Luật sư được sao chụp tài liệu vụ án?
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định luật sư có quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật.
Luật sư được sao chụp tài liệu vụ án?
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định luật sư có quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật.
Nhưng trên thực tế, việc các cơ quan tố tụng có đưa các văn bản liên quan đến vụ án vào hồ sơ vụ án và phạm vi tiếp cận của luật sư đối với các văn bản này vẫn còn nhiều vướng mắc.
Chỉ được sao chụp hồ sơ liên quan
Liên quan đến vụ việc, theo dự kiến ngày 28-11-2016 TAND tỉnh Đồng Nai sẽ mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Hùng Chiến về tội cố ý gây thương tích.
Trước đó, vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng phiên toà phải tạm hoãn để làm rõ một số vấn đề do kết quả giám định tâm thần của hai cơ quan tiến hành tố tụng chỏi nhau.
Sau đó, TAND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ Y tế và bộ này đã có công văn phúc đáp về một số vấn đề liên quan đến vụ án.
Luật sư Trần Bá Học, người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Hùng Chiến, đã đến tòa để yêu cầu được sao chụp công văn trên. Thư ký phiên toà trả lời thẩm phán thụ lý vụ án đang nghiên cứu, nếu được sự đồng ý của thẩm phán, luật sư sẽ được sao chụp tài liệu này sau.
Tuy nhiên, hôm sau luật sư Học đến TAND tỉnh Đồng Nai để xin sao chụp các công văn này thì thẩm phán thụ lý vụ án từ chối cung cấp vì cho rằng các công văn này là công văn trao đổi liên ngành, không phải chứng cứ để luật sư nghiên cứu.
Theo luật sư Học, phiên toà sắp mở lại nhưng luật sư không được cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ án sẽ ảnh hưởng đến việc tranh tụng của luật sư tại tòa.
Đồng thời, luật sư này cũng cho rằng cần phải đưa các công văn hỏi và trả lời liên quan đến nội dung vụ án giữa Bộ Y tế và TAND tỉnh Đồng Nai vào hồ sơ vụ án.
Quy định còn mù mờ
Theo luật sư Phạm Công Út – nguyên thẩm phán TAND Q.8, hiện nay luật vẫn chưa quy định rõ ràng về việc sao chụp và phạm vi sao chụp, tiếp cận tài liệu của luật sư.
Tại điểm g, khoản 2, điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa có quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, những tài liệu nào là hồ sơ thì luật không nói rõ, không phân loại tài liệu nào được chụp và tài liệu nào không được chụp. Ngoài các văn bản được đóng dấu mật còn một số tài liệu khác mà luật sư không được sao chụp.
Bên cạnh đó, trên thực tế có nhiều loại văn bản khác được đưa vào hồ sơ nhưng không được sao chụp như công văn trao đổi liên ngành, công văn trao đổi chuyên môn giữa tòa án cấp dưới và tòa án cấp trên…
Đây là các văn bản vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của toà án trong xét xử khá phổ biến hiện nay nhưng thường được cơ quan tiến hành tố tụng rút khỏi hồ sơ nên luật sư không thể tiếp cận, sao chụp được.
Tuy nhiên theo ông Út, việc trao đổi ý kiến về chuyên môn như công văn toà hỏi Bộ Y tế là văn bản tố tụng, không mang tính chất riêng tư, nội bộ ngành… và công văn có số công văn, có ngày phát hành được lưu trong sổ sách của văn phòng.
Ngoài ra, các công văn hỏi – đáp này nhằm xác định tội danh của bị cáo nên không thuộc loại bí mật, luật sư cần phải được tiếp cận.
Như vậy việc cản trở luật sư không được sao chụp các loại văn bản tố tụng trước khi xét xử là sai, tuy nhiên không thuộc loại vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Dựa vào quy định mù mờ của luật nên nhiều cơ quan toà án thường xuyên gây khó cho luật sư.
Sẽ có lợi cho bị can, bị cáo
Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi, hồ sơ vụ án tập hợp những quyết định về tố tụng, những văn bản liên quan đến hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ như biên bản bắt người, biên bản giao nhận các tài liệu, biên bản khám xét, biên bản thu giữ tài liệu, đồ vật, biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, biên bản giám định…
Hồ sơ còn gồm những tài liệu có giá trị chứng cứ chứng minh có hay không có hành vi phạm tội. Và để nắm được nội dung vụ án thì cần phải có hồ sơ vụ án.
Theo quy định thì hồ sơ vụ án không được mang ra khỏi cơ quan tiến hành tố tụng, trừ những trường hợp cần mang theo để thực hiện các hoạt động điều tra, xét xử.
Do đó, để thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo, đương sự… luật sư được quyền tiếp cận, sao chụp toàn bộ những gì có trong hồ sơ vụ án để nghiên cứu.
Luật sư Thi cho rằng trong quá trình tham gia tố tụng, nghiên cứu hồ sơ vụ án là khâu quan trọng, giúp luật sư nắm được nội dung sự việc để đưa ra những căn cứ pháp lý, lập luận sắc bén, tháo gỡ những “điểm tối, nút thắt” trong vụ án.
Việc sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án còn giúp người bào chữa biết được các tình tiết của án, biết được hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án có đúng hay không.
Khi đó, người được “hưởng lợi” không chỉ bị can, bị cáo mà ngay cả hội đồng xét xử cũng nhờ đó có những phán quyết chính xác, công tâm, khách quan.
Không có giá trị chứng cứ Theo một thẩm phán toà hình sự TAND TP.HCM, công văn trao đổi liên ngành nếu không đưa vào hồ sơ vụ án, không thu thập theo trình tự chứng cứ thì không được xem là chứng cứ. Khi xét xử, hội đồng xét xử không được dẫn chiếu, căn cứ vào tài liệu này để đưa ra kết luận về vụ án. Nếu tòa sử dụng tài liệu này để xét xử tức là đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. |