Chặt hàng trăm cây trồng của dân, sao không bị xử lý?
Tại Đồng Nai, nông trường cao su cho san ủi, chặt hạ hàng trăm cây trồng của dân nhưng không bị xử lý vì cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng không cấu thành tội phạm.
Chặt hàng trăm cây trồng của dân, sao không bị xử lý?
Tại Đồng Nai, nông trường cao su cho san ủi, chặt hạ hàng trăm cây trồng của dân nhưng không bị xử lý vì cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng không cấu thành tội phạm.
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Nhường (ngụ ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) cho biết từ năm 1983, gia đình bà khai thác hơn 7.000m2 đất để trồng hơn 3.000 cây xoan đào, muồng đen.
Tuy nhiên tháng 8-2014, Nông trường cao su Bình Lộc cho xe ủi lấy gỗ đi bán rồi trồng cao su mà gia đình không hề hay biết.
“Có vi phạm nhưng không xử lý hình sự”
Bà Nhường trình bày: “Gia đình phát hiện tài sản bị xâm hại, đi tố giác nhưng đến giờ này vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Thống Nhất vào cuộc xác định nông trường tự ý chặt hạ, gây thiệt hại về tài sản là vi phạm pháp luật, nhưng cho rằng nông trường vì lợi ích chung nên không xử lý hình sự”.
Cụ thể, sau khi bà phát hiện tài sản bị xâm hại đã gửi đơn tố cáo, tháng 8-2015 Công an huyện Thống Nhất và chính quyền vào lập biên bản hiện trường xác định trên đất do gia đình bà Nhường canh tác có gần 800 gốc muồng đen, xoan đào với nhiều kích cỡ bị chặt phá, gây thiệt hại trên 114 triệu đồng.
Bà Nhường cho hay thực tế tài sản cây trồng thiệt hại lớn hơn nhiều nhưng dựa trên kết quả xác định thiệt hại, bà có đơn đề nghị phải xử lý hành vi huỷ hoại tài sản đối với các cá nhân ở nông trường đã tổ chức hủy hoại cây trồng của bà.
Sau khi vào cuộc điều tra, Công an huyện Thống Nhất xác định từ tháng 7-2014, ban giám đốc Nông trường cao su Bình Lộc đã thuê người phát dọn trên diện tích đất của bà Nhường và một vài cá nhân để trồng cao su.
Ngoài số cây trồng bị chặt và thiệt hại như trên, cơ quan điều tra còn xác định những người tự ý phát dọn trên đất của bà Nhường đã lấy gỗ, củi bán được tổng số tiền 7,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, công an huyện cho rằng Nông trường cao su Bình Lộc “không có động cơ cá nhân hay tư lợi”.
Trả lời vụ việc này, một lãnh đạo Công an huyện Thống Nhất giải thích: “Nông trường cao su có làm thiệt hại tài sản của gia đình bà Nhường. Tuy nhiên, việc làm của nông trường xuất phát từ tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê đất, là quan hệ dân sự nên huyện không khởi tố vụ án hình sự”.
Còn bà Nhường nói: “Cơ quan điều tra cho rằng giữa gia đình tôi và nông trường có hợp đồng thuê đất để cho rằng đó chỉ là tranh chấp dân sự. Nhưng thực tế trong các biên bản hòa giải tôi đã yêu cầu đại diện ban giám đốc chứng minh hợp đồng thuê đất thì họ không cung cấp được.
Tài sản của tôi họ vào san ủi, huỷ hoại bán lấy tiền, cơ quan điều tra đã khẳng định như vậy mà nói không đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự thì tôi thấy không ổn”.
Khó xử lý?
Sau khi vụ án trên không được cơ quan điều tra xử lý, bà Nhường tiếp tục tố cáo vụ việc kèm theo các nội dung xác nhận của chính quyền xã cũng như người dân về thời điểm khai phá, canh tác đất của gia đình bà đến Viện KSND huyện Thống Nhất và Viện KSND tỉnh Đồng Nai. Bà đề nghị kiểm sát lại toàn bộ vụ án hủy hoại tài sản.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Viện KSND huyện Thống Nhất cho hay đã giải quyết vụ việc của bà Nhường và viện đồng tình với quan điểm của cơ quan điều tra là quan hệ tranh chấp dân sự, không có cơ sở để xử lý hành vi hủy hoại tài sản.
Theo viện, “hành vi của Nông trường cao su Bình Lộc tổ chức phát dọn, chặt hạ cây trồng trên 7.000m2 đất của bà Nhường thuê canh tác để trồng cao su không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Theo bà Nhường, bà đã thực hiện quyền khiếu nại lần 2 lên Viện KSND tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, viện vẫn cho rằng việc các cơ quan tố tụng huyện Thống Nhất không khởi tố vụ án hình sự “là đúng pháp luật” và bác đơn khiếu nại của bà.
“Tôi đã thực hiện hết quyền khiếu nại của mình. Chuyện có bỏ lọt tội phạm hay không do cơ quan chức năng thẩm định, còn tôi bắt đầu khởi kiện dân sự để đòi quyền lợi” – bà Nhường nói.
Đủ cơ sở xử lý hành vi hủy hoại tài sản Nếu đây là một quan hệ dân sự thì tại sao Nông trường cao su Bình Lộc không giải quyết theo pháp luật dân sự mà lại tổ chức thuê người chặt phá, huỷ hoại cây trồng, gây ra thiệt hại cho gia đình bà Nhường? Bởi hồ sơ tố giác của bà Nhường cho thấy cơ quan điều tra đã xác định được chủ thể của hành vi phạm tội. Đó là ban giám đốc Nông trường cao su Bình Lộc và một số cá nhân có hành vi chặt phá cây xoan đào, cây muồng… đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bà Nhường. Cơ quan điều tra cũng xác định những người chặt phá cây mang đi bán, gây thiệt hại hơn 114 triệu đồng khiến bà Nhường không thể khôi phục hoặc tái sử dụng các cây trồng… Hành vi trên đã đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm “tội cố ý huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác” theo điều 143 Bộ luật hình sự. |