25/12/2024

Khó xử lý quảng cáo “bẩn” trên mạng

Các trang web hướng dẫn cách viết văn, giải toán, học tiếng Anh… cho học sinh nhưng lại chèn quảng cáo có hình ảnh và nội dung phản cảm, hoặc không phù hợp gây bức xúc cho phụ huynh.

 

Khó xử lý quảng cáo “bẩn” trên mạng

Các trang web hướng dẫn cách viết văn, giải toán, học tiếng Anh… cho học sinh nhưng lại chèn quảng cáo có hình ảnh và nội dung phản cảm, hoặc không phù hợp gây bức xúc cho phụ huynh.

 

 

 

Khó xử lý quảng cáo “bẩn” trên mạng

Mặc dù Luật quảng cáo cấm hoàn toàn chuyện này, nhưng các quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm trong hoạt động quảng cáo chưa rõ ràng, thiên về định tính.

Điều này dẫn đến khó khăn trong cách hiểu và áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện việc quảng cáo và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Bài văn mẫu và… kem nở ngực

Chị Trần Vân Anh (TP.HCM) phản ảnh cách đây vài ngày, chị lên mạng tìm bài văn mẫu lớp 5 tả ngôi trường. Sau khi công cụ tìm kiếm hiện lên trang kenhvan…, chị truy cập và tìm thấy bài văn mẫu có tên “Bài văn tả ngôi trường em đang học lớp 5”.

Chưa kịp mừng vì đã có bài văn mẫu cho con trai tham khảo, chị giật mình khi ngay dưới tựa đề bài văn là 6 biểu tượng quảng cáo, trong đó có 3 biểu tượng quảng cáo cách tăng vòng 1, cách giảm cân với ảnh động về vòng 1 “khủng” hoặc phụ nữ ăn mặc hở hang.

Bấm vào các biểu tượng này, trang quảng cáo hiện lên với lời mời chào mua kem làm nở ngực và minh họa bằng những hình ảnh phản cảm. Các biểu tượng quảng cáo này không chỉ ở đầu trang mà cả ở góc phải, cuối trang.

Với các bài văn khác từ lớp 3 đến lớp 12, trang này còn chèn quảng cáo trò chơi điện tử trực tuyến, chỉ cần một cú bấm chuột sẽ dẫn qua trang trò chơi.

Chị Vân Anh bức xúc: “Khi nhìn vào trang chủ thì thấy rất bình thường, nhưng click vào các bài văn mới choáng váng cả người.

Tuổi các em còn nhỏ, khi thấy như vậy sẽ gợi trí tò mò, không tập trung làm bài tập. Mà đâu phải lúc nào người lớn cũng ở bên cạnh để cảnh báo các em được”.

Không chỉ có trang văn mẫu, quảng cáo với nội dung nhạy cảm còn nhan nhản ở các trang chiếu phim, trang tin. Khi vào trang truyền hình…, bên cạnh màn hình chiếu phim, các biểu tượng quảng cáo những ứng dụng chat, hẹn hò trực tuyến với hình ảnh nhạy cảm liên tục hiện ra.

Tương tự, trang phim1… cũng xuất hiện các quảng cáo phim ảnh nhạy cảm… Có trang còn quảng cáo mời gọi cá độ bóng đá với nhiều ưu đãi hấp dẫn…

Luật cấm

Theo luật sư Lê Trung Phát, trường hợp trang kenhvan… đã vi phạm quy định tại điều 8 Luật quảng cáo, cấm những quảng cáo có nội dung tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

Điều 51 nghị định 158/2013 quy định mức xử phạt hành vi này là 30-40 triệu đồng. Đồng thời theo Luật quảng cáo, người phát hành quảng cáo phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc quản lý của mình.

Còn theo luật sư Trương Xuân Tám, nếu quản trị trang là người trực tiếp đưa những quảng cáo này lên hoặc ký hợp tác với bên thứ ba đồng ý cho người khác đưa những quảng cáo này thì vi phạm điều 8 Luật quảng cáo.

Ngoài ra, trang này còn có thể vi phạm điều 12 nghị định 181/2013 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo trước khi đăng.

Luật sư Phát cho rằng các quảng cáo trên trang web dành cho học sinh cần đảm bảo nội dung phù hợp với độ tuổi, mang tính giáo dục, tránh các quảng cáo nội dung bạo lực, đồi truỵ.

Đối với quảng cáo trò chơi điện tử trên mạng, phải tránh các quy định cấm tại điều 3 thông tư 24/2014.

Đó là những quảng cáo có nội dung rùng rợn, kích động bạo lực, khiêu dâm, trái đạo đức, vi phạm chủ quyền, kích động tự tử, sử dụng ma tuý, ngược đãi phụ nữ và trẻ em…

Với các trò chơi chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, chưa thông báo cung cấp dịch vụ thì không được quyền quảng cáo.

Cần quy định 
chặt chẽ hơn

Theo luật sư Tám, điều 11 Luật quảng cáo quy định về việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, nhưng đối với hình thức quảng cáo trực tuyến thì việc xử lý rất nan giải.

Những trang mạng có đăng ký đã khó giám sát, với những trang mạng không đăng ký thì việc giám sát càng khó khăn.

Theo luật sư Phát, quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm trong hoạt động quảng cáo còn chưa rõ ràng, các quy định thiên về định tính hơn là định lượng.

Điều này dẫn đến khó khăn trong cách hiểu và áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện việc quảng cáo và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng pháp luật hiện hành cần hoàn thiện khung pháp lý về quảng cáo thông qua các phương tiện điện tử, trang thông tin điện tử.

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần kiểm duyệt nội dung trước khi phối hợp với đơn vị sử dụng dịch vụ đưa dịch vụ quảng cáo lên các phương tiện thông tin điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần cương quyết đấu tranh loại trừ các trang web “bẩn”.

Theo luật sư Tám, điều 11 Luật quảng cáo và điều 51 nghị định 158/2013 đã quy định về việc xử phạt quảng cáo sai quy định, nhưng những quy định này chỉ có tính khả thi đối với quảng cáo trên báo giấy, biển quảng cáo ngoài trời, băngrôn, còn đối với quảng cáo trực tuyến rất khó áp dụng.

Trên thực tế, những hình thức quảng cáo đều được phát hành trên phương tiện truyền thông, nhưng đơn vị quản lý về nội dung quảng cáo lại thuộc về ngành văn hoá nên gây khó khăn trong việc phát hiện, điều chỉnh hoặc xử lý quảng cáo sai phạm.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ hơn với một số điều khoản trong Luật quảng cáo, nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Đồng thời cần chú ý tính nhân văn, lựa chọn những quảng cáo phù hợp đối với lứa tuổi học sinh dù những quảng cáo đó không sai phạm.

Có quyền kiện quảng cáo “bẩn”

Đối với những quảng cáo sai quy định, người tiếp nhận quảng cáo có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định tại điều 16 Luật quảng cáo.

Nếu những quảng cáo trên các trang web dẫn đến đường link của những trang có nội dung đồi trụy, người tiếp nhận quảng cáo cũng có quyền tố cáo theo điều 253 Bộ luật hình sự về việc truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ.

YẾN TRINH ([email protected])