23/01/2025

Ngăn thảm án từ người tâm thần

Vụ án một người có tiền sử bệnh tâm thần chém chết bốn người thân mới xảy ra tại tỉnh Hà Giang khiến dư luận bàng hoàng và làm gia tăng nỗi lo về người bị bệnh tâm thần chưa được quản lý đúng mức.

 

Ngăn thảm án từ người tâm thần 

 Vụ án một người có tiền sử bệnh tâm thần chém chết bốn người thân mới xảy ra tại tỉnh Hà Giang khiến dư luận bàng hoàng và làm gia tăng nỗi lo về người bị bệnh tâm thần chưa được quản lý đúng mức.

 

 

 

Ngăn thảm án từ người tâm thần 

Trước vụ án người có tiền sử bệnh tâm thần chém chết bốn người thân ở Hà Giang, trong những năm gần đây đã có nhiều thảm án mà nhiều người trong nhà cùng bà con hay hàng xóm bị người tâm thần giết hại cùng lúc.

Đau lòng nhất là ba vụ việc như vụ việc xảy ra ở Nghệ An, Vĩnh Phúc và Hải Dương. Trong ba trường hợp này, những thủ phạm này đều vô cớ sát hại cha mẹ, người thân chứ những nạn nhân này không hề làm kích động thủ phạm trước đó.

Những vụ cuồng sát từ người có bệnh tâm thần dễ xảy ra có phần do người trong gia đình đã không nhận thức được sự hiểm nguy – tức sự manh động dẫn tới thương vong nhân mạng – mà thành viên tâm thần sống ngay trong nhà có thể gây ra bất cứ lúc nào với họ.

Duyên do là vì họ chưa hiểu thấu đáo rằng bệnh tâm thần là loại bệnh rất khó chữa trị, nên họ mới nghĩ rằng khi người bệnh được điều trị và được xuất viện có nghĩa là bệnh tình đã giảm nhiều, sự nguy hại do người bệnh gây ra sẽ không còn hoặc nếu có cũng không đáng kể.

“Cần có những chiến dịch truyền thông về bệnh tâm thần như các loại bệnh xã hội khác. Cần tuyên truyền, giải thích về thực trạng của bệnh tâm thần, về sự cần thiết phải chữa trị bắt buộc đúng liệu trình của ngành y tế đối với người bệnh tâm thần tới mọi cộng đồng dân cư. Từ đó mới hạn chế được những thảm án do người có bệnh tâm thần gây ra.

Sự chủ quan này cũng rơi vào trường hợp biết người nhà có bệnh tâm thần nhưng thấy bệnh trạng không trầm trọng nên đã không cho đi khám/điều trị ở bệnh viện tâm thần.

Cũng có người vì thương con, cho rằng đến bệnh viện tâm thần con mình “sẽ cực khổ”, nên đã để con ở nhà uống thuốc hay nhờ thầy cúng vái dù rằng con đã nhiều lần đánh lại cha mẹ, hay kích động và cũng hay trầm uất.

Cộng đồng cư dân nơi có người bệnh tâm thần cũng chưa thấy hết được mối nguy hiểm tiềm tàng từ người bệnh tâm thần ở gần mình.

Về phía chính quyền địa phương (thôn, ấp, xã, phường), phần nhiều coi việc xác định mức độ nguy hiểm của người bệnh tâm thần tại địa phương là do các ngành chức năng chuyên trách đảm nhiệm; và cũng hiếm khi họ nhận được cảnh báo từ những cơ quan chuyên môn/chuyên trách này, nên họ vẫn không đặt ra hay truyền đạt về sự phòng ngừa, quản lý người bệnh tâm thần tại gia đình, tại địa phương. Do vậy sự phòng ngừa, ứng phó khó kịp thời.

Theo những công trình nghiên cứu tâm thần học mới nhất, bệnh tâm thần là một trong những bệnh có chiều hướng gia tăng cao trong xã hội công nghiệp hiện đại, được coi là một trong những bệnh xã hội gây ảnh hưởng bất lợi lớn cho sự phát triển xã hội.

Do vậy, cần phải sớm quan tâm đến việc ngăn chặn những vụ án đau lòng từ người tâm thần gây ra.

Trước tiên là gia đình và cộng đồng cần thay đổi cách nghĩ để quan tâm sát sao đến người bị bệnh tâm thần sống trong nhà, trong cộng đồng, từ đó mới phát hiện kịp thời những biểu hiện nghi vấn về bệnh lý của người bệnh để có giải pháp thích hợp.

Quan trọng hơn hết là sự vào cuộc một cách căn cơ và thường xuyên từ các ngành chức năng.

Ngành y tế, công an và cả chính quyền địa phương cần cảnh báo, nhắc nhở, theo dõi thường xuyên để có giải pháp ứng xử đúng mức với người bệnh tâm thần đang sống tại cộng đồng dân cư, phòng tránh kịp thời việc người bệnh tâm thần gây ra thảm họa cho gia đình và cộng đồng.

HUỲNH VĂN MỸ