Lạ kỳ ba người “siêu nhỏ” cùng huyện

Ba người này ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi. Điều kỳ lạ là cả ba đều là người đồng bào dân tộc thiểu số H’rê.

 

Lạ kỳ ba người “siêu nhỏ” cùng huyện

 Ba người này ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi. Điều kỳ lạ là cả ba đều là người đồng bào dân tộc thiểu số H’rê.

 

 

 

Lạ kỳ ba người “siêu nhỏ” cùng huyện
Cậu bé 8 tuổi siêu nhỏ Đinh Văn K’Rể – Ảnh: TRẦN MAI

Hàng triệu người mới có một người như thế này. Một cậu bé H’rê đã 8 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 3,5kg và cao 50cm. Một thiếu nữ người H’rê 20 tuổi nhưng chỉ cao 80cm…

Ba người H’rê tí hon

Cô gái nhỏ xíu này tên Đinh Thị Huyền (20 tuổi, xã Sơn Nham), nhìn như một đứa trẻ học mầm non. Ông Đinh Éo – cha Huyền – cho biết Huyền là con gái đầu lòng, ông không biết vì sao Huyền mãi không chịu lớn, trong khi em của Huyền đều lớn. Tính cách của Huyền cũng rất trẻ con. Cô thường xuyên tham gia các trò chơi của lũ trẻ trong làng. Người dân địa phương gọi Huyền là cô gái tí hon.

Ông Đinh Văn Bay, chủ tịch UBND xã Sơn Nham, cho biết Huyền là người nhỏ nhất từ trước đến nay tại xã này. Đã có nhiều đoàn kiểm tra y tế đến xã thăm khám và phát thuốc cho Huyền kèm nhiều vitamin mong cải thiện thể trạng, nhưng sáu năm qua Huyền vẫn giữ nguyên cân nặng 11kg và chiều cao 80cm.

Dù có chiều cao khiêm tốn nhưng Huyền tiếp thu và học như các bạn. Tốt nghiệp lớp 9 Huyền đủ điều kiện lên lớp 10 nhưng vì nhà xa, lại không biết đi xe đạp nên đành bỏ lỡ chuyện học. Cha mẹ Huyền cũng muốn cho con ở nhà để dễ bề chăm sóc.

Một cậu bé tí hon khác có thể trạng tương tự Huyền ở thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà). Đó là em Đinh Văn Khít, dù đã 11 tuổi nhưng chỉ cao 78cm và nặng 8kg.

Ông Đinh K’Tênh – cha Khít – cho biết Khít ra đời chỉ nặng 800g, kể từ khi sinh ra Khít ăn uống rất ít, giữ mãi thể trạng siêu nhỏ của mình. Khác với Huyền, Khít không tiếp thu được bài vở, nhiều năm học mẫu giáo mà vẫn chưa… “tốt nghiệp”. Cậu bé khá nhút nhát, chỉ luẩn quẩn bên người thân và người dân trong làng.

“Có lần nó chui vào lu gạo ngủ, nhà tôi và người làng đi kiếm mãi không ra. Tưởng đâu cháu bị lạc đâu đó trong rừng, ai ngờ tối đến vợ tôi lấy gạo nấu cơm thì thấy nó ngủ ngon lành trong lu” – ông K’Tênh nói.

Với chiều cao và cân nặng siêu nhỏ thế nhưng Khít vẫn chưa phải là người giữ kỷ lục nhỏ nhất VN, người đang nắm giữ kỷ lục đó là cậu bé Đinh Văn K’Rể (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà), đã 8 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 3,5kg và cao 50cm. Hiện K’Rể đang theo học lớp 1 ở Trường tiểu học Sơn Ba và ở nội trú có thầy cô chăm sóc.

Ông Đinh Văn An – cha K’Rể – cho biết khi sinh ra em có thể trạng nhỏ hơn trẻ bình thường, khi lên 3 tuổi thì không lớn thêm nữa, mỗi ngày chỉ ăn vài thìa cơm. Ông An có một con trai sinh trước K’Rể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác cả về thể trạng lẫn trí tuệ.

Thầy Đặng Văn Cương, hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba, cho biết K’Rể tiếp thu nhanh những gì nghe nói, nhưng với con chữ thì còn rất khó khăn để có thể học tập như bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, K’Rể đã hòa nhập cộng đồng hơn khi tham gia các hoạt động ở trường với những bạn cùng trang lứa. K’Rể có thể vỗ tay và vẽ vời lung tung. “Lúc mới xuống trường cậu bé rất sợ người lạ, nhưng hiện nay đã vui vẻ hơn” – thầy Cương nói.

Mắc hội chứng người lùn đầu chim

Ông Nguyễn Tấn Đức, giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết trường hợp của K’Rể và Khít đã được ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi quan tâm suốt thời gian qua, thường xuyên bổ sung các vitamin và khoáng chất để giúp hai cháu nâng cao thể trạng và sức khoẻ. Ngành y tế Quảng Ngãi cũng đã nhờ nhiều chuyên gia của các trung tâm y tế lớn ở TP.HCM và Hà Nội thăm khám cho hai cháu. Theo các chuyên gia nhận định, cả hai em mắc hội chứng Setkel là hội chứng người lùn đầu chim.

Hội chứng người lùn đầu chim là dị tật bẩm sinh ở trẻ với các đặc trưng về hình dạng thấp bé, trọng lượng thấp, kích thước đầu nhỏ, não nhỏ, trán bị thụt vào, mắt to, tai đóng thấp, mũi nhô ra có hình như mỏ chim, cằm tương đối nhỏ. Đây là một bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18.

Ở VN, đến thời điểm hiện tại mới phát hiện 8 trường hợp mắc hội chứng người lùn đầu chim. Tuy nhiên, ở thể trạng trung bình 70 – 80cm thì chưa có trường hợp nào nhỏ bé như K’Rể. Riêng đối với trường hợp của Huyền (vừa phát hiện), các bác sĩ phải khám cụ thể tình trạng sức khoẻ.

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, có thể Huyền bị rối loạn nội tiết tố, thiếu nội tiết tố tăng trưởng, suy tuyến giáp trạng bẩm sinh… dẫn đến nhỏ bé.

“Sở Y tế sẽ cử đoàn thăm khám cũng như nhờ các chuyên gia kiểm tra tình trạng sức khoẻ của Huyền, xem có phải mắc hội chứng người lùn đầu chim hay không để có hướng điều trị cụ thể” – ông Đức nói.

Không liên quan cận huyết thống

Huyền, Khít và K’Rể đều là người H’rê và hiện nay ở Quảng Ngãi ngoài ba trường hợp tí hon là người H’rê này, không phát hiện thêm bất kỳ trường hợp “siêu nhỏ” nào tương tự.

Trong khi Huyền và Khít có cha mẹ không cận huyết thống thì cậu bé nhỏ nhất VN K’Rể có ông nội và ông ngoại là anh em chú bác ruột.

Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, những người tí hon như ba trường hợp kể trên từng gặp trên thế giới không liên quan đến huyết thống. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy quan hệ cận huyết thống sẽ sinh ra những người siêu nhỏ.

“Theo các chuyên gia, những đứa trẻ mắc hội chứng người lùn đầu chim ngoài chậm phát triển thể chất còn chậm phát triển tâm thần. Đây là bệnh lý hiếm gặp trên thế giới và hiện chưa có thuốc chữa”

Nguyễn Tấn Đức (giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi)

 
TRẦN MAI