Giáng Sinh – Lễ Rạng đông: Chúa Giáng Sinh vừa là một mầu nhiệm vừa là một thực tại

Việc Chúa Giáng Sinh vừa là một mầu nhiệm cao cả, nhưng cũng là một sự kiện có thật đang diễn ra trong đời sống nhân loại, vì “Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn như thế cho đến muôn đời”. Người vừa là một Thiên Chúa sống động vừa là một con người cụ thể đang ở giữa chúng ta.

 

Chúa Giáng Sinh vừa là một mầu nhiệm vừa là một thực tại

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta đang được mời gọi để cùng với các mục đồng tìm đến hang đá để tận mắt thấy những điều phi thường, tận tai nghe những điều kỳ diệu, và có thể kể lại cho người khác về những điều Chúa giáng sinh. Nếu tốt hơn nữa, chúng ta được mời gọi như Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều về mầu nhiệm Chúa làm người để suy đi nghĩ lại trong lòng, cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc và chia sẻ cho người khác.

Thật vậy, việc Chúa Giáng Sinh vừa là một mầu nhiệm cao cả, nhưng cũng là một sự kiện có thật đang diễn ra trong đời sống nhân loại, vì “Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn như thế cho đến muôn đời”. Người vừa là một Thiên Chúa sống động vừa là một con người cụ thể đang ở giữa chúng ta.

1. Giáng Sinh là một mầu nhiệm cao cả

Mầu nhiệm này nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để giúp chúng ta thoát khỏi thân phận thụ tạo thấp hèn, chết chóc, tàn tạ, bị giới hạn trong không gian thời gian và trở thành con cái Thiên Chúa cao cả, vượt qua không gian và thời gian vật chất, cảm nghiệm được niềm hạnh phúc vô tận, quyền năng vô biên và sự sống siêu việt của chính Thiên Chúa. Đó là niềm vui vô tận khiến các thiên thần phải cất tiếng ca tụng Thiên Chúa trong đêm thánh vô cùng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương

Mầu nhiệm ấy được diễn tả trong hang đá trước mắt chúng ta, bên trong có Đức Mẹ và Thánh Giuse, có các thiên thần thờ lạy, các mục đồng tôn kính Chúa Hài Đồng. Mầu nhiệm ấy luôn mở cho chúng ta niềm vui vô tận vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta quà tặng cao cả nhất là chính Con Một của Ngài, “ một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5). “Người là Cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ lãnh hoà bình”. Người là Thiên Chúa làm người nên có thể ban bình an, hạnh phúc, ơn cứu độ và tất cả những gì con người chúng ta mơ ước.

Vì thế, trong Mùa Giáng Sinh, người ta trao cho nhau những quà tặng, gửi những tấm thiệp, tổ chức những bữa ăn để chia sẻ niềm vui, để cầu chúc cho nhau được bình an, hạnh phúc. Nhưng chúng ta không bao giờ được phép quên món quà tặng lớn lao nhất, quý giá nhất, là nguồn để tất cả những qua tặng và những lời cầu chúc biến thành sự thật, đó là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Quà tặng đó được Thiên Chúa trao cho chúng ta, đặt vào lòng chúng ta để chúng ta chia sẻ cho người khác. Nếu chúng ta chỉ đi tìm những quà tặng vật chất, những tấm thiệp chúc mừng, những hang đá, đèn sao nhấp nháy và quên mất thực tại là chính Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta thì chúng ta sẽ đánh mất ý nghĩa của Mùa Giáng Sinh. Đó là mầu nhiệm mà chúng ta cần phải có đức tin để khám phá.

2. Giáng Sinh còn là một thực tại đau lòng

Tuy nhiên, khi nhìn vào hang đá, rất nhiều người chúng ta lại quên mất Giáng Sinh cũng là một thực tế, một sự kiện có thật trong lịch sử mà chúng ta cần phải dùng tâm trí, cần phải dùng cả con người để cảm nghiệm, chứ không phải chỉ có đức tin là đủ. Nhìn vào hang đá, nhiều khi chúng ta chỉ nhìn thấy những bức tượng đẹp đẽ nhưng bất động. Chúng gợi ý suy tư hay gợi nhớ để tin, chứ không phải những con người sống động để chúng ta tiếp xúc, cảm thông và hoà nhập vào nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Nhìn vào hang đá, chúng ta chỉ thấy những ánh đèn lấp lánh đủ màu, nhưng lại quên đi thực tại bóng tối của những con người nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bị xua đuổi, bị gạt ra ngoài lề xã hội hôm nay.

Họ là những con người, những sự vật sống động trong hình tượng của Giuse, của Maria, của Giêsu, của những mục đồng, của cả bò lừa, rơm rác trong hang đá trước mắt ta nhưng chúng ta lại không nhìn thấy. Chúng ta có cảm nghiệm được Giuse và Maria đau khổ, lo lắng như thế nào khi gõ cửa từng nhà để xin trú ẩn không? Khi người vợ sắp sinh đứa con, mà người con ấy là Con Thiên Chúa mà mình hết sức tôn thờ, vậy mà bây giờ mình lại không tìm được một chỗ trọ nào cho xứng đáng, chỉ vì mình là những người nghèo – người giàu luôn có chỗ trọ xứng đáng – để rồi phải dắt nhau ra đồng trống, vào một cái hang bẩn thỉu, hôi hám để sinh con, cả hai người đã buồn khổ như thế nào. Đó mới là nét mặt thực tế của Maria và Giuse trong đêm thánh vô cùng này.

Nhìn vào hang đá hiện nay, chúng ta thấy sạch sẽ, thơm tho vì người ta xịt nước hoa vào trong đó cho thơm ngát. Nhưng hang đá thực tế ngày xưa và ngày nay đâu có như vậy. Chúng bẩn thỉu, hôi hám vì chất thải của súc vật. Chúng ta tưởng rằng Cha trên Trời ra lệnh cho các thiên thần quyét dọn ư? Hay là chúng ta tin vào sự an bài của Thiên Chúa để biến tất cả thành tốt đẹp theo lòng tin vào mầu nhiệm của mình và vất bỏ mọi thứ trong thực tế của cuộc sống? Chúng ta có cảm nghiệm được một người mẹ khi sinh con cần những gì không? Đức Maria đau đớn, khốn khổ rất nhiều chứ không phải giữ nét mặt bình thản, vui tươi như bức tượng trước mắt ta đâu! Nhìn xa hơn nữa, chúng ta sẽ thấy hàng trăm ngàn đồng bào chúng ta ở miền Trung trong những trận lũ lụt vừa qua bị mất nhà, mất của, chỉ còn một bộ quần áo trên người, đang chịu cảnh màn trời chiếu đất đang tìm chỗ ở như Thánh Giuse và Mẹ Maria. Có hàng ngàn bà mẹ với những ngôi nhà bị sụp đổ cũng phải sinh con trong điều kiện khốn khó như Đức Maria, như Chúa Giêsu. Chúng ta thấy thực tại Giáng Sinh đang diễn ra quanh ta. Chúng ta đã làm được gì cho họ, cho những Giêsu, Maria và Giuse đáng thương đó?

Anh chị em nhìn thấy toà nhà cao to đang xây bên cạnh nhà thờ Huyện Sĩ của chúng ta. Người chủ đã thuê đất của Toà Tổng Giám mục Tp.HCM để xây nhà hàng, khách sạn. Họ bỏ tiền ra thuê luôn toà nhà bên cạnh của một giáo phận và yêu cầu 70 sinh viên đang ở trong đó phải dọn đi trong vòng 1 tháng. Các em phải vội vã đi kiếm nhà trọ, ở chen chúc nhau cho bớt tiền thuê nhà đúng giữa mùa thi. Ngày hôm 23/12 tôi đến một giáo xứ để xin cho các em sinh viên thuê phòng tạm trú. Xứ đạo đang chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh với những cây thông Noel, đèn sao trang trí quanh nhà thờ rất đẹp. Cha xứ dẫn tôi lên xem 3 tầng lầu với hơn 20 căn phòng trống. Tôi ngỏ ý hỏi có thể thuê cho các em sinh viên ở tạm đây được không. Ngài nói rằng: 5 năm nay ngài để trống những phòng đó chờ các công ty lớn đến thuê, nhưng không thể cho sinh viên thuê được vì có thể làm hư hại nhiều. Tầng hầm của nhà thờ đó đang được thuê với giá 500 triệu đồng một năm để xe hơi. Nhìn cảnh đó tôi thấy nghẹn ngào vì thực tế Giáng Sinh đang diễn ra trước mắt mình.

Có thể nói, hình như chúng ta quên đi thực tại đang sống. Chúng ta làm những hang đá rất đẹp, những đèn sao rực rỡ nhưng chính con người lại đang bị quên lãng. Thánh Giuse, Mẹ Maria vẫn đang còn phải đi tìm những quán trọ và Chúa Giêsu vẫn còn phải giáng sinh trong những hang đá tồi tàn của thời đại hôm nay.

Lời kết

Vì thế, chúng ta đừng quên rằng ngoài ý nghĩa mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả mà chúng ta phải khám phá bằng đức tin, còn có một thực tại Giáng Sinh chua sót đang thể hiện ngay trong đời sống của ta với những con người đau khổ, yếu đuối, bệnh tật, mất nhà mất cửa, bị gạt ra ngoài lề xã hội để chúng ta có thể gặp được Đức Giêsu nơi những con người ấy.  Cùng với Người Mẹ Thánh chúng ta suy đi ngẫm lại trong lòng mầu nhiệm giáng sinh và thực tại giáng sinh này để cùng với những mục đồng tận mắt gặp được Giêsu, tận tai nghe được tiếng hát của các thiên thần, cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc khi cứu giúp họ.