23/01/2025

Xây dựng sai phép, khi nào xử lý hình sự?

Vừa qua, vụ việc Tập đoàn Mường Thanh liên tục có những sai phạm trong xây dựng tại các dự án lớn ở Hà Nội, Khánh Hoà, Đắk Lắk… đã đặt ra những vấn đề pháp lý trong xử lý công trình sai phép, không phép.

 

Xây dựng sai phép, khi nào xử lý hình sự?

Vừa qua, vụ việc Tập đoàn Mường Thanh liên tục có những sai phạm trong xây dựng tại các dự án lớn ở Hà Nội, Khánh Hoà, Đắk Lắk… đã đặt ra những vấn đề pháp lý trong xử lý công trình sai phép, không phép.

 

 

Xây dựng sai phép, khi nào xử lý hình sự?

Trong khi đó, một số công trình dù chưa được cấp phép nhưng vẫn xây dựng mà không vướng trở ngại nào. Khi xử lý thì chỉ phạt vi phạm hành chính và có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết.

Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển cơ quan điều tra cũng gặp một số vướng mắc trong công tác điều tra.

Phạt nặng

Theo các chuyên gia pháp lý, những vụ việc như Tập đoàn Mường Thanh là kết quả của quá trình đua nhau xây dựng, đầu tư các dự án bất động sản lớn. Nhưng đa số chủ đầu tư không đủ khả năng về tài chính, hoặc đua nhau công bố bán sản phẩm của dự án khi chưa đủ điều kiện bán…

Theo điều 13 nghị định 121/2013, những hành vi xây dựng không phép, sai phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 30-50 triệu đồng đối với công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Luật sư Trương Xuân Tám giải thích thêm nếu sau khi bị phạt hành chính mà vẫn tái phạm, tuỳ theo mức độ và quy mô công trình vi phạm, chủ đầu tư có thể bị phạt 500 triệu – 1 tỉ đồng và tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng 6-12 tháng đối với hành vi xây dựng sai phép (điều 9 thông tư 02/2014).

Còn theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM), ngoài mức phạt trên, đơn vị vi phạm phải nộp số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng không phép.

Với những công trình không phép, chỉ sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp tất cả các khoản tiền phạt thì cơ quan có thẩm quyền mới cấp giấy phép xây dựng. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đã được quy định rõ tại điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong đó có biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản của đối tượng vi phạm.

Xử lý hình sự

Theo luật sư Tám, nếu việc xây dựng sai phép gây thiệt hại tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 229 Bộ luật hình sự.

“Việc xử lý hình sự không phụ thuộc vào quy mô công trình lớn hay nhỏ, mà phụ thuộc vào mức độ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác” – luật sư Tám lưu ý.

Trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra, là phải xác minh xử lý theo quy định tại điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự. Sau khi xác minh phát hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Theo thạc sĩ Sơn, việc xử lý các hành vi xây dựng sai phép hoặc không phép nếu không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp và được xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì không bị áp dụng biện pháp phá dỡ.

Trong khi đó, Bộ luật hình sự chỉ xem xét hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng khi hành vi này gây hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Tuy nhiên, đây không phải là “khoảng trống” để các chủ đầu tư thực hiện hành vi vi phạm vì nếu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng đúng và đủ các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật xây dựng năm 2014 và các nghị định có liên quan cũng đủ sức xử lý và răn đe đối với những vi phạm này.

Xử lý trách nhiệm 
cơ quan quản lý

Thạc sĩ Sơn lưu ý điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền xử lý hành vi hành chính và trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thi hành quyết định xử phạt là của chủ tịch UBND tỉnh.

Nhưng theo luật sư Tám, dù quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng từ quy định đến áp dụng vào thực tế là rất khó khăn, phụ thuộc phần lớn vào ý thức, thái độ làm việc của chủ đầu tư, chủ thầu và hơn hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cán bộ trực tiếp thực hiện công việc.

Nhiều trường hợp hoặc vì cả nể hoặc vì non kinh nghiệm, năng lực hoặc vì một mối quan hệ vô hình nào đó nên xử lý không triệt để.

Bên cạnh đó, việc xử lý công trình sai phép, không phép còn có nhiều chồng chéo giữa các cơ quan như UBND, thanh tra xây dựng, sở xây dựng…

“Nếu không minh bạch trách nhiệm, quyền hạn thì các cơ quan này vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và các công trình xây dựng sai phạm sẽ còn rất nhiều và rất khó xử lý” – luật sư Tám nói.

Thạc sĩ Sơn phân tích các cơ quan chức năng cần lưu ý quy định của khoản 3 điều 6 nghị định 81/2013: Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm.

Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt.

“Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới” – thạc sĩ Sơn nói.

Cam kết xây dựng đúng phép

Theo luật sư Trương Xuân Tám, có thể buộc các chủ đầu tư trước khi được cấp phép phải ký giấy cam kết xây dựng đúng giấy phép, nếu không sẽ bị rút giấy phép xây dựng, đình chỉ xây dựng. Còn nếu xây dựng không phép thì đình chỉ ngay công trình xây dựng, cắt điện nước. Nếu có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố vụ án hình sự.

Cơ quan quản lý nhà nước có thể cập nhật và cung cấp danh sách các chủ đầu tư có những sai phạm về xây dựng lên các phương tiện truyền thông. Có như vậy các chủ đầu tư mới tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Song song đó cần có những biện pháp mạnh tay, có thể là cho thôi việc hoặc truy tố hình sự (nếu có dấu hiệu) đối với những cán bộ công chức nhà nước nếu phát hiện sự móc nối, tiếp tay, bao che cho những sai phạm của chủ đầu tư.

YẾN TRINH ([email protected])