17/11/2024

Khi quyền nuôi con bị cướp

Nhiều vụ án ly hôn được toà tuyên quyền được nuôi con thuộc về người mẹ hoặc cha. Thế nhưng trên thực tế, nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhiều năm nhưng không thi hành được, dẫn đến bế tắc.

 

Khi quyền nuôi con bị cướp

Nhiều vụ án ly hôn được toà tuyên quyền được nuôi con thuộc về người mẹ hoặc cha. Thế nhưng trên thực tế, nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhiều năm nhưng không thi hành được, dẫn đến bế tắc.

 

 

 

Cướp quyền nuôi con

Theo chị Trần Thị Phương Thuỳ (35 tuổi, ngụ Giồng Trôm, Bến Tre), bản án phúc thẩm ngày 17-8-2015 của TAND tỉnh Bến Tre quyết định giữ nguyên bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm của Toà án huyện Giồng Trôm tuyên trước đó, buộc anh Đ.H.N. (chồng chị Thuỳ) giao con là cháu Đ.H.A. cho mẹ là chị Thùy chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh N. có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con 575.000 đồng/tháng.

Sự việc trước đó vào ngày 3-11-2014, anh N. đã bồng cháu A. đi đâu không rõ. “Án đã tuyên, dù tôi đã có đơn gửi đến Chi cục Thi hành án huyện Giồng Trôm, Cục Thi hành án tỉnh Bến Tre nhưng vẫn không có kết quả gì” – chị Thuỳ bức xúc.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tâm ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) cũng rối rắm không kém. Tháng 4-2015, chị và chồng là anh V.V.T. (ngụ Long An) ly hôn. TAND huyện Châu Thành quyết định quyền nuôi hai con thuộc về chị Tâm.

Theo chị Tâm, mới đây người nhà chồng chị Tâm chở hai cháu “về nội chơi” vài hôm nhưng đến nay họ vẫn chưa chịu trả, khiến việc học hành của hai con chị bị gián đoạn.

Cơ quan thi hành án 
“bó tay”?

Ông Nguyễn Văn Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Giồng Trôm, thừa nhận việc thi hành quyết định của toà án về quyền nuôi con cho chị Trần Thị Phương Thùy hiện đang gặp khó khăn. Cơ quan thi hành án đã mời anh N. đến làm việc nhưng anh này không đến.

Theo ông Thảo, do đối tượng của việc thi hành án là một cháu bé, nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ em.

“Theo quy định, nếu vận động không được thì sẽ xử phạt hành chính và ra thời hạn 5 ngày sau phải thực hiện bản án. Nếu vẫn không thực hiện thì sẽ thực hiện các biện pháp khác… Chúng tôi tiếp tục vận động người nhà anh N. giao con cho chị Thuỳ” – ông Thảo cho hay.

Trường hợp đòi lại con của chị Nguyễn Thị Tâm, Chi cục Thi hành án huyện Châu Thành cho rằng việc gia đình chồng chị Tâm bắt con là tình tiết phát sinh sau khi TAND huyện Châu Thành ra quyết định nên Chi cục thi hành án không có trách nhiệm phải thi hành.

Chị Tâm làm đơn nhờ Công an huyện Châu Thành can thiệp nhưng nơi này cho rằng việc gia đình chồng chị Tâm dẫn hai cháu về quê nội chơi rồi không chịu trả chứ không có dấu hiệu của tội phạm.

Luật sư Nguyễn Văn Triết cho rằng cách làm của Chi cục thi hành án lẫn Công an huyện Châu Thành là hơi cứng nhắc. Quyết định của TAND huyện Châu Thành đã nêu rõ “giao hai cháu cho chị Tâm tiếp tục nuôi dưỡng”.

Nếu gia đình chồng chị Tâm giành quyền nuôi con thì cơ quan thi hành án có quyền thực thi quyền hạn của mình.

Ngoài ra, việc người nhà chồng chị Tâm ngang nhiên đưa hai cháu nhỏ đi vẫn có thể quy kết tội danh bắt cóc trẻ em vì hành vi này trái với ý nguyện của người trực tiếp nuôi dưỡng là chị Tâm.

Khi bản án đã có hiệu lực, đã có đơn yêu cầu thi hành án và đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án không tự nguyện thi hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Khi người chồng không tự nguyện giao con cho vợ nuôi như án đã tuyên thì cơ quan thi hành án sẽ giải quyết theo quy định tại điều 120 Luật thi hành án dân sự.

Luật gia Nguyễn Thị Biết 
(giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia Bến Tre)

MẬU TRƯỜNG – THANH TÚ