VN nguy cơ có trẻ đầu nhỏ

VN có thể là quốc gia thứ hai ở châu Á ghi nhận trẻ đầu nhỏ do Zika. Sáng 17-10, Bộ Y tế đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch Zika.

 

VN nguy cơ có trẻ đầu nhỏ

VN có thể là quốc gia thứ hai ở châu Á ghi nhận trẻ đầu nhỏ do Zika. Sáng 17-10, Bộ Y tế đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch Zika.

 

 

 

VN nguy cơ có trẻ đầu nhỏ
Bé gái 4 tháng tuổi nghi ngờ mắc chứng đầu nhỏ do Zika – Ảnh: Bộ Y tế

Bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk với các biểu hiện điển hình của chứng đầu nhỏ liên quan đến Zika: vòng đầu nhỏ hơn hẳn bình thường, trán phẳng. Qua năm lần xét nghiệm bằng hai phương pháp tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy cả mẹ và bé đã nhiễm Zika trước đó.

Tại cuộc họp của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế sáng 17-10, Bộ Y tế đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch, đồng thời quyết định gửi mẫu bệnh phẩm của bé gái và mẹ đi Nhật Bản xét nghiệm lại. Nếu kết quả như năm lần xét nghiệm vừa rồi, đây có thể là bệnh nhi đầu nhỏ đầu tiên ở VN liên quan đến Zika, và VN sẽ là quốc gia thứ 2 ở châu Á ghi nhận chứng bệnh này, sau hai trẻ đầu nhỏ ở Thái Lan mới được công bố gần đây.

Dịch đã lưu hành tại VN

Theo ông Masaya Kato, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại VN, hiện VN được xếp vào nhóm quốc gia đã lưu hành dịch do virút Zika. Sau TP.HCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Trà Vinh, Bình Dương ghi nhận người nhiễm, nay đã có thêm tỉnh Đắk Lắk có bệnh nhân nghi ngờ mắc Zika. Qua giám sát trên 24.000 mẫu muỗi vằn tự nhiên tại Khánh Hoà, tỉ lệ muỗi mang virút Zika là xấp xỉ 0,3%, cao hơn cả tỉ lệ muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết (là căn bệnh rất phổ biến ở VN).

Ông Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay ngoài số lượng muỗi lớn đã được xét nghiệm tại Nha Trang, hiện các nhà khoa học đang tiến hành xét nghiệm tại khu vực phía Bắc, tuy nhiên các nghiên cứu trên phạm vi nhỏ đều cho thấy tỉ lệ muỗi tự nhiên mang virút Zika chỉ dưới 0,5%.

Việc virút Zika đã lưu hành trong tự nhiên cho thấy có nguy cơ mắc căn bệnh này bất kỳ lúc nào, nếu bị muỗi mang virút Zika đốt. Nguy hiểm sẽ tăng lên nếu người bị muỗi đốt là phụ nữ có thai hoặc dự định có thai.

Phụ nữ cần cảnh giác

Theo ông Masaya, không phải tất cả phụ nữ có thai nhiễm Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ đều sinh ra em bé bị chứng đầu nhỏ. Các khảo sát gần đây cho thấy tỉ lệ này ở mức 1-10%.

Ngoài Zika, ông Trần Danh Cường – phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chuyên gia về chẩn đoán trước sinh – cho rằng còn nhiều nguyên nhân có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sơ sinh, như mẹ nhiễm giang mai, rubella, bị ngừng tim đột ngột gây thiếu ôxy…

Tuy nhiên nếu chú ý ở khâu siêu âm thì có thể chẩn đoán chứng não bé trước khi sinh, nếu đo vòng đầu thai nhi trong hai tuần liên tiếp mà thấy vòng đầu không tăng.

Trường hợp đầu tiên nghi ngờ mắc chứng não bé liên quan đến Zika, và rất có thể còn có những trường hợp tương tự do thời gian qua dịch sốt xuất huyết hoành hành tại miền Trung, miền Nam VN và biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết rất giống với bệnh do virút Zika.

Nếu người nhiễm bệnh là phụ nữ đang có thai hoặc dự định có thai, nguy hiểm sẽ tăng lên. Chính vì vậy các chuyên gia đang rất lo lắng để hướng dẫn trường hợp nào cần khám sàng lọc xem có nguy cơ sinh ra bé mắc chứng đầu nhỏ hay không, dấu hiệu đặc hiệu nào cho thấy trẻ mắc chứng đầu nhỏ là do virút Zika để có thể chẩn đoán trước sinh…

Kiểm tra lại trẻ có vòng đầu nhỏ

Qua hình ảnh ngoại hình của bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk, các chuyên gia quốc tế đều nhận định đây là hình ảnh đặc trưng của các trường hợp đầu nhỏ liên quan đến Zika. Qua kiểm tra “rất thận trọng”, các chuyên gia xác định đã phát hiện kháng thể của virút Zika trong cả mẹ và bệnh nhi.

Phòng bệnh ra sao

Theo ông Trần Danh Cường, phòng bệnh quan trọng nhất là phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, xoa kem chống muỗi thường xuyên, nếu trong nhà, nơi làm việc có muỗi cần tiến hành phun và diệt muỗi. Theo Bộ Y tế, hiện đã có 73 quốc gia có bệnh nhân Zika, trong đó có VN. Hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại, nhưng phụ nữ có thai, dự định có thai không nên đi đến vùng dịch nếu không thật sự cần thiết.

LAN ANH