Dạy con học tiếng quê nhà
Việc trong một gia đình tồn tại vài ba phương ngữ là điều không hiếm gặp. Mỗi dịp lễ, tết, khi đại gia đình sum họp, không ít nhà lại xảy ra tình trạng người một nhà nhưng phải “phiên dịch” cho nhau.
Dạy con học tiếng quê nhà
Việc trong một gia đình tồn tại vài ba phương ngữ là điều không hiếm gặp. Mỗi dịp lễ, tết, khi đại gia đình sum họp, không ít nhà lại xảy ra tình trạng người một nhà nhưng phải “phiên dịch” cho nhau.
Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần |
Bà ngoại tôi sinh 8 người con. Lớn lên, các con của ngoại lập nghiệp ở nhiều nơi.
Khi người nhà không hiểu tiếng nhau
Mỗi lần các cháu ở xa về, mỗi đứa một giọng nói nên tôi phải làm “phiên dịch” bất đắc dĩ cho ngoại hoặc phân tích lại tiếng “quê” cho những anh chị em ở xa về nghe.
Ngày đó, tôi ghét cay ghét đắng cái chuyện làm “phiên dịch” tiếng “quê” cho mấy anh chị em của tôi ở xa về vì cho rằng họ “chảnh”, làm như mình là “người thành phố”.
Nhưng lớn lên, nhiều lần chứng kiến tình trạng người trong một nhà không hiểu tiếng nhau nên dần dần tôi thông cảm cho người trong cuộc.
Trong số những lần được chứng kiến việc người nhà làm “phiên dịch” cho nhau, tôi ấn tượng nhất là một gia đình trẻ đồng nghiệp của tôi.
Chuyện là, ông bà nội cu Bin từ Thanh Hóa vào Sài Gòn thăm cháu. Ông bà nội và bố của Bin nói giọng Thanh đặc sệt, còn mẹ Bin thì cứ đều đều giọng Quảng Nam.
Sống với nhau, vợ chồng anh Sáng (bố Bin) thường dùng từ phổ thông để nói chuyện nên hiểu nhau, nhưng nếu một trong hai dùng phương ngữ thì phải nghe kỹ mới hiểu, thậm chí có những từ không thể hiểu nếu không giải thích cặn kẽ.
Nhiều lần tôi chứng kiến anh Sáng cắt nghĩa câu nói của bố mẹ mình cho vợ con nghe. Ngược lại, lâu lâu ông bà ngoại từ xứ Quảng vào chơi, vợ anh trở thành “thông dịch” tiếng Quảng Nam cho mọi người.
Giữa Sài Gòn vẫn giữ tiếng “mi”, “mô”, “choa”…
Một lần đến thăm người chị họ (ở Q.12, TP.HCM), tôi rất bất ngờ khi hai con của anh chị chào vợ chồng tôi bằng tiếng Nghệ. Và trong lúc trò chuyện với gia đình anh chị, cảm giác quê hương ngập tràn trong tâm trí tôi bởi ai cũng dùng tiếng Nghệ.
Biết hai cháu vốn sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nên tôi hỏi: không lẽ đi học cũng tiếng Nghệ đặc sệt thế này thì ai nghe nổi? Cháu trả lời rằng: “Chúng cháu chỉ nói tiếng Nghệ ở nhà và khi nói chuyện với người nhà mình thôi, còn lên trường, chúng cháu vẫn nói tiếng Nam”.
Ngỡ ngàng nhìn lại, gia đình tôi đã “sưu tầm” đủ bộ ngôn ngữ Bắc, Trung, Nam nên tôi quyết “dạy” tiếng quê cho người trong nhà mình.
Tôi – người miền Trung với chất giọng xứ Nghệ nặng trịch lại hay sử dụng tiếng địa phương nên nhiều khi người đối diện hơi khó nghe. Vợ tôi là người Bắc nên giọng êm êm và “ngọt như mía lùi” nên có phần thu hút hơn trong giao tiếp. Con tôi – vốn sinh ra và lớn lên tại TP.HCM nên nói giọng nhẹ nhàng đặc trưng của người Nam bộ.
Nói thật là tiếng Bắc và tiếng Nam còn dễ nghe, chứ tiếng Trung mà sử dụng thêm tiếng lóng của địa phương nữa thì người nghe rất khó nghe lại càng rất khó hiểu. Nhưng tôi luôn “bảo thủ”, không chịu “cải biên” giọng của mình với lý do “chém cha không bằng pha tiếng” mà cứ “dùi đục chấm nước mắm” oang oang cả ngày.
Vợ con tôi nghe riết rồi cũng thành quen! “Thừa thắng xông lên”, tôi đảm nhiệm thêm vai trò mới của một “nhà” ngôn ngữ chuyên kèm cặp tiếng “quê” tôi cho vợ con tôi. Quá trình dạy tiếng “quê” của tôi cũng phải tuân thủ nguyên tắc “đi từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp”.
Ban đầu, tôi dạy con hiểu cái “đọi” của người Nghệ tức là cái “bát” của người miền Bắc và là “chén” của người miền Nam. Để cháu hiểu rõ hơn, tôi bắt đầu sử dụng các từ có tính chất “na ná” với từ “gốc” của nó, chẳng hạn “đọi” không phải là trạng thái “đói” của con người mà là cái dùng để đựng cơm khi ăn. Và khi người Nam bộ nói “chén” không có nghĩa là ta cứ “đánh” một hơi cho no nê rồi về…
Dần dần, các loại câu phức tạp hơn trong giao tiếp như “Mi đi mô rứa?”, “Dạo ni răng rồi?”, “Mấy đứa choa”… con tôi đều hiểu. Mỗi lần đưa cháu đi chơi với mấy người bạn đồng hương, tôi không còn phải làm “phiên dịch” cho con nữa. Không những thế, cháu đã “thông thạo” tiếng địa phương của mẹ.
Vui nhất là mỗi dịp tết, hè cháu về quê, không chỉ nghe, hiểu được “tiếng quê” mà giọng nói cũng nặng theo người quê bố, ngọt ngào của quê mẹ làm ông bà hai bên rất phấn khởi.
Dạy tiếng quê cho con – phải chăng không chỉ giúp con hiểu hơn nguồn cội, mà còn góp phần trang bị kiến thức, văn hoá vùng miền cho con trẻ một cách gần gũi và thực tế!