Người cha, người mẹ ở quê chờ gì trong ngày Tết?
Tết với những người mẹ, người cha ở quê là rộn ràng chờ con về, nấu nướng những món đặc sản quê để con cháu ăn cho đỡ nhớ hoặc không quên mất nguồn cội.
Người cha, người mẹ ở quê chờ gì trong ngày Tết?
Tết với những người mẹ, người cha ở quê là rộn ràng chờ con về, nấu nướng những món đặc sản quê để con cháu ăn cho đỡ nhớ hoặc không quên mất nguồn cội.
Đầm ấm bên gia đình trong khoảnh khắc giao thừa – đầu năm mới. Bạn Ngô Trí Minh (Đồng Tháp) và gia đình chia sẻ đây là truyền thống của gia đình bạn – Ảnh: N.TR.M |
Ngày tết về với gia đình hay đi du lịch?
Những ngày sát tết, nếu hỏi điều gì ở tết làm họ mong chờ, nhiều người đều chia sẻ mong muốn được sum họp cùng gia đình.
Khi chúng tôi hỏi ở quê nhà có không khí tết hay chưa, cô Đỗ Thị Hoa (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) kể nhà có bốn người con, vài đứa đi Sài Gòn làm ăn, hai vợ chồng cô ở quê quanh năm với ruộng đồng, chăm trâu, nuôi gà nên tết đến là lúc con cái đi xa về, lúc đó ngôi nhà mới thật sự đông vui, có tiếng cười nói nhiều hơn thường ngày.
Những bước chân mong mỏi tìm về Chị Thùy Dương (ở Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi nghĩ ai đi xa cũng mong quay về gia đình. Về nhà trong dịp cuối năm, đầu xuân mới để cùng ngồi bên người thân, thưởng thức không khí lành lạnh của đêm 30, gói bánh chưng, đón giao thừa, nghe lời chúc an lành dành cho nhau giữa bố mẹ, con cái, anh chị em… như một cách nuôi dưỡng tình cảm gia đình, được tiếp thêm năng lượng cho cả một năm dài. Nghĩ vậy nên dù có bận việc gì cũng gác lại hết, tôi luôn tranh thủ về quê đón tết!”. |
“Làm cha mẹ có con đi xa, lúc nào mấy đứa về nhà là cả nhà mới có tết” – cô bộc bạch.
Rồi cô kể: “Năm ngoái, có đứa con gái lớn cùng chồng ở lại Sài Gòn ăn tết, chỉ cho cháu ngoại về quê nên nhà cũng bớt vui. May mà giờ có điện thoại liên lạc thường xuyên cũng đỡ thấy xa cách”.
Một người mẹ khác là cô Lê Hồng Liên ở Đồng Tháp chia sẻ: “Mấy ngày sát tết, chúng tôi cứ thấy nôn nao, trông mấy đứa con đi làm ăn xa chở cháu về ăn tết. Thằng lớn có vợ cùng quê nên về ăn tết nội ngoại cùng lúc, sui gia thăm nhau gần gũi, vui lắm”.
Tết với những người mẹ, người cha ở quê là rộn ràng chờ con về, nấu nướng những món đặc sản quê để con cháu ăn cho đỡ nhớ hoặc không quên mất nguồn cội.
Như cô Ngọc Anh (ở Bình Thạnh, TP.HCM) tâm sự: “Con cô có đứa có chồng ở Nhật. Tết này nó cùng cả nhà về Việt Nam ăn tết, cô sẽ làm thịt kho, gói bánh tét, bánh chưng… để con rể và cháu ngoại thưởng thức cái tết Việt ấm áp”.
Cô còn cho rằng tết là dịp giáo dục con cháu bao điều hay ý đẹp của nếp truyền thống, văn hóa ông bà mình từ xa xưa, để con cháu dù đi bao xa cũng nhớ về quê hương…
Đem bài báo “Cô đơn bên dốc cuộc đời” gửi cho vài bạn trẻ đọc, các bạn đã phản hồi: “Đúng là nhiều khi chúng ta vô tâm quá, chỉ nghĩ cho bản thân, thoả mãn ham thích của riêng mình rồi để ông bà, cha mẹ cô đơn trong tuổi xế chiều”.
Tết đối với đa số bạn là về nhà, nhưng cũng có nhiều bạn không về quê (vì nhiều lý do), trong đó có nguyên nhân như bạn T.V.N. (Đà Nẵng) mở lòng: “Tôi từng không về nhà dịp tết vì muốn đón tết ở một nơi xa, nghĩ là đi du lịch cho đã sau cả năm làm việc. Giờ nghĩ lại thấy mình đã vô tâm và hoang phí thời gian được gần bên gia đình, nhất là ba mẹ. Chắc ba mẹ buồn nhiều nhưng không nói…”.
Rồi bạn nhắn nhủ, ngẫm kỹ thấy con cái sau thời gian được cha mẹ nuôi lớn, sau đó học hành, vào đời, làm việc thì không còn được gần cha mẹ nhiều. Nếu mỗi năm về quê một lần gặp cha mẹ được vài chục lần, rồi cha mẹ già, mỗi lần gặp đâu được bao nhiêu, vậy mà không tranh thủ.
Tuy nhiên, có bạn cũng về quê nhưng lại không dành thời gian bên người thân để tìm hiểu xem cha mẹ dạo này có gì thay đổi, nhất là tuổi ngày càng lớn, mà lại dành nhiều thời gian “giao lưu” chè chén… đến ngày lên tàu, ra xe đi làm lại. Đấy chính là lời “thú tội” của không ít bạn trẻ trong cuộc trò chuyện với người viết khi chúng tôi hỏi những ngày về quê đón tết bạn thường làm gì?
Song, những ngày tết trong tâm khảm nhiều bạn trẻ là mong muốn giây phút sum họp cùng gia đình, được chia sẻ những công việc cả năm mới có dịp được làm một lần.
“Ngay khi về quê, điều tôi làm đầu tiên là chạy ù vào nhà ôm má cái, tặng quà cho ba (không có gì to tát, chỉ là gói cà phê rang xay mà ba thích), sau đó ra thăm vườn rau, phụ má cắt hàng rào…” – bạn Nguyễn Văn Nghĩa (Quế Sơn, Quảng Nam) hào hứng.
Còn bạn Ngô Trí Minh (Cao Lãnh, Đồng Tháp) nói thích nhất là về nhà cùng má và mấy em dọn nhà, quét bàn thờ dịp tết, chờ đón giao thừa để nghe ba má dặn dò mỗi đứa chuyện học, chuyện làm, rồi mừng tuổi ba má, ba má lì xì, sau đó cả nhà… selfie. “Khoảng thời gian ấy thấy hạnh phúc và ý nghĩa lắm” – Trí Minh bày tỏ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Đón Tết Nguyên đán như thế nào là tiết kiệm đồng thời không mất đi lễ nghĩa, truyền thống của dân tộc, chuyên mục Cùng làm báo chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người. Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn! |
Với mình, bạn chọn xu hướng nào? Mời bạn điền vào ô thăm dò dưới đây: