Bồi thường rồi có bị xử lý hình sự?
Trong một số vụ vi phạm pháp luật, phía bị hại do nghĩ rằng đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường thì không được khiếu kiện hoặc tố giác hành vi sai trái. Điều này vô tình dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Bồi thường rồi có bị xử lý hình sự?
Trong một số vụ vi phạm pháp luật, phía bị hại do nghĩ rằng đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường thì không được khiếu kiện hoặc tố giác hành vi sai trái. Điều này vô tình dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Một số trường hợp xâm hại tình dục, giết người hoặc cố ý gây thương tích dù phía bị hại đã ký tên đồng ý không kiện tụng, nếu có người khác biết sự việc làm đơn tố cáo, trình báo cơ quan chức năng, cơ quan chức năng vẫn có thể xem xét khởi tố vụ án để điều tra hành vi phạm tội. |
Luật gia Phạm Văn Chung |
Theo các chuyên gia pháp lý, tùy trường hợp cụ thể, dù đã nhận chi phí hỗ trợ ban đầu hoặc bồi thường thiệt hại, phía bị hại vẫn có thể đề nghị cơ quan chức năng điều tra xử lý vụ việc, khởi tố hình sự.
Kiện đòi bồi thường
Chiều 5-1-2017, em Võ Thị Huỳnh Như (13 tuổi, quê Tiền Giang, trọ ở H.Củ Chi, TP.HCM) được người nhà đưa đến phòng khám đa khoa Phúc An (H.Củ Chi) với những biểu hiện giống như bị dị ứng.
Sau khi tiêm thuốc khoảng 10 phút, Như nói mệt và có biểu hiện bất thường. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, Như được chẩn đoán viêm cơ tim và chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị nhưng không qua khỏi.
Chị Trần Mỹ Hạnh (37 tuổi, mẹ của Như) cho biết chị lên TP.HCM làm công nhân hơn một năm nay, vì Như ở nhà không ai lo nên chị đem con theo. Chồng chị đi làm bảo vệ cho một công ty ở Q.Thủ Đức.
“Khi thấy con kêu ngứa, nổi mẩn, tôi nghe nói có phòng khám gần đây nên đưa con tới, nào ngờ…” – chị nói.
Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, phía phòng khám đa khoa Phúc An có đưa cho gia đình chị 39 triệu đồng để lo hậu sự cho Như. Chị Hạnh thắc mắc nếu đã nhận tiền hỗ trợ thì chị có quyền kiện đòi bồi thường không?
Theo luật gia Phạm Văn Chung, đối với hành vi gây thiệt hại về tính mạng thì ngay cả khi đã xét xử hoặc không truy cứu trách nhiệm hình sự, gia đình em Như vẫn có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi của y bác sĩ phòng khám, không phụ thuộc có đơn bãi nại hay không.
Vì với các hành vi xâm hại sức khoẻ, tính mạng, thiệt hại đến đâu thì phía bị hại có quyền kiện đòi bồi thường đến đó.
Trong trường hợp không thoả thuận được việc bồi thường, gia đình em Như có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại địa phương xảy ra hành vi là TAND huyện Củ Chi hoặc nơi cha mẹ bé Như cư trú (TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, khi gia đình em Như đã nhận tiền và hai bên thoả thuận là chi phí mai táng, nếu gia đình kiện đòi các thiệt hại khác (ngoài chi phí mai táng) thì toà sẽ chấp nhận.
Đối với trường hợp sau khi phía bị hại có đơn bãi nại hoặc đã thoả thuận không khiếu kiện mà vụ án đã được đình chỉ hình sự, nhưng sau đó đối tượng không thực hiện lời hứa thì bị hại cũng có thể khởi kiện theo thủ tục dân sự để đòi bồi thường.
Vì vậy, trong các vụ việc này, nếu gia đình bị hại nhận tiền và đã làm đơn bãi nại hoặc thoả thuận không khiếu nại thì sau này vẫn có quyền kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bãi nại vẫn xử lý hình sự
Theo lời chị Hạnh, sau khi hỗ trợ 39 triệu đồng, phòng khám này muốn đưa thêm cho chị một số tiền và mong muốn chị đồng ý bãi nại nhưng chị không đồng ý.
Chị thắc mắc nếu đã nhận số tiền trước đó nhưng giờ chị muốn trình báo sự việc, khiếu nại đến cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân cái chết của con chị có được không.
Theo các chuyên gia pháp lý, số tiền gia đình em Như đã nhận của phòng khám chỉ có thể coi là tiền hỗ trợ ban đầu, khắc phục hậu quả làm ảnh hưởng tính mạng em Như.
Về phần xử lý dân sự, gia đình em Như nhận số tiền này và chưa ký đơn bãi nại thì coi như chưa thoả thuận bãi nại.
Do đó, dù gia đình nếu đã nhận tiền trước đó nay muốn trình báo sự việc, khiếu nại đến cơ quan điều tra để điều tra tìm hiểu sự việc là hoàn toàn có cơ sở và đúng pháp luật, không có bất cứ ràng buộc gì về pháp luật.
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, cơ quan điều tra sẽ khởi tố điều tra mà không phụ thuộc vào chuyện gia đình nạn nhân có khiếu nại hay không, trừ các trường hợp chỉ khởi tố theo yêu cầu bị hại.
Đồng quan điểm, luật gia Chung cho biết đối với lĩnh vực hình sự, không phải mọi trường hợp có đơn bãi nại của người bị hại thì đều không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ có một số tội danh quy định tại điều 155 BLTTHS (có đơn bãi nại thì không khởi tố).
Tuy nhiên trong trường hợp em Như có dấu hiệu của hành vi xâm hại tính mạng nên không thuộc sự điều chỉnh của điều 155 BLTTHS, nên dù có bãi nại vẫn xử lý hình sự như thường. Nếu bên bị hại có đơn bãi nại thì chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử.
Không được ép buộc bãi nại Đơn bãi nại được hiểu là rút yêu cầu khởi kiện, tố cáo hình sự hoặc từ bỏ quyền khiếu nại, khiếu kiện dân sự. Thực tế trong một số vụ việc vi phạm pháp luật, phía bị hại do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc do đương sự thuyết phục, thậm chí đe doạ… nên đã đồng ý không khiếu kiện sau khi nhận một số tiền nào đó. Nếu có dấu hiệu bị hại bị ép buộc, cưỡng bức, lừa dối, nếu vụ án đã được xét xử sơ thẩm, người bị hại có thể kháng cáo rút lại đơn bãi nại. Mặc dù trong lĩnh vực dân sự, bãi nại được hiểu là từ bỏ quyền khiếu nại, khiếu kiện nhưng trong một số trường hợp người đã bãi nại vẫn có quyền khởi kiện. Bên cạnh đó, BLTTHS quy định việc bãi nại phải trên cơ sở tự nguyện. Nếu phía gây thiệt hại hứa sẽ bồi thường cho bị hại để được bãi nại nhưng sau đó không thực hiện thì đó là dấu hiệu của sự lừa dối. Khi khởi kiện ra toà, người bị hại phải chứng minh được việc bãi nại này do bị lừa dối, thông thường khi bồi thường tiền để khắc phục hậu quả, bị hại thường viết giấy cam kết mình đã nhận đủ tiền… Nếu bên bị can, bị cáo không chứng minh được đã khắc phục hậu quả thì việc bãi nại này trở thành vô hiệu. |