29/12/2024

Những “góc riêng” đáng ngại trong gia đình

Một ngày đẹp trời, Bon nhận được một lời mời kết bạn trên Facebook (FB). Theo thói quen, trước khi click chuột vào nút “accept” (chấp nhận) Bon kiểm tra xem người muốn kết bạn với mình là ai.

 

Những “góc riêng” đáng ngại trong gia đình

Một ngày đẹp trời, Bon nhận được một lời mời kết bạn trên Facebook (FB). Theo thói quen, trước khi click chuột vào nút “accept” (chấp nhận) Bon kiểm tra xem người muốn kết bạn với mình là ai.

 

 

 

Những “góc riêng” đáng ngại trong gia đình

Người kết bạn lần này với Bon không ai khác chính là mẹ Bon.

Khi con không “kết bạn” với ba mẹ

Bon (tên thường gọi trong gia đình, đang học lớp 10 tại một trường THPT ở TP.HCM) là bạn thân với con tôi nên ngoài tâm sự với con tôi, cậu bé còn đăng dòng trạng thái vừa mang tính hài hước nhưng cũng vừa để thăm dò từ phía bạn bè xem nên làm thế nào trước lời đề nghị bất ngờ này.

Nhận được lời mời kết bạn từ mẹ, Bon đứng trước 3 sự lựa chọn: đồng ý lời mời kết bạn với mẹ, im lặng coi như không biết việc mẹ mình kết bạn với mình và xoá yêu cầu.

Suy đi tính lại, Bon chọn sự im lặng bởi các lý do như: làm bạn với mẹ trên FB thì những gì mình đưa lên đó mẹ đều biết, “mất tự do” khi đăng trạng thái hoặc bình luận…; còn nếu chọn “xóa yêu cầu” thì sợ mẹ giận, mẹ la nên “im lặng là vàng”.

Không chỉ chọn sự im lặng, coi như không biết lời kết bạn của mẹ, Bon còn bí mật chặn không cho ba, mẹ mình thâm nhập vào tài khoản FB và Zalo của mình. Sự việc chỉ được phát hiện khi anh H. – ba của Bon – gọi điện cho tôi để hỏi xem con mình có ở chỗ tôi hay không.

Việc là, như mọi ngày, 16g30 Bon tan học, cậu ta ở lại trường đến 18g30 thì đi học thêm luôn (thường thì 20g30 là Bon về đến nhà). Tuy nhiên, đã hơn 21g rồi mà Bon vẫn chưa về. Anh chị gọi điện cho con mình thì điện thoại không liên lạc được.

Sốt ruột, vợ chồng anh chị tìm mọi cách vào FB và Zalo (điện thoại của Bon kết nối được với Internet) của con mình với mục đích để xem tình hình hoặc xem có bạn nào thân với Bon để liên lạc hỏi thăm tình hình thì không vào được. Anh chị mới vỡ lẽ ra rằng: cậu bé đã chặn không cho ba mẹ mình vào tài khoản FB và Zalo của mình.

Khi sự kiên nhẫn, chờ đợi không thể kéo dài thêm, anh chị đang định dắt xe đi tìm thì Bon về. Anh chị la mắng, hỏi lý do mới được biết điện thoại của Bon hết pin, còn xe thì bị lủng săm nên phải dắt bộ một đoạn dài mới tìm được chỗ vá.

Dù thương con nhưng anh chị vẫn gặng hỏi lý do Bon chặn không cho ba mẹ vào tài khoản FB, Zalo của mình thì cháu thật thà bảo “con cũng muốn có một góc riêng như các bạn”.

Muốn có “góc riêng” như Bon không phải là chuyện hiếm trong giới trẻ, nhất là các cháu mới lớn. Lý do thì có nhiều nhưng trẻ vẫn thường cho rằng nếu ba mẹ là bạn bè của con trên mạng xã hội thì các em không yên tâm bởi “cảm giác bị theo dõi”, can thiệp, thậm chí là la mắng nếu những dòng status không vừa lòng phụ huynh.

Để thoải mái, phù hợp với sở thích tuổi mới lớn, một số em đã chọn cách chặn nói trên mà không nghĩ rằng trong những tình huống cụ thể như Bon, nó đáng sợ đến nhường nào.

Và những “góc riêng” đáng sợ trong đời sống vợ chồng

Cứ mỗi lần gặp nhau, trong nhiều câu chuyện hàn huyên thì tôi thấy chị Q. (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) thường than phiền với vợ chồng tôi về việc chồng chị “cứ khư khư chiếc điện thoại trong người” mà không cho ai đụng vào với nhiều lý do khác nhau.

Theo chị Q., “vợ chồng vẫn nên để cho nhau những góc riêng và hai bên phải tôn trọng điều đó”. Vì đã thỏa thuận ngay từ đầu, hơn nữa, chồng chị Q. cũng chẳng bao giờ đụng vào “góc riêng” của chị nên chị cũng không có lý do gì kêu ca. Điện thoại, máy tính của anh, anh đều cài mật khẩu nên dù có muốn, chị cũng không thể thâm nhập được.

Không những thế, chồng chị còn “quy định”: mỗi khi anh đang tắm hay đang bận việc gì mà không thể nghe điện thoại được thì vợ cũng “không được nghe mà cứ để đó, anh sẽ gọi lại sau khi xong việc”. Ngược lại, anh không bao giờ nghe điện thoại giúp chị mỗi khi chị chưa thể nghe.

“Nhiều lúc người thân gọi điện thoại trong khi mình đi chợ hoặc đã đi ra ngoài, anh ấy cũng không thèm nghe giúp, hoặc khi điện thoại mình hết tiền, muốn nhờ điện thoại chồng gọi tí cũng phải xin phép thì anh mới mở máy cho” – chị Q. trải lòng.

Theo chị Q., mỗi đêm trước khi đi ngủ, anh còn lướt web để cập nhật tình hình hay chát chít với ai đó rồi mới ngủ. Và mỗi lần như vậy, nếu chị có hỏi thì anh lạnh lùng đáp “chuyện của anh, em hỏi làm gì”.

“Ban đầu, mình mừng vì cứ tưởng chồng mình tâm lý, không soi mói việc riêng tư của vợ, và dù mình vẫn rất tin tưởng chồng, nhưng càng lâu dần, những góc riêng đó trông thật đáng sợ” – chị Q. tâm sự.

Tiếc rằng, câu chuyện của chị Q. không phải là câu chuyện hiếm gặp trong cuộc sống gia đình. Việc tạo ra một “góc riêng” trong cuộc sống và yêu cầu các thành viên khác trong gia đình phải tôn trọng nó không phải là điều thái quá.

Tuy nhiên, những “góc riêng” tuyệt đối, bất khả xâm phạm mà một số thành viên trong nhiều gia đình tạo dựng có khi lại là nguồn gốc của sự căng thẳng, gây nên cảm giác đáng ngại trong gia đình. Có nên tuyệt đối hoá việc tôn trọng góc riêng của mình như vậy không ?


NGUYỄN QUẾ DIỆU