Cảnh sát 113 được truy đuổi người vi phạm giao thông?
Nhiều bạn đọc thắc mắc về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát 113 kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. Dưới đây là một số ý kiến.
Cảnh sát 113 được truy đuổi người vi phạm giao thông?
Nhiều bạn đọc thắc mắc về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát 113 kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. Dưới đây là một số ý kiến.
Theo các chuyên gia pháp lý, không có quy định nào cho phép lực lượng cảnh sát nói chung khi kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông được phép truy đuổi, đạp xe té ngã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người đang tham gia giao thông.
Phải bảo đảm an toàn
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, cảnh sát giao thông nói chung và lực lượng tham gia xử lý vi phạm giao thông, trong đó có cảnh sát 113, trong một vài trường hợp đặc biệt có thể truy đuổi người vi phạm an toàn giao thông.
Tuy nhiên, việc truy đuổi và có những hành vi như dùng chân đạp vào xe máy đang chạy với tốc độ cao có thể gây tai nạn nghiêm trọng. Nếu gây ra vụ tai nạn chết người là vi phạm vào tội “làm chết người khi thi hành công vụ” theo điều 97 BLHS.
Còn luật sư Trương Xuân Tám cho rằng không có quy định nào của pháp luật cho phép cảnh sát khi kiểm tra giao thông được đánh, đá, đạp vào xe người đang tham gia giao thông, bất kể họ có vi phạm Luật giao thông đường bộ hay không.
Theo quy định tại thông tư 01/2016 của Bộ Công an, chỉ có CSGT mới được dừng phương tiện đang tham gia giao thông. Việc CSGT dừng xe cũng phải đảm bảo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Được quyền truy đuổi?
Một cán bộ có trách nhiệm Công an TP.HCM cho biết quyền hạn của lực lượng cảnh sát 113 trong xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ được quy định tại khoản 3, điều 70, nghị định 46 năm 2016.
Theo đó, cảnh sát 113 trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có quyền xử phạt hành vi vi phạm không đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên môtô, xe máy (điểm i, khoản 3, điều 6, nghị định 46) và các vi phạm khác theo quy định.
Trách nhiệm và quyền hạn của lực lượng cảnh sát 113 là phòng ngừa, đấu tranh hoạt động của các loại tội phạm và giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự.
Tổ chức tuần tra, kiểm soát để giám sát việc chấp hành pháp luật, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp nhận và xử lý ban đầu những thông tin có liên quan đến an ninh, trật tự và yêu cầu giúp đỡ của nhân dân.
Hiện nay, không có quy định pháp luật nào cụ thể riêng cho lực lượng cảnh sát 113 có được truy đuổi vi phạm giao thông hay không.
Tuy nhiên chức năng, quyền hạn của cảnh sát 113 là khá rộng, đó là ngăn chặn tội phạm hình sự, giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự, các hành vi vi phạm pháp luật tại địa bàn công cộng (trong đó xử lý vi phạm giao thông là một phần nhiệm vụ của lực lượng này).
Riêng về vi phạm giao thông, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định: “Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh”. Cảnh sát 113 trong phạm vi chức năng, quyền hạn được giao, được quyền dừng xe, lập biên bản vi phạm giao thông.
Đối với các trường hợp cảnh sát 113 đã có hiệu lệnh nhưng đối tượng vi phạm không chấp hành, bỏ chạy thì được coi là “không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”…
Trong trường hợp phát hiện đối tượng vi phạm, cảnh sát 113 có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp như truy đuổi đối tượng vi phạm.
Nên áp dụng phạt nguội
Theo các chuyên gia pháp lý, đã từng có một số trường hợp các lực lượng tuần tra giao thông trong lúc truy đuổi đã làm té ngã, gây thương vong cho người tham gia giao thông.
Luật sư Nông cho biết lực lượng tham gia xử lý giao thông có nhiều biện pháp dừng xe người vi phạm.
Theo điều 13 thông tư 65/2012 của Bộ Công an, việc dừng xe để kiểm tra vi phạm giao thông có thể thực hiện bằng tay, gậy chỉ huy giao thông, còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, barie hoặc rào chắn.
Đối với người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh và bỏ chạy, về nguyên tắc người tham gia kiểm soát giao thông có thể truy đuổi.
Nhưng theo luật sư Nông, trong nhiều trường hợp, CSGT, cảnh sát 113 cũng nên cân nhắc lợi, hại khi thực hiện việc truy đuổi đối với lỗi vi phạm nhỏ, hoặc người vi phạm bỏ chạy trong giờ cao điểm.
Khi đó đường đông, việc truy đuổi có thể gây nguy hiểm cho những phương tiện tham gia giao thông khác và không lường được những hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát còn nhiều biện pháp khác có thể thực hiện để xử lý người vi phạm bỏ chạy như quay phim hành vi vi phạm để sau đó truy xét, xử lý.
Theo luật sư Tám, lực lượng xử lý vi phạm giao thông có thể dùng biện pháp “phạt nguội” đối với những người vi phạm giao thông rồi bỏ chạy. Cảnh sát có thể quay camera biển số xe để xử phạt sau.
Cảnh sát 113 được phạt những lỗi gì? Khoản 3, điều 70, nghị định 46 năm 2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có liệt kê hơn 100 lỗi vi phạm mà cảnh sát 113 được quyền xử phạt. Một số lỗi thường gặp như: không đội mũ bảo hiểm; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; điều khiển xe trong tình trạng say xỉn, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ; vượt đèn đỏ; đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều… |
Việc truy đuổi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định Cảnh sát 113 phát hiện truy đuổi người vi phạm giao thông (như lỗi không đội mũ bảo hiểm) bỏ chạy là phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình truy đuổi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sử dụng các loại công cụ hỗ trợ và phải đảm bảo an toàn giao thông để không xảy ra tai nạn cho các phương tiện khác. “Nếu do truy đuổi xảy ra tai nạn khiến đối tượng bị chết thì phải căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan xác định nguyên nhân, yếu tố lỗi để xử lý trách nhiệm tương ứng của cán bộ cảnh sát 113″ – một cán bộ Công an TP.HCM cho biết. |