Không xoá được án tích chỉ vì 25.000 đồng
Mặc dù ra tù cách đây 15 năm và không hề vi phạm tội mới, nhưng anh H. (ngụ Q.11, TP.HCM) vẫn không thể xoá án tích chỉ vì chưa bồi thường khoản tiền 25.000 đồng cho bên bị hại.
Không xoá được án tích chỉ vì 25.000 đồng
Mặc dù ra tù cách đây 15 năm và không hề vi phạm tội mới, nhưng anh H. (ngụ Q.11, TP.HCM) vẫn không thể xoá án tích chỉ vì chưa bồi thường khoản tiền 25.000 đồng cho bên bị hại.
Năm 1999, anh H. bị TAND Q.11 kết án 3 năm tù giam. Năm 2001, anh H. mãn hạn tù.
Quên đóng tiền bồi thường
Anh H. kể trước khi đến tòa án xin được xoá án tích, anh đã được công an phường, quận nơi đang cư trú chứng thực suốt 15 năm qua không vi phạm tội mới.
Tại TAND Q.11, ngoài trích lục bản án, anh H. được yêu cầu nộp các biên lai thu tiền đền bù và án phí của 15 năm trước.
“Do giấy đó bị thất lạc nên tôi đến trại giam xin lại nhưng không được, tôi đành đến Chi cục Thi hành án của quận xin đóng lại khoản án phí để được lấy biên lai. Đến đây tôi mới tá hỏa vì khoản tiền 25.000 đồng đền bù cho bên bị hại vẫn chưa thực hiện” – anh H. kể.
Chị T., vợ anh H., cho rằng vì trong lúc chồng phải đi tù, tâm trạng rối bời và khoản tiền phải bồi thường quá nhỏ nên… quên mất.
“Bên bị hại họ cũng chẳng bao giờ đòi khoản tiền đó nên tôi đã không để ý. Hiện giờ họ không còn ở đây nữa, gia đình tôi tìm để xin bồi thường nhưng không thể liên lạc được” – chị T. phân trần.
Chị T. cũng cho biết theo tìm hiểu, pháp luật quy định sau năm năm nếu chưa bồi thường mà không bị ai kiện cáo thì quyết định bồi thường sẽ vô hiệu lực.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn làm đơn tự nguyện xin bồi thường gửi đến Chi cục Thi hành án Q.11 nhưng kết quả chưa thành” - chị T. nói.
Có thể xóa án tích
Theo luật sư Lê Trung Phát, cách xử lý của TAND và Chi cục Thi hành án Q.11 là áp dụng quy định về xoáán tích được quy định tại Bộ luật hình sự và nghị quyết 01/2007.
Theo đó, người phạm tội với hình phạt tù đến 3 năm sẽ được đương nhiên xóa án tích khi chấp hành xong bản án và không phạm tội mới trong thời hạn ba năm kể từ ngày chấp hành xong bản án.
“Việc chấp hành xong bản án phải bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trường hợp của anh H. chưa chấp hành việc bồi thường thiệt hại nên được xem chưa đủ điều kiện để xoá án tích” – luật sư Phát phân tích.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết tuy chưa đủ điều kiện nhưng trường hợp anh H. có thể áp dụng theo khoản 6, điều 4 nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định về việc người phải thi hành án tự nguyện thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
“Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp, đồng thời lập biên bản ghi rõ lý do, số tiền, tài sản do phạm nhân là người phải thi hành án, người được uỷ quyền hoặc thân nhân của họ nộp và thông báo cho người được thi hành án đến nhận. Đây là cơ hội tạo điều kiện cho anh H. có thể xoá án tích” – luật sư Trạch nói.
Tự nguyện thi hành án
Theo các chuyên gia pháp lý, trường hợp của anh H. cho thấy một bất cập lớn trong việc xóa án tích, đó là sự mâu thuẫn trong quy định pháp luật.
“Theo Luật thi hành án dân sự 2008, khi hết thời hạn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án mất quyền yêu cầu thi hành án nhưng không quy định cụ thể việc giải quyết các vấn đề phát sinh sau đó như thế nào” – luật sư Lê Trung Phát băn khoăn.
Ngoài ra, luật sư Phát cũng cho rằng không nên dựa vào việc thi hành các nội dung liên quan trong bản án (không phải hình phạt tù) để làm căn cứ tính thời hạn xoá án tích, mà nên dựa vào thời hạn chấp hành xong hình phạt tù.
“Tất nhiên việc xóa án tích chỉ diễn ra khi người phạm tội phải thi hành toàn bộ bản án bởi suy cho cùng, án tích là vết tích về trách nhiệm hình sự. Như vậy dẫu đã chấp hành xong hình phạt tù, đủ thời gian để xoá án tích nhưng chưa chấp hành phần còn lại của bản án thì họ có thể tự nguyện thi hành án để được xoá án tích” – luật sư Phát góp ý.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng nhiều người còn hiểu nhầm quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008.
“Điều 30 của luật này quy định trong thời hạn năm năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án.
Cần hiểu rõ hết thời hạn này thì người được thi hành án mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án, chứ không phải là quyết định này không còn hiệu lực như trường hợp chị T. đã đề cập” – luật sư Trạch nhấn mạnh.
Tránh bị bác đơn Theo các chuyên gia pháp lý, trong thời gian chấp hành án phạt tù, người phạm tội nên nhờ người thân thực hiện thay mình các phần trách nhiệm có liên quan đến bản án như: án phí, tiền bồi thường… Đồng thời cần lưu giữ tất cả hoá đơn, giấy tờ liên quan. Cùng với đó, người đi xoá án tích cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để tránh bị toà án bác đơn xoá án tích. Vì như vậy người muốn xóa án tích sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian nhất định mới được nộp đơn cho lần kế tiếp (theo quy định ở điều 65 Bộ luật hình sự). |