23/01/2025

Đừng dạy con đánh giá bằng cảm nghiệm

Trong quá trình dạy con trẻ, việc hình thành cho trẻ kỹ năng nhận xét và bày tỏ thái độ về người khác rất quan trọng, giúp trẻ có khả năng phân định được đúng sai, từ đó trẻ rút ra được những bài học ứng xử phù hợp.

 

Đừng dạy con đánh giá bằng cảm nghiệm

Trong quá trình dạy con trẻ, việc hình thành cho trẻ kỹ năng nhận xét và bày tỏ thái độ về người khác rất quan trọng, giúp trẻ có khả năng phân định được đúng sai, từ đó trẻ rút ra được những bài học ứng xử phù hợp.

 

 

 

Đừng dạy con đánh giá bằng cảm nghiệm
Minh hoạ: NGỌC THUẦN

Tuy nhiên, để giúp trẻ có thể đánh giá đúng đắn được người khác thì không phải phụ huynh nào cũng làm được, thậm chí có bậc cha mẹ đang gieo cho trẻ những ngôn ngữ, hành động phiến diện và cách đánh giá đó dần dần trở thành thói quen, tính cách sống của trẻ sau này.

Khi trẻ cảm tính chủ quan

Chị Thảo Vy (Biên Hoà, Đồng Nai) chia sẻ: “Dạo này con gái tôi – bé Thảo Vân, 8 tuổi – thường xuyên bị bạn bè tẩy chay, cho ra rìa vì hay nhận xét bạn thiếu tế nhị. Tôi hỏi con gái đã nói gì với bạn thì cháu thỏ thẻ: Con nói bạn Bằng xấu tính vì ích kỷ, không cho người khác đồ chơi. Còn con nói bạn Minh là người học kém nhất lớp, suốt ngày chỉ thích ăn vặt đến béo phì, có thế thôi mà các bạn không cho chơi chung”.

Tương tự, bé Hoa (7 tuổi, quận 1, TP.HCM) thường hay đưa ra lời đánh giá người khác theo cảm tính. Mỗi khi ai cho bé quà hoặc khen bé xinh xắn là Hoa đều cho rằng họ là người tốt. Nhưng hôm nào có người đến nhà chơi mà không có quà thì bé lại tỏ ra hờ hững, thậm chí còn nói với mẹ là vị khách đó chẳng tốt bụng, không biết quan tâm đến trẻ con.

Chúng tôi tìm hiểu thì được biết rằng ở nhà, chị Thảo Vy thường dạy con gái cần phải biết phân biệt thế nào là hành vi tốt xấu.

Tuy nhiên, thường ngày mỗi lần bé vi phạm thì chị thường phê bình như: “Con học hành kém và lười nhác, như vậy là trở thành người xấu đấy” hoặc “Con ăn nhiều thế là bị béo đấy! Mà người béo thường xấu tính, không ai chơi cùng đâu!”. Có một vị khách đến chơi, sau khi về chị nhận xét ngay: “Nhìn tướng mạo người này dữ dằn thế chắc chẳng phải người tốt đâu”…

Nếu cha mẹ thường đưa ra những câu phán xét phiến diện về người khác sẽ khiến trẻ bắt chước, làm theo. Trong khi đó, một số phụ huynh dạy con trẻ rằng khi chơi với bạn phải biết bạn nào là xấu – bạn nào tốt, phải biết chọn bạn mà chơi nhưng lại đưa ra những tiêu chí nhận biết bên ngoài như áo quần sạch sẽ, nói năng lưu loát… là người tốt.

Trẻ thường tiếp thu mà thiếu tìm hiểu, suy nghĩ kỹ càng. Điều đáng ngại nữa là trẻ vô tư nói những điều không đáng nói, làm tổn thương người khác mà trẻ vô tình không biết.

Đừng để trẻ có biểu hiện yêu nên tốt, ghét nên xấu

Trước hết, cha mẹ cần phải giúp trẻ hiểu rằng việc nhận xét, đánh giá người khác là vấn đề tế nhị và khó khăn, phải tiếp xúc và giao tiếp nhiều với nhau mới có cơ hội để hiểu nhau.

Trong gia đình, bản thân cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ hiểu rằng chỉ thông qua cảm nghiệm (quan sát, lời nói, hành động…) chưa thể đánh giá người khác tốt – xấu. Cách bình phẩm đó rất dễ dẫn đến sai lầm là làm tổn thương người khác.

Bởi con người ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn có thể thay đổi khác nhau. Thời điểm này là tốt, nhưng thời điểm khác họ lại ứng xử chưa khéo léo, chưa phù hợp với chuẩn mực. Cho nên không được vội vàng đưa ra lời nhận xét, phán đoán về người khác.

Bằng cảm nghiệm là chỉ thông qua những biểu hiện bề ngoài, không phải bản chất bên trong của mỗi con người nên sẽ hời hợt và phiến diện. Do đó giúp trẻ cần có thái độ đúng đắn và cách nhận xét người khác trên cơ sở hiểu biết sâu sắc là rất cần thiết.

“Gieo suy nghĩ đúng gặt ngôn ngữ hay, gieo ngôn ngữ khéo gặt hành động phù hợp, gieo thói quen đúng gặt tính cách tốt”. Dạy trẻ biết cách đánh giá người khác khéo léo, tế nhị là việc làm cần thiết trong quá trình giáo dục con cái, giúp con hoà nhập tốt trong cộng đồng.

Hệ quả xấu

Khi cha mẹ không điều chỉnh, định hướng, kiểm soát lời nói của trẻ kịp thời sẽ dẫn đến những hệ luỵ:

– Trẻ dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, thiếu tôn trọng người khác: những đứa trẻ thường nhận xét, đánh giá bằng cảm tính (hay gọi là cảm nghiệm) thường chủ quan, dẫn đến coi thường người khác. Tâm lý cái tôi cá nhân luôn lấn át.

– Tâm lý “vơ đũa cả nắm”: Vì thiếu sự phân tích, thiếu hiểu biết đầy đủ, trẻ chỉ cần quan sát một vài cử chỉ, hành động nào đó hoặc một lời nói nào đó của người khác thì có thể vội vàng đi đến “chụp mũ”, đưa ra những câu bình luận thiếu cân nhắc sẽ khiến người khác buồn lòng.

– Trẻ sẽ sống hời hợt: Trong nhận thức, hành vi của trẻ nếu không được nhắc nhở, giáo dục kịp thời, trẻ sẽ hời hợt, chỉ coi trọng, chú ý hình thức bề ngoài mà thiếu sự cân nhắc, suy nghĩ. Ngay trong học tập, với những đứa trẻ có tâm lý này thì thường hấp tấp vội vàng, hay mắc sai sót.

– Khó hòa nhập: Trẻ sẽ khó có bạn bè vì hay chê người khác, cũng như hay biểu hiện bạ đâu phán xét đó.


ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG