24/12/2024

Trở về từ sào huyệt cướp biển

Sống tạm bợ giữa sa mạc nắng nóng, nhất cử nhất động từ ăn ngủ đến vệ sinh đều bị kiểm soát dưới họng súng của những tên cướp biển Somalia. Đó là quãng thời gian hơn 1.350 ngày 3 thuyền viên VN đã phải trải qua trước khi trở về từ “cõi chết”.

 

Trở về từ sào huyệt cướp biển

Sống tạm bợ giữa sa mạc nắng nóng, nhất cử nhất động từ ăn ngủ đến vệ sinh đều bị kiểm soát dưới họng súng của những tên cướp biển Somalia. Đó là quãng thời gian hơn 1.350 ngày 3 thuyền viên VN đã phải trải qua trước khi trở về từ “cõi chết”.




Thuyền viên Nguyễn Văn Hạ gặp lại người thân sau hơn 4 năm xa cáchẢNH: THUÝ KIỀU

Vừa bước xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) chiều qua 25.10, 3 thuyền viên cùng 35 tuổi là Phan Xuân Phương (Nghệ An), Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Hạ (cùng quê Hà Tĩnh) bất ngờ trước sự chào đón của gia đình, người thân và báo chí. Tuy nhiên, do đã thấm mệt sau chuyến bay dài nên các thuyền viên muốn nhanh chóng lên xe của Chi nhánh xuất khẩu lao động Vinamotor để về.
Đến nhà mới tin mình thoát chết
Sau khi đến khám tại Bệnh viện đa khoa Tràng An và biết sức khỏe ổn định, các thuyền viên mới an tâm tiếp xúc mọi người.
Theo lời kể của anh Hạ, tháng 4.2011, anh cùng Phương và Xuân được Tổng công ty Vinamotor đưa đi làm việc trên tàu đánh cá xa bờ hiệu Naham 3, theo hợp đồng cung ứng lao động ký với Công ty HH quốc tế Hiệp Ức (Đài Loan), mức lương 300 USD/tháng. Tháng 3.2012, khi đang đánh bắt trên biển Ấn Độ Dương, tàu cá Naham 3 bị cướp biển Somalia bắt giữ. Anh Hạ nhớ lại: “Hàng chục tên cướp súng lăm lăm trong tay nhảy lên tàu khiến mọi người đều sợ hãi tìm chỗ ẩn nấp, nhưng rồi đều bị bắt. Thuyền trưởng định trốn liền bị chúng rượt theo bắn chết. Chúng dùng súng uy hiếp tinh thần khiến chúng tôi ai cũng khiếp sợ”.
Sau khi cướp tàu, bọn hải tặc đưa các thuyền viên về “căn cứ” là một hoang mạc giữa biển khơi, cắt cử người canh gác chặt chẽ. Từ đây, những tháng ngày sống trong sợ hãi bắt đầu. Anh Phương kể: “Tàu của mình có 28 thuỷ thủ, còn bọn cướp lúc đó khoảng 30 – 40 người, có lúc lên đến hơn 100 người, chúng thay nhau canh gác. Những ngày sau đó, chúng bắt đầu đánh vào tâm lý sợ hãi của mọi người. Bọn hải tặc gí họng súng vào đầu, ép chúng tôi phải gọi điện thoại về nhà, thúc giục gia đình gọi điện báo công ty gửi tiền chuộc 60.000 USD. Nếu không, chỉ sau 1 tuần sẽ bị bọn chúng giết chết. Số phận của chúng tôi lúc đó treo trên họng súng, không biết sống chết hồi nào”.
Không chỉ bị khủng bố về mặt tinh thần, cuộc sống của các thuỷ thủ trên sa mạc đầy khó khăn, khắc nghiệt. Anh Hạ kể: “Ban ngày thời tiết nắng nóng còn hơn gió Lào. Ban đêm lạnh cóng. Ở sa mạc không có nhà, chỉ có vài lùm cây nhỏ, chúng tôi dựng bạt tạm bợ, nằm trên cát. Ăn ngủ trước họng súng, thậm chí đi vệ sinh cũng bị giám sát dưới họng súng. Chúng tôi phải tự kiếm thức ăn, kiếm củi, tự đi lấy nước về uống. Thỉnh thoảng bọn cướp lại di chuyển chỗ ở để tránh bị phát hiện. Giữa sa mạc mênh mông mình muốn trốn cũng không biết trốn chỗ nào”.
Còn theo lời anh Phương, trong suốt hơn 4 năm, các anh chưa có một bữa no. “Mỗi ngày chúng tôi chỉ được 1 bữa cơm, còn lại ăn bánh sắn giống hệt bánh đa của VN. Muốn nấu ăn phải tự đi kiếm củi. Trước khi đi xuất khẩu lao động, tôi hơn 60 kg, giờ còn chưa đến 50 kg”, anh Phương nói.
Nhưng điều may mắn đến với họ là đã trở về nhà an toàn. Bởi cuộc sống khắc nghiệt nơi sa mạc, bệnh tật đã cướp đi sinh mạng 2 thủy thủ. Nhiều người còn mắc bệnh tật đang phải chữa trị.
Sẽ hỗ trợ các thuyền viên
Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết sau khi nhận được thông tin 3 thuyền viên VN bị hải tặc Somalia bắt giữ cùng 25 thuyền viên nước ngoài, Cục đã phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Văn phòng kinh tế – văn hoá VN tại Đài Bắc yêu cầu chủ tàu có biện pháp tích cực thương lượng với hải tặc để giải cứu các thuyền viên VN.
Cục cũng đã yêu cầu Vinamotor phải làm việc với công ty môi giới và chủ sử dụng thuyền viên thanh toán lương, các chế độ bảo hiểm, chi phí hỗ trợ lao động trong thời gian thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt giữ và chi phí đưa 3 thuyền viên về nước.
Cũng trong hôm qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm việc với đại diện Tổng công ty Vinamotor về phương án hỗ trợ 3 thuyền viên. Trả lời Thanh Niên, ông Trần Hữu Hưng, Phó tổng giám đốc Vinamotor, cho biết công ty đã gửi tiền mua vé cho người lao động về nước; đồng thời có kế hoạch hỗ trợ, giải quyết các chế độ cho người lao động.
Một đại diện Vinamotor cho hay trong quá trình đàm phán, chủ tàu vẫn gửi 1.600 USD/tháng cho hải tặc để nuôi toàn bộ thuỷ thủ đoàn và vẫn trả lương cho các lao động đến hết tháng 3.2013. “Tổng công ty Vinamotor đã chuyển 5.000 USD đến Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân VN để Đại sứ quán VN tại Tanzania mua vé máy bay cho 3 thuyền viên về nước. Từ năm 2013 đến nay, Vinamotor đã thăm hỏi hỗ trợ gia đình thuyền viên 15 triệu đồng/gia đình, đã thanh toán tiền đặt cọc chống trốn cho gia đình lao động cả gốc và lãi vào tháng 5.2013”, đại diện tổng công ty cho hay. Cũng theo vị đại diện này, ngoài đưa đón lao động về quê, khám sức khoẻ, tâm lý, người lao động sẽ được nhận khoản hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Ngày 26.3.2012, tàu Naham 3 bị hải tặc Somalia bắt giữ tại quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương), trên tàu có 3 thuyền viên VN cùng 25 thuyền viên các nước Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia. Sau hơn 4 năm rưỡi, các thuyền viên đã được thả sau khi bọn cướp nhận được khoản tiền chuộc. Ngày 23.10.2016, đại diện Đại sứ quán VN tại Tanzania đã tới sân bay Kenyatta đón, động viên các thuyền viên VN.

 

Thu Hằng