24/12/2024

Bị bắt theo lệnh truy nã lại được xem là đầu thú?

Nhiều đối tượng trốn truy nã bị bắt giữ đã được cơ quan tố tụng cho “biến hoá” thành… đầu thú. Từ đó, hồ sơ vụ án có thể bị thay đổi theo hướng có lợi cho đối tượng, thậm chí bỏ lọt tội phạm.

 

Bị bắt theo lệnh truy nã lại được xem là đầu thú?

Nhiều đối tượng trốn truy nã bị bắt giữ đã được cơ quan tố tụng cho “biến hoá” thành… đầu thú. Từ đó, hồ sơ vụ án có thể bị thay đổi theo hướng có lợi cho đối tượng, thậm chí bỏ lọt tội phạm.

 

 

 

Điều này đặt ra vấn đề pháp lý về trình tự, thủ tục bắt đối tượng truy nã, đầu thú như thế nào là đúng quy định pháp luật?

Việc “biến hoá” từ bắt truy nã sang đầu thú dẫn đến những hậu quả pháp lý ra sao, tội phạm được “hưởng lợi” gì…?

Bắt theo truy nã 
hay đầu thú?

Bà N.T.T.L. (ngụ P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa gửi đơn đến thanh tra Bộ Công an, các cơ quan tố tụng TP.HCM khiếu nại về quá trình điều tra vụ án, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ trong một vụ án giết người.

Theo hồ sơ, ngày 11-11-1994 xảy ra một vụ giết người, gây rối trật tự công cộng làm anh Nguyễn Lân (con bà L.) tử vong. Đối tượng gây án được xác định là Nguyễn Minh Tân bỏ trốn ngay sau đó.

Cơ quan điều tra Công an TP.HCM phát lệnh truy nã Tân về tội “giết người” và “gây rối trật tự công cộng”.

Đến ngày 31-8-2014, bà L. phát hiện Tân lúc này đang làm bảo vệ tổ dân phố ở P.Bình Hưng Hoà, Q.Bình Tân dưới cái tên giả là Võ Minh Hùng.

Bà L. gửi đơn đến cơ quan chức năng Công an TP.HCM, văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đề nghị truy bắt Tân. Theo trình bày của bà L., Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52) đến nơi cư trú của Tân làm thủ tục bắt theo lệnh truy nã với sự chứng kiến của bà L..

Sau này khi làm việc với cơ quan điều tra, bà L. phát hiện Tân không bị bắt theo lệnh truy nã mà đầu thú. Các cơ quan tố tụng TP.HCM thống nhất huỷ quyết định khởi tố Tân tội “giết người” vì không đủ cơ sở, chỉ xử lý tội “gây rối trật tự công cộng”, sau đó chỉ bị tuyên phạt 18 tháng tù.

Ngày 14-9-2016, Toà án cấp cao tại TP.HCM trong phiên xử phúc thẩm đã quyết định huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra 
bổ sung làm rõ tội danh của Nguyễn Minh Tân.

Chiều 20-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Trọng Dũng, cục phó Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an, cho biết trình tự thủ tục tiếp nhận đối tượng Nguyễn Minh Tân ra đầu thú là đúng theo quy định pháp luật.

“Khi đến để bắt Tân thì đối tượng không có mặt. Chúng tôi phải vận động gia đình đưa Tân ra đầu thú. Quá trình làm thủ tục tiếp nhận đối tượng Tân có mặt bà L. chứng kiến” – ông Dũng nói.

Không làm thay đổi 
bản chất vụ án

Theo tiến sĩ Phan Anh Tuấn, trưởng bộ môn luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM), đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Việc đầu thú không làm thay đổi bản chất vụ án và tội danh trong vụ án vì nó chỉ có thể là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (theo điều 46 Bộ luật hình sự).

Đồng quan điểm, luật sư Lê Trung Phát cho rằng Tân đã bị truy nã nên khi cơ quan công an đến bắt người này là bắt theo quyết định truy nã. Khi bắt người bị truy nã, trình tự thủ tục bắt, lập biên bản bắt sẽ khác so với thủ tục ghi nhận bị can đầu thú.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM) phân tích: căn cứ để phân biệt bắt theo lệnh truy nã và người bị truy nã ra đầu thú là biên bản bắt người theo lệnh truy nã hoặc biên bản người bị truy nã ra đầu thú.

Trong trường hợp ở trên, cơ quan công an đến tận nơi cư trú để thực hiện lệnh bắt theo tố giác của công dân thì không thể lập biên bản người bị truy nã ra đầu thú.

Đầu thú là tình tiết 
giảm nhẹ

Theo tiến sĩ Tuấn, việc đổi thành biên bản tiếp nhận người có quyết định truy nã ra đầu thú, dẫn đến hủy quyết định khởi tố Tân về tội giết người và chỉ xử lý tội gây rối trật tự công cộng, tuyên 18 tháng tù là không đúng quy định của pháp luật hình sự.

Việc các cơ quan tố tụng thống nhất huỷ quyết định khởi tố Tân tội giết người là do không đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, không phải do tình tiết đầu thú.

Đây là trường hợp bắt người đang bị truy nã (điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự) và việc “biến hoá” từ bắt truy nã sang đầu thú là không đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự.

Thạc sĩ Sơn cho rằng việc xác định người phạm tội sau khi thực hiện tội phạm ra đầu thú hoặc người bị truy nã ra đầu thú rất quan trọng vì đây là căn cứ để toà án xem xét họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điều 46 Bộ luật hình sự hay không.

Còn theo luật sư Phát, do việc đầu thú có thể được toà án ghi nhận là một tình tiết giảm nhẹ, bị cáo được hưởng lợi do giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư Phát cũng lưu ý: do Tân đang bị điều tra về hai tội danh, trong trường hợp này hành vi phạm tội liên quan đến “giết người” có thể không được cơ quan công an tập trung điều tra, dễ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Yêu cầu các cá nhân liên quan giải trình

Theo lãnh đạo C44, hiện đơn vị này đã xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo yêu cầu các cán bộ liên quan giải trình toàn bộ quá trình tiếp nhận tin báo, bắt (hoặc vận động đầu thú) đối tượng Nguyễn Minh Tân gửi về C44.

Yêu cầu thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra báo cáo lại toàn bộ quá trình thụ lý và kết quả điều tra vụ án cũng như việc giải quyết đơn tố cáo của bà L.. Trên cơ sở đó, C44 sẽ làm việc với các cá nhân liên quan để làm rõ nội dung tố cáo của bà L..

Trình tự, thủ tục bắt truy nã, đầu thú

Theo thông tư 13/2012 quy định trường hợp người bị truy nã ra đầu thú là trường hợp người bị truy nã đến đầu thú tại các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Các cơ quan này phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất biết để cử người đến tiếp nhận và lập biên bản.

Khi bị can trốn hoặc không biết bị can ở đâu, cơ quan điều tra phải phát lệnh truy nã theo quy định tại điều 161 Bộ luật tố tụng hình sự.

Khi bị can bị bắt giữ, đối tượng sẽ được giao cho cơ quan có chức năng lấy lời khai, đồng thời thông báo với cơ quan phát hành lệnh truy nã để đình chỉ quyết định truy nã, tiếp nhận người bị truy nã đã bị bắt.

YẾN TRINH – [email protected]