Nên giữ nguyên quy định có lợi cho lao động nữ
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động, nhiều chuyên gia đề nghị luật mới nên giữ nguyên những quy định có lợi cho lao động nữ.
Nên giữ nguyên quy định có lợi cho lao động nữ
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động, nhiều chuyên gia đề nghị luật mới nên giữ nguyên những quy định có lợi cho lao động nữ.
Nhiều lao động nữ mong giữ nguyên quy định có lợi cho chị em khi nuôi con nhỏ. Trong ảnh: công nhân may tham gia hội thi “Thợ giỏi ngành may” do Công ty dệt may Gia Định (TP.HCM) tổ chức cuối tháng 12-2016 – Ảnh: K.Anh |
Ngày 22-1 tới đây là hạn chót để Bộ Lao động – thương binh và xã hội tiếp nhận các góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động.
Bộ luật này được ban hành từ năm 1994, đã qua bốn lần sửa đổi, bổ sung và lần gần nhất là năm 2012 nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Lần này, các nội dung gây nhiều tranh cãi là quy định về bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm…
Các bà mẹ cần thời gian chăm con
Luật hiện hành dành nhiều “đặc ân” cho lao động nữ: trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.
Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, lao động nữ có thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì không bị xử lý kỷ luật lao động.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã kêu khó với việc thực hiện các quy định này, nhất là những nơi có nhiều lao động nữ như dệt, may… Thế là dự thảo luật đã bỏ các thời gian nghỉ, đồng thời dự kiến sẽ không miễn trừ xử lý kỷ luật lao động cho các đối tượng lao động nữ nêu trên.
Luật sư Trần Thị Miền đặt vấn đề: “Nhằm khuyến khích, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, Chính phủ đã ban hành nghị định số 21/2006 về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, trong đó lưu ý những lợi ích và tính ưu việt của sữa mẹ, những bất lợi khi không nuôi trẻ bằng sữa mẹ.
Đối với các bà mẹ đang nuôi con dưới 1 tuổi, nếu không được nghỉ 60 phút/ngày làm sao họ có thể cho con bú sữa mẹ một cách tốt nhất? Đối với những người đang mang thai luôn cần được hỗ trợ mạnh mẽ về tinh thần, nếu kỷ luật họ thì làm sao bảo vệ thai sản?”.
Trên cơ sở đó, luật sư Miền đề nghị: “Với hai điều luật có cơ sở khoa học và đầy tính nhân văn như thế thì nên cố gắng giữ lại để thực hiện, không thể vì các doanh nghiệp chưa mặn mà hay vì lý do nào khác mà muốn bỏ”.
Điều chỉnh lộ trình kéo dài tuổi nghỉ hưu
Theo luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ.
Cho rằng nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp; không nên phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; việc giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại có thể làm ảnh hưởng đến quỹ hưu trí… dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi.
“Nên tạo thêm điều kiện để lao động trẻ có cơ hội tìm việc làm” – từ lý do này, luật sư Trần Công Ly Tao đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như lâu nay.
Ngược lại, hai luật sư Nguyễn Đình Hùng và Nguyễn Thị Hồng Liên (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) tán thành phương án tăng tuổi nghỉ hưu.
Luật sư Hùng góp ý: “Không nên tiếp tục có sự phân biệt tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ vì không có cơ sở khoa học nào để cho là nam minh mẫn và tài năng hơn nữ. Về lộ trình thì Nhà nước cần quy định sẵn năm cụ thể để dễ thực hiện.
Chẳng hạn, hai, ba năm nữa thì tăng nữ lên 58, vài năm sau tăng nữ lên 60, nam lên 62 và ít năm nữa thì tăng nữ lên 62 cho bằng nhau giữa hai giới.
Khi quy định mới có hiệu lực, với những người đã đủ tuổi nghỉ hưu theo luật cũ thì có thể cho họ chọn lựa, hoặc được nghỉ hưu, hoặc tiếp tục làm việc theo quy định mới”.
Luật sư Hồng Liên phân tích: “Không nên quá lo ngại những người có tuổi sẽ làm ngáng chân những người lao động trẻ bởi xã hội cần biết tận dụng phù hợp những kinh nghiệm, kiến thức, năng lực công tác của những người từng trải để tạo thêm hiệu quả lao động”.
Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, luật sư Hồng Liên có ý kiến tương tự như luật sư Hùng. “Nếu tuổi nghỉ hưu cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng thì chẳng giải quyết được gì. Luật nên xác định rõ lộ trình thực hiện và tính theo đơn vị năm cho hợp lý” – luật sư Hồng Liên đề nghị.
Chị Đặng Thu Vân (công nhân công ty may tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM): Mong không phải làm thêm vào chủ nhật Công ty tôi chuyên may lều trại để xuất hàng đi nước ngoài. Công ty có gần 700 công nhân hầu hết là nữ. Chúng tôi đều mong được tăng ca làm thêm để có thêm thu nhập nhưng cũng rất mong được nghỉ một ngày chủ nhật trọn vẹn để tái tạo sức lao động và dành thời gian cho gia đình. Từ trước tới nay, vào đợt cao điểm chúng tôi phải đi làm thêm cả chủ nhật, rất mệt mỏi. Bình thường nếu tăng ca từ đầu tuần đến thứ bảy thì số giờ tăng ca làm thêm mỗi ngày 4 giờ, tổng cộng một tuần 24 giờ, mỗi tháng đã là 96 giờ – vượt xa con số quy định làm thêm không quá 30 giờ/tháng của Luật lao động hiện hành. Giờ làm thêm chúng tôi được tính nhiều tiền hơn nên ai cũng thích và thực tế như đã nói ở trên thì chúng tôi đã làm thêm vượt xa con số “không quá 600 giờ/năm” như dự thảo luật đưa ra. Còn về “đặc ân” được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh thì chúng tôi không biết và công ty cũng không áp dụng. Riêng việc được về sớm 60 phút/ngày khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì công ty áp dụng đầy đủ chính sách này với lao động nữ. Nếu giờ được nghỉ này ai ở lại làm thì sẽ được tính thêm tiền công lao động. Nếu mai mốt không còn được áp dụng chính sách này thì nữ công nhân chúng tôi sẽ thiệt thòi nhiều và con cái họ cũng chịu thiệt vì mẹ phải về muộn. Vì vậy tôi đề nghị giữ nguyên quy định lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày. Chị Nguyễn Thị Hiền (công nhân ngành may mặc, Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM): Mỗi tuần làm thêm 12 giờ là vừa Đa số công nhân chúng tôi đều muốn tăng ca để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, nếu tăng ca triền miên thì cũng mệt mỏi lắm, thấy vòng đời quay như chong chóng. Mở mắt đi làm, về đến nhà đã khuya, con cái bỏ bê không ai lo. Nếu tôi được chọn lựa thì mỗi tuần chỉ cần tăng ca ba ngày, tổng cộng 12 giờ là được. Bản thân tôi cũng từng nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, khi được hưởng chính sách về sớm 60 phút/ngày tôi đã tranh thủ chăm con tốt hơn nên đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung giữ nguyên quy định này của Bộ luật lao động. |