14/01/2025

Nổ súng, 3 người chết do tranh chấp với công ty Long Sơn

Theo người dân, họ đã có đơn tố công ty Long Sơn phá hoại tài sản, đánh đập dân nhưng không được giải quyết. Bức xúc trên dẫn đến vụ nổ súng sáng 22-10 khiến 3 người chết, 19 bị thương.

 

Nổ súng, 3 người chết do tranh chấp với công ty Long Sơn

 Theo người dân, họ đã có đơn tố công ty Long Sơn phá hoại tài sản, đánh đập dân nhưng không được giải quyết. Bức xúc trên dẫn đến vụ nổ súng sáng 22-10 khiến 3 người chết, 19 bị thương.

 

 

 

Nổ súng, 3 người chết do tranh chấp với công ty Long Sơn
Vật dụng gồm khiên, gậy, dao thu được trong vụ đụng độ giữa bảo vệ Công ty Long Sơn với người dân xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông – Ảnh: TIẾN THÀNH

Chiều tối 24-10, đoàn công tác của Bộ Công an mới tiếp cận được hiện trường vụ nổ súng hoa cải làm 3 người chết, 18 người bị thương vào sáng 22-10 tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).

Cùng ngày, lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan tố tụng về vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Trong thông cáo báo chí chiều 24-10, UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định nguyên nhân xảy ra vụ án là do mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa người dân và Công ty Long Sơn.

Do tranh chấp đất

Ông Lê Văn Minh – bí thư Đảng uỷ xã Đắk Ngo – cho biết khu vực xảy ra vụ ẩu đả giữa người dân và Công ty Long Sơn, về đất đai do UBND xã Quảng Trực quản lý nhưng về nhân khẩu, hành chính thì do UBND xã Đắk Ngo đảm trách.

“Trước khi dự án tới thì có rất ít đất đã canh tác, phần lớn đất tranh chấp hiện nay là do phá rừng mà có” – ông Minh thông tin. Cũng theo ông Minh, hiện các diện tích đang có tranh chấp chiếm “gần như 100% dự án” của Công ty Long Sơn.

Một lãnh đạo địa phương cho biết khu vực nơi Công ty Long Sơn nhận dự án là đất đã qua nhiều lần đổi chủ, nhiều đơn vị từng làm từ nhiều năm trước. Đất đai nơi thực hiện dự án chỉ có một số ít là đất của dân đã canh tác từ trước khi có dự án, phần lớn đất phát sinh do phát rừng rẫy mà có.

Những người có liên quan đến việc tranh chấp đất đai hầu hết là dân từ những địa phương khác tới, rất ít người dân sống tại chỗ.

Theo lãnh đạo địa phương này, khi tiến hành các dự án, chính quyền và các công ty đã tổ chức đối thoại với người dân. “Người dân không chịu về giá đền bù, quyết giữ đất chứ không chịu hợp tác” – vị lãnh đạo này nói.

Còn nhiều khuất tất

Chị Vy Thị Vân (36 tuổi, có 5ha điều trồng khu vực này) cho biết gia đình chị đã vào khai hoang và trồng điều ở khu vực này 13 năm nay, không ai tranh chấp. Sau đó, Công ty Long Sơn nói được tỉnh cho thuê đất để làm dự án nên vào yêu cầu gia đình chị Vân giao đất.

“Gia đình tôi yêu cầu công ty phải bồi thường diện tích cây điều đã trồng, cho thu hoạch thì sẽ dọn đi. Thế nhưng phía công ty không bồi thường” – chị Vân phản ảnh.

Theo chị Vân, khu vực mà Công ty Long Sơn nói là đất dự án có khoảng 360 hộ dân đang sinh sống, trồng điều, cao su nhưng doanh nghiệp này đòi thu hồi không đền bù đồng nào.

“Cứ nửa đêm, gà gáy là Công ty Long Sơn huy động hàng chục người với gậy gộc, dao rựa đi theo máy vào vườn nhà người dân để san ủi, phá bỏ cây điều. Khi bị phản ứng thì họ đánh đập người dân gây thương tích.

Người dân đã có đơn phản ảnh lên các cấp chính quyền, công an về việc Công ty Long Sơn phá hoại tài sản, đánh đập người dân nhưng không được giải quyết dứt điểm. Bức xúc vì bị giành đất, bị đánh đập, không ít lần người dân đã đánh trả” – chị Vân nói.

Trong đơn của tập thể người dân đang sinh sống trên tiểu khu 1535 (xã Đắk Ngo) ngày 25-9-2016 phản ảnh đã nhiều lần phía Công ty Long Sơn cho máy móc vào ủi vườn điều, cà phê… đang trong giai đoạn cho thu hoạch của người dân mà không đền bù, đường đi lại của người dân cũng bị múc lên gây nguy hiểm cho người dân qua lại.

Người của Công ty Long Sơn còn đánh đập một người dân gây thương tích.

Chiều 24-10, trả lời PV Tuổi Trẻ, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu – đại diện Công ty TNHH Long Sơn – cho biết công ty được UBND tỉnh Đắk Nông giao tổng cộng 1.079ha để thực hiện dự án nông lâm kết hợp từ tháng 4-2006.

Trong quá trình giao đất thì có hơn 200 mẫu trên bản đồ là thuộc diện bồi thường, đây là những diện tích người dân đã canh tác trước đó.

Ông Sửu cho biết khi bắt tay vào thực hiện dự án, công ty đã ra thông báo họp với dân để bàn phương án bồi thường nhưng người dân không hợp tác. Cho đến nay diện tích thuộc diện bồi thường này công ty “chưa đụng tới”.

Theo ông Sửu, công ty chỉ tác động vào những vùng đất không thuộc diện hỗ trợ, diện tích này được xác định là đất rừng, do người dân phát rồi canh tác, được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho công ty.

“Chúng tôi có bản đồ, có kết quả kiểm tra thực địa, có đầy đủ biên bản đối thoại với dân. Còn diện tích đất mà chúng tôi san ủi sáng xảy ra sự việc là đất rừng do dân xâm canh” – ông Sửu nói.

Về thông tin người dân cho rằng “Công ty Long Sơn đưa xã hội đen, đầu gấu vào để giải quyết tranh chấp với dân”, ông Sửu nói: “Nếu chúng tôi mà đưa xã hội đen, rồi đầu gấu vào thì sáng hôm xảy ra vụ việc liệu người của chúng tôi có bị như thế không?”.

Sẽ khởi tố vụ án

Ông Tạ Đình Đề – phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông – cho biết các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông sẽ khởi tố vụ án. Hiện Công an tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục triển khai lực lượng để truy bắt những người gây án.

Cơ quan công an cũng đã tạm giữ hình sự ông Hoàng Văn Thắng (51 tuổi), nghi can trong vụ bắn chết người. Ông Thắng là người có vườn điều bị san ủi.

Khi bị bắt, ông Thắng đang lẩn trốn tại khu rừng giáp ranh giữa xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước với xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Theo cơ quan điều tra, đã xác định có 4 nghi can trực tiếp cầm súng hoa cải bắn vào các công nhân. Đến tối cùng ngày, công an hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước vẫn tiếp tục truy bắt các nghi can còn lại.


TRUNG TÂN – THÁI BÁ DŨNG – BÙI LIÊM