16/11/2024

Sửa luật, có nên vội vàng?

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 đang được tiến hành cho kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp đang diễn ra.

 

Sửa luật, có nên vội vàng?

 Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 đang được tiến hành cho kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp đang diễn ra. 

 

 

 

Sửa luật, có nên vội vàng?

Rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo nếu việc sửa luật được tiến hành gấp rút như hiện nay, sai sót lặp lại là điều khó tránh khỏi.

“Tham gia lĩnh vực hình sự hơn 30 năm, tôi thấy rằng với những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của Bộ luật hình sự (BLHS) 2015, Quốc hội cần cho ý kiến tại hai, ba, thậm chí bốn kỳ họp nữa, chứ đừng nói sẽ thông qua ngay trong kỳ họp này” – trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Tòa án Quân sự trung ương) cảnh báo.

Sửa đổi gấp gáp

Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về phạm vi sửa đổi, bổ sung bộ luật. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng trong bối cảnh “nước rút” như hiện nay, việc sửa đổi chỉ nên dừng lại ở những điều khoản cần thiết.

Cụ thể, chỉ cần khắc phục những sai sót về mặt kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trên thực tế của BLHS. Đối với những nội dung lớn khác thì chưa nên sửa đổi lần này, mà cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án sửa đổi trong thời gian tới.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên quá lệ thuộc vào thời hạn trình dự án luật này mà hạn chế phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS.

Bởi tinh thần chung là việc sửa đổi bộ luật cần phải tiến hành triệt để, toàn diện. Ngoài những nội dung sai sót đã được phát hiện thì cần rà soát và có phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

“BLHS năm 1999 như một chiếc áo cũ, không hợp thời trang nhưng sử dụng vẫn vừa. Còn hơn việc chúng ta chê áo cũ rồi vội vàng may sắm một chiếc áo mới cho hợp thời.

Mặc dù biết chiếc áo mới còn bị thừa chỗ này, thiếu chỗ kia nhưng chúng ta vẫn sử dụng rồi vài năm nữa lại đem ra sửa lại” – bà Vũ Thị Thuý, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, ví von.

Tại báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết hồ sơ dự án luật được gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan phối hợp thẩm tra quá gấp, nên chưa đủ thời gian để các cơ quan này nghiên cứu sâu.

Các đại biểu Quốc hội cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và đóng góp ý kiến cho dự án luật.

“Chúng ta cần rút kinh nghiệm về nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của BLHS 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. Việc xin ý kiến nhân dân, tiếp thu, chỉnh lý dự án chỉ được thực hiện trong 6 tháng.

Trong khi đó BLHS năm 1999 được Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều lần trong thời gian dài sau 7 năm chuẩn bị. Nếu lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện trong điều kiện gấp gáp về thời gian thì rất khó đảm bảo chất lượng” – báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết.

Chậm mà chắc

Theo trung tướng Trần Văn Độ, BLHS 2015 có nhiều chính sách rất tốt, kỹ thuật lập pháp thay đổi.

“Tuy nhiên, bộ luật đang vướng mắc rất lớn về mặt kỹ thuật, không đảm bảo tính thống nhất, tính logic. Những sai sót này phải có thời gian chỉnh lý, rà soát cho phù hợp. Xây dựng, sửa đổi luật cần làm cẩn trọng, tỉ mỉ để bộ luật có tuổi thọ dài lâu. Trước mắt, những tình tiết nào có lợi cho người phạm tội tại các luật mới thì nên được áp dụng” – trung tướng Trần Văn Độ đề xuất.

Đồng tình với tướng Độ, bà Trần Thị Như Phương – trưởng ban chính sách pháp luật Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM – đưa ra cảnh báo: “Quốc hội nên xem xét việc thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS ở thời điểm này bởi dục tốc bất đạt.

Tất cả đều phải làm theo quy trình, nhưng cần rà soát các điều khoản sai sót của bộ luật hết sức cẩn thận. Phải đối chiếu BLHS 2015 với quy định của các bộ luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung toàn diện. Làm sao để luật ban hành phải đi vào cuộc sống”.

Theo ông Chu Thành Quang – vụ trưởng Vụ pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao, đa số chuyên gia hình sự đều mong muốn việc sửa đổi BLHS phải được tiến hành cẩn trọng, không bị áp lực về thời gian.

Tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết còn rất nhiều vấn đề của BLHS cần được tiếp tục rà soát để đảm bảo thận trọng, tránh việc sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn sai sót.

Trên cơ sở đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và đến 
kỳ họp thứ 3 mới thông qua.

4 lý do cần cân nhắc

“Có 4 lý do tôi cho rằng không nên thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Thứ nhất, BLHS là đạo luật cơ bản, có vai trò rất quan trọng, trực tiếp liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, liên quan đến các quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, BLHS có nhiều nội dung mới cần cân nhắc kỹ, kể cả tính khả thi (như trách nhiệm hình sự của pháp nhân).

Thứ ba, BLHS hiện hành nhìn chung vẫn sử dụng được, nếu có vướng mắc thì giao cho tòa án ban hành án lệ, ban hành nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Thứ tư, dự án luật cần được xem xét cho ý kiến tại ít nhất 2 kỳ họp và rút ngắn thời gian chờ có hiệu lực (không nhất thiết phải trong 6 tháng như thông lệ, mà rút xuống còn 3 tháng hoặc ngắn hơn” – ông Chu Thành Quang nói.

Có 141 điều của BLHS được sửa đổi, bổ sung, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung và 1 điều luật bị bãi bỏ.

TÂM LỤA , [email protected]