10/01/2025

Vợ chồng được quyết định số con?

Bộ Y tế vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án luật Dân số, trong đó đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con.

 

Vợ chồng được quyết định số con?

Bộ Y tế vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án luật Dân số, trong đó đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con.



VN vẫn cần duy trì mức sinh thay thế	 /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

VN vẫn cần duy trì mức sinh thay thếẢNH: NGỌC THẮNG

Trong dự thảo tờ trình, Bộ Y tế đưa ra hai phương án về dân số. Một là áp dụng quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định… Hai là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định thời gian sinh, khoảng cách sinh và số con.
Theo Bộ Y tế, mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm nhất định và việc chọn phương án nào cũng phải có biện pháp khắc phục những nhược điểm, hệ luỵ tiếp theo. Bộ Y tế lựa chọn phương án 2 quy định quyền sinh sản vì việc khắc phục nhược điểm sẽ thuận lợi hơn so với phương án quy định cụ thể về số con.
Theo tinh thần Hiến pháp 2013
Bộ Y tế cho biết từ năm 2006 đến nay, VN đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2 – 2,1 con, đạt được mục tiêu dân số không quá 93 triệu người vào năm 2015. Tổng dân số tính đến 1.4.2015 đạt 91,466 triệu người.
Còn theo đánh giá của Tổng cục Dân số, tuy mức tăng quy mô dân số đã được cải thiện (tăng khoảng 1,5 triệu người/năm giảm xuống trên 900.000 người/năm) nhưng VN vẫn là nước có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á, thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).
Trong thời gian tới, mức sinh có khả năng biến động khó lường: hoặc là tăng trở lại, hoặc là tiếp tục giảm xuống mức rất thấp như một số nước đã gặp phải và hoặc là duy trì ở mức sinh thay thế, do đó cần có biện pháp, chính sách điều chỉnh thích hợp, có hiệu quả.
Còn theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, quy định chính sách theo phương án nêu trên là bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền sinh sản theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà VN là thành viên liên quan đến công tác dân số.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhìn nhận với phương án này, nhà nước khó kiểm soát được mức sinh và để kiểm soát được thì tốn kém chi phí cho việc tuyên truyền, vận động; không có căn cứ pháp lý, không có chế tài xử lý người vi phạm sinh nhiều con; có thể làm tăng mức sinh vì các nguyên nhân làm tăng mức sinh vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện một nước chưa phát triển với tỷ lệ dân số nông thôn còn chiếm tới gần 70%.
Theo ông, phương án nêu trên tạo chủ động cho các địa phương trong điều chỉnh mức sinh; các gia đình được lựa chọn số con nhưng là lựa chọn có trách nhiệm và phù hợp với chính sách dân số của địa phương mình.
Không bỏ kế hoạch hoá gia đình
Ông Nguyễn Huy Quang lưu ý, nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền của các cặp vợ chồng, cá nhân được lựa chọn số con nhưng trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố cần có chính sách duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước.
Theo đó, cần có chính sách vận động giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kế hoạch phát triển ở VN vừa qua còn ít chú ý đến xu hướng biến đổi dân số. Chẳng hạn, do mức sinh giảm, từ năm học 1997 – 1998 đến năm học 2013 – 2014, chỉ riêng số học sinh tiểu học giảm gần 3 triệu, tức là giảm 29% nhưng điều này chưa được tính đến trong kế hoạch phát triển giáo dục một cách đầy đủ.
Như vậy, những vấn đề dân số nổi bật, mới phát sinh như: “cơ cấu dân số vàng”, “dân số già”, “mất cân bằng giới tính khi sinh”, “di cư và tích tụ dân số”, “chất lượng dân số chưa cao”… đang đòi hỏi được giải quyết nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng, cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện chính sách dân số và phát triển, chuyển trọng tâm chứ không từ bỏ kế hoạch hóa gia đình.
Chính sách dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Trong giai đoạn tiếp theo cần duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số.
Phải gắn với trách nhiệm và năng lực chăm sóc trẻ em
Trước băn khoăn việc “tháo khoá” số con được sinh có thể nảy sinh nhiều phức tạp, gia tăng dân số, mất cân bằng giới tính… theo ông Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng: “Nếu chúng ta tuyên truyền tốt, giáo dục chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình đầy đủ, có sự tư vấn chặt chẽ của cán bộ y tế thì sẽ không xảy ra tình trạng gia tăng dân số hay mất cân bằng giới tính”.
Trong khi đó, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, chia sẻ: “Bộ Y tế có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ thắt chặt hay nới lỏng chính sách dân số. Bộ Y tế làm việc này phải vì mục tiêu quốc gia, bởi vấn đề này còn liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực lâu dài, tránh tình trạng giống một số quốc gia như Nhật Bản nhiều năm sau ít trẻ con quá”. Liên quan đến những chính sách an sinh xã hội trong từng thời kỳ, đặc biệt là liên quan đến các đối tượng: trẻ em, người nghèo, gia đình, các hộ nghèo…, bà Lan khẳng định với trách nhiệm của mình Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu cho phù hợp.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), lưu ý: “Quan điểm của chúng tôi, số lượng con các cặp vợ chồng phải gắn liền với trách nhiệm và năng lực chăm sóc trẻ em, trước hết là của cha mẹ. Khi chúng ta nghiên cứu các chính sách trẻ em chúng ta phải thực sự chú ý, cân nhắc điều này”.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số, chính sách về quy mô dân số vẫn cần duy trì mức sinh thay thế và quy định về số con, cần quan tâm điều tiết mức sinh hợp lý bởi mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng, tỉnh thành. Các đánh giá gần đây cho thấy, một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế, điển hình là: TP.HCM (1,45 con/phụ nữ), Bà Rịa-Vũng Tàu (1,56 con/phụ nữ). Hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía bắc, một số tỉnh bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, không bao gồm các tỉnh thuộc vùng Tây nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh cao: từ 2,5 con/phụ nữ trở lên, tỉnh có mức sinh cao nhất là Lai Châu: 3,11 con/phụ nữ.
Số liệu điều tra biến động dân số năm 2015 cũng cho thấy địa phương nghèo, mức sống thấp thì mức sinh còn cao như Lai Châu, Quảng Trị (2,94 con/phụ nữ), Hà Giang (2,93 con/phụ nữ). Địa phương giàu, mức sống cao thì mức sinh rất thấp, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, điển hình là TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu.


 

Liên Châu – Thu Hằng