15/11/2024

Nữ phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai

Phạm nhân nữ cải tạo tốt có thể được gặp chồng tại phòng riêng nhưng phải sử dụng biện pháp tránh thai, đồng thời có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

 

Nữ phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai

Phạm nhân nữ cải tạo tốt có thể được gặp chồng tại phòng riêng nhưng phải sử dụng biện pháp tránh thai, đồng thời có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.




Xe chở thân nhân thăm phạm nhân ở Trại giam Z30D (H.Hàm Tân, Bình Thuận)ẢNH: T.HIẾU

Quy định này được đánh giá là nhân văn, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề khi thực hiện.
Quy định trên ńằm trong dự thảo Thông tư “Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân”, vừa được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến đóng góp. Cụ thể, tại mục 3, điều 5 dự thảo thông tư này quy định: “Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng theo quy định phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp, có trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật… Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù”.
Muốn gặp phải cải tạo tốt
 
 
Nữ phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai - ảnh 1
Hồ sơ nữ phạm nhân phải được lựa chọn và xem xét rất kỹ trước khi cho gặp chồng trong phòng riêng. Chỉ những trường hợp cải tạo thật tốt, có thành tích… thì mới được xét, nên chủ yếu là phạm nhân và gia đình phải có sự chuẩn bị trước để không xảy ra vấn đề có thai
Nữ phạm nhân được gặp chồng nhưng phải tránh thai - ảnh 2
 
Đại tá Trần Hữu Thông, giám thị Trại giam Thủ Đức (Z30D) – Bộ Công an
 

Đại tá Trần Hữu Thông, giám thị Trại giam Thủ Đức (Z30D) – Bộ Công an, trại giam lớn nhất nước và hiện đang có hơn 1.300 phạm nhân nữ, đánh giá việc cho cả phạm nhân nam và nữ được thăm gặp vợ hoặc chồng nói lên sự bình đẳng giới, không phân biệt nam nữ. Quy định này cũng giúp cho phạm nhân phấn đấu, cải tạo tốt hơn. Tuy nhiên, hiện trại chưa có ràng buộc phạm nhân nữ phải dùng biện pháp tránh thai mà chủ yếu cam kết và phạm nhân, gia đình phải tự giác.

“Cũng cần nói thêm là hồ sơ nữ phạm nhân phải được lựa chọn và xem xét rất kỹ trước khi cho gặp chồng trong phòng riêng. Chỉ những trường hợp cải tạo thật tốt, có thành tích… thì mới được xét, nên chủ yếu là phạm nhân và gia đình phải có sự chuẩn bị trước để không xảy ra vấn đề có thai”, đại tá Thông nói.
Khẳng định từ trước nay ở Z30D chưa có trường hợp phạm nhân nữ sau khi thăm gặp chồng “dính” bầu, nhưng ông Thông cũng cho rằng “việc dự thảo quy định bắt buộc phải dùng biện pháp tránh thai (bao cao su, thuốc tránh thai…) là rất cần thiết và phù hợp với quy định quốc tế”.
Cần quy định cụ thể, rõ ràng
Về quy định này, bà Lê Thị Mai, Viện trưởng Viện KSND Q.Bình Tân (TP.HCM), cũng cho rằng đây là một chính sách pháp luật rất nhân văn, nhằm giải quyết được tâm sinh lý cho phạm nhân (và chồng, vợ của phạm nhân) mà không để lại các hệ luỵ đáng tiếc. Bởi thời gian trước kia từng có những trường hợp nữ phạm nhân lợi dụng chính sách này để cố tình có thai, nhằm thực hiện các ý đồ của mình, gây khó khăn cho cơ quan quản lý. “Để thực hiện việc này, các cơ quan nhà nước, các chuyên gia cũng cần phải nghiên cứu thêm để đưa ra các quy định về biện pháp tránh thai cụ thể hơn thì mới thực hiện được và phải có các biện pháp chế tài cần thiết nếu để xảy ra hậu quả”, bà Mai nói.
Đồng quan điểm, luật sư Cồ Lê Huy, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng ngoài tính nhân đạo, quy định này cũng phù hợp với chính sách pháp luật hình sự của nước ta, khuyến khích, động viên, cảm hóa người phạm tội để họ cảm thấy mình được tôn trọng và yên tâm cải tạo tốt. Tuy nhiên, khi áp dụng sẽ gặp phải một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức thực hiện tại các cơ sở giam giữ như cơ sở vật chất, các biện pháp chăm sóc y tế và tránh thai… mà dự thảo thấy chưa quy định rõ. “Biện pháp tránh thai nào cũng có tỷ lệ phần trăm nhất định và trên lý thuyết thì vẫn có thể xảy ra việc phạm nhân nữ mang thai trong thời điểm này. Vì thế, nên giao trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị y tế tại các cơ sở giam giữ để các đơn vị này căn cứ theo hồ sơ sức khỏe, sinh lý của nữ phạm nhân và tư vấn cho phạm nhân nữ để họ có biện pháp phòng ngừa hoặc lựa chọn thời điểm gặp chồng cho phù hợp”, luật sư Huy nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh các quy định để đảm bảo hiệu quả việc tránh thai, cũng cần quy định cụ thể trong trường hợp nữ phạm nhân mang thai sau khi được gặp chồng thì xử lý ra sao, kể cả với thai nhi và phạm nhân cũng như trại giam.
Một số quốc gia trên thế giới cho phép phạm nhân được gặp vợ/chồng trong phòng riêng và thậm chí còn cung cấp xà phòng, khăn tắm, bao cao su và chất bôi trơn… nhưng không bắt buộc áp dụng các biện pháp phòng tránh thai, vì hầu như tất cả phạm nhân đều không muốn có con trước khi mãn hạn tù. Tại Mỹ, các bang New York và California thậm chí cho phép tù nhân được người kết hôn đồng giới thăm tại phòng riêng. Anh chủ yếu cho phép phạm nhân sắp mãn hạn tù về thăm nhà để dễ tái hòa nhập. Năm ngoái, tòa án bang Punjab và Haryana của Ấn Độ cho phép phạm nhân gặp vợ/chồng tại phòng riêng nếu muốn có con nối dõi nhưng chưa có quy định cụ thể. Canada cũng cho phép thăm đến 72 giờ mỗi 2 tháng và một trường hợp hiếm hoi đã xảy ra vào tuần trước khi một phạm nhân nữ được xác định có thai 8 tháng với bạn trai, cũng là một phạm nhân ở trại giam khác, sau nhiều lần đến thăm. Một số nghị sĩ đã kêu gọi xem xét lại chính sách này, chủ yếu liên quan đến việc chăm sóc đứa trẻ sau khi sinh.
Khánh An


 

H.Nam – T.Hiếu – T.Thương