tách trà, ly rượu mừng, tôi nghĩ sẽ là hình ảnh thật đẹp mà suốt năm không dễ tìm thấy nếu không phải là đêm giao thừa…

Tôi thấy đó còn là phút giây gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, là lúc dành cho nhau những lời nói tốt đẹp, hành động yêu thương để cầu mong một năm bình an, hạnh phúc cho cả nhà.

Nhà cửa sẽ ấm cúng hơn khi các thành viên hội tụ đủ đầy, biểu hiện tình cảm bền chặt, hạnh phúc vững bền.

VŨ VIẾT TUÂN – QUỐC LINH