Mất tiền quỹ, ai chịu trách nhiệm?
Khi tiền quỹ của cơ quan bị mất hay thất thoát, tùy mức độ cụ thể sẽ quyết định người giữ quỹ có trách nhiệm trong vụ việc hay không.
Mất tiền quỹ, ai chịu trách nhiệm?
Khi tiền quỹ của cơ quan bị mất hay thất thoát, tùy mức độ cụ thể sẽ quyết định người giữ quỹ có trách nhiệm trong vụ việc hay không.
Nhưng có một số trường hợp cơ quan, đơn vị đã quy trách nhiệm cho thủ quỹ và có những bước xử lý không đúng quy định pháp luật.
Ngày 12-1-2017, bà Tạ Tố Hiếu, nhân viên tổ văn phòng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), gửi đơn cho Sở GD-ĐT, chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM về việc quỹ công đoàn cơ sở bị kẻ gian đột nhập lấy mất, nhưng trường lại có hướng xử lý quy trách nhiệm cho bà.
Tiền quỹ biến mất
Cụ thể sáng 19-12-2016, bà Hiếu phát hiện tiền quỹ công đoàn và quỹ khuyến học đã bị mất hết, tổng cộng 82 triệu đồng. Camera giám sát cho thấy có kẻ gian đột nhập khoảng 1-2g sáng 19-12. Khi Công an P.7 và Công an Q.3 đến hiện trường, bà Hiếu đã làm tường trình theo yêu cầu.
Theo lời bà Hiếu, ngày 30-12-2016 lãnh đạo nhà trường yêu cầu bà Hiếu làm tường trình sự việc và tự kiểm, nhưng bà cho rằng đang chờ kết quả của cơ quan điều tra nên chỉ nộp tường trình.
Ngày 9-1, trường tiếp tục yêu cầu bà Hiếu nộp thêm bản tường trình thứ hai để làm rõ hơn một số nội dung. Đến chiều 11-1, nhà trường họp xét thi đua bà Hiếu và cho rằng bà đã làm mất tiền công đoàn, nên phải chịu trách nhiệm và phải nộp bản tự kiểm vào ngày 13-1.
Theo bà Hiếu, năm 2013 bà được phân công làm thủ quỹ của trường. Tháng 3-2016, bà Hiếu được hiệu trưởng trường là bà Phạm Thị Lệ Nhân giao thêm nhiệm vụ giữ quỹ khuyến học.
Bà cho biết bà luôn theo dõi thu chi chặt chẽ và chú ý vấn đề an ninh. Trước khi ra về, tủ tiền và các cửa trong phòng luôn được bà khóa chặt.
Bà Hiếu cho rằng kẻ gian không phải đột nhập từ phòng làm việc của bà, mà do giữa phòng bị đột nhập với phòng bà có cửa thông nhau và sự việc xảy ra sau giờ làm việc. Bà chỉ nhận một phần trách nhiệm và mong muốn nhà trường cùng các cấp ngành liên quan xem xét.
Chưa thể kết luận
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, nếu lãnh đạo nhà trường yêu cầu bà Hiếu chịu hoàn toàn trách nhiệm về số tiền đã mất là không hợp lý và chưa đúng quy định pháp luật.
Luật sư Chánh phân tích: cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra về sự việc tiền quỹ bị mất, nên không thể kết luận được bà Hiếu có lỗi trong sự cố này hay không. Do đó không thể buộc bà Hiếu bồi thường.
Trong trường hợp cơ quan điều tra kết luận sự việc tiền quỹ bị mất do người khác thực hiện hành vi phạm tội thì không thể quy trách nhiệm cho bà Hiếu, nếu bà đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản như khóa tủ, khóa cửa…
Bà Hiếu không có lỗi nên không có trách nhiệm bồi thường số tiền đã mất. Lúc này, nhà trường sẽ là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Cũng theo luật sư Chánh, trường hợp cơ quan điều tra kết luận bà Hiếu có một phần lỗi dẫn đến việc mất tiền quỹ, bà sẽ chịu trách nhiệm tuỳ mức độ.
Nếu bà Hiếu làm việc cho nhà trường theo hợp đồng lao động, trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại phải được thực hiện như trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động quy định tại điều 123 Bộ luật lao động và nghị định 05/2015.
Mức bồi thường trong trường hợp này là một phần hoặc toàn bộ tài sản bị thiệt hại theo quy định tại điều 32 nghị định 05/2015.
Còn nếu bà Hiếu là viên chức làm việc tại trường theo Luật viên chức, trình tự, thủ tục xem xét xử lý trách nhiệm bồi thường phải được thực hiện theo đúng quy trình quy định tại mục 2 chương 3 nghị định 27/2012.
Mức bồi thường trong trường hợp này là một phần hoặc toàn bộ tài sản bị thiệt hại theo quy định tại điều 25 nghị định 27/2012.
Cụ thể, nếu thiệt hại do lỗi vô ý của viên chức thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định mức và phương thức bồi thường, hoàn trả.
Phải xác định được lỗi của thủ quỹ
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, thủ quỹ hay người lao động nói chung khi làm mất tài sản do cơ quan, đơn vị giao quản lý thì phải bồi thường theo quy định của Bộ luật lao động nếu chứng minh được lỗi của người này.
Việc bồi thường nếu có cũng phải căn cứ vào mức độ lỗi và hoàn cảnh gia đình, nhân thân, tài sản của thủ quỹ để xác định mức bồi thường hợp lý.
Trường hợp cơ quan, đơn vị không có quy định về quản lý tiền mặt thì rất khó chứng minh lỗi của thủ quỹ khi xảy ra mất mát.
Đặc biệt, khi cơ quan, đơn vị giao cho nhân viên quản lý tiền mặt nhưng lại không bố trí nơi cất giữ an toàn thì không thể xác định lỗi do thủ quỹ.
Theo luật sư Chánh, về nguyên tắc, nếu viên chức hay người lao động trong quá trình thực hiện công việc mà làm mất, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập thì phải bồi thường thiệt hại.
Và việc xử lý trách nhiệm bồi thường phải theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật viên chức hoặc Bộ luật lao động.
Vì vậy, người lao động cần tìm hiểu rõ quy định pháp luật, trình báo cơ quan chức năng xem xét để tránh bị thiệt thòi khi xảy ra vụ việc.
Luật sư Nông lưu ý: đối với người lao động hay viên chức, công chức được giao nhiệm vụ làm thủ quỹ nên chủ động đề xuất với doanh nghiệp, cơ quan về phương án quản lý an toàn số tiền mặt được giao.
Về phía doanh nghiệp hay cơ quan cũng phải chủ động quy định về công tác quản lý tiền mặt tại cơ quan, đơn vị mình để tránh trường hợp mất mát xảy ra.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, không phải trong mọi trường hợp việc làm mất, hư hỏng trang thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của cơ quan thì người lao động phải bồi thường. Nếu việc mất mát tài sản của cơ quan đơn vị là do thiên tai, hỏa hoạn hay sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Lệ Nhân – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – cho biết ngắn gọn vụ việc đang được giải quyết nội bộ và chờ kết quả của cơ quan điều tra. |