Ngày 4.10, Cơ quan điều tra Công an Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam, hiện trú tại Hà Nội) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo điều 202, bộ luật Hình sự.
Vụ bé 9 tuổi bị tôn cứa cổ tử vong: Nỗi đau của gia đình cựu binh
Ngày 4.10, Cơ quan điều tra Công an Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam, hiện trú tại Hà Nội) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo điều 202, bộ luật Hình sự.
Như Thanh Niên đã thông tin, ông Thạch là người điều khiển xe xích lô chở tôn, dừng ở ven đường Tân Mai; bé trai Trần Minh Hoàng (9 tuổi, ở đường Tân Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) trong lúc chạy xe đạp đã va vào tấm tôn trên xích lô bị tử vong vào ngày 23.9.
Cơ quan CSĐT xác định, lỗi của lái xe xích lô là vô ý, nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, nên đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam để điều tra.
Tất cả những người điều khiển xe chở tôn, thép bằng xe 3 – 4 bánh đều biết rằng chở như vậy là phạm luật. Nhưng thực tế họ vẫn ‘chấp nhận’ nhận những chuyến hàng ‘hở trước lòi sau’ như vậy để… kiếm cơm.
Gia cảnh của người cựu binh
Tìm đến căn phòng trọ cấp 4 cũ kỹ nằm sâu trong ngõ 68 đường Tân Mai (nơi ông Thạch trọ để đi làm thuê), chúng tôi gặp bà Lê Thị Phương (49 tuổi, vợ ông Thạch, thường trú tại TP.Phủ Lý, Hà Nam). Chiều 23.9, nhận cuộc gọi từ Hà Nội của người em dâu thông báo tấm tôn trên xe của ông Thạch cứa vào cổ một cháu bé, gấp nhanh mấy bộ quần áo, bà Phương vội vã ra bắt xe khách lên Hà Nội để cùng chồng và người thân lo việc.
“Nghe tin, tôi lo lắng quá không kịp báo cho ai. Khi lên xe khách để ra Hà Nội, tôi mới gọi điện thông báo cho 2 con về sự việc đáng tiếc của ông nhà. Lên đến nơi, tôi sang thăm hỏi gia đình cháu bé bị nạn, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình cháu”, bà Phương kể. Lúc bà Phương lên tới phòng trọ ở Hà Nội, ông Thạch đã đến cơ quan công an để làm việc.
Ông Thạch từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) từ năm 1984 – 1986 tại Sư đoàn 356. Theo bà Phương, ông Thạch rời chiến trường Vị Xuyên vào năm 1986, rồi kết duyên với bà. Do hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn bám trụ ở Hà Nội đi làm mướn, còn bà Phương khăn gói về quê làm ruộng, chăm 2 con.
VIDEO: CSGT xử phạt xe ‘tử thần’ trên phố, bỏ tôn thiếc xuống không cho chở tiếp
“Tôi về quê làm ruộng, chăm sóc 2 con, ông Thạch ở trên này (Hà Nội – PV) làm thuê, chạy xích lô, bốc vác, hằng tháng cũng dành dụm được chút tiền gửi về cho vợ con”, bà kể.
Thương ông Thạch hay đau ốm, bà Phương nhiều lần muốn dọn lên Hà Nội ở cùng chồng, nhưng căn phòng trọ cấp 4 không đủ diện tích cho vợ chồng bà và 2 con. Hơn nữa, chuyện ăn học của các con ở thành phố cũng tốn kém hơn, bà Phương một mình cáng đáng công việc ở Hà Nam, tranh thủ khi vụ mùa đi qua, bà đóng gói gạo quê mang lên thăm ông Thạch. “Vết thương ở chân trái khi tham gia chiến trường của ông Thạch trái gió trở trời lại đau, may mắn ở Hà Nội còn có họ hàng nên thi thoảng tôi có nhờ sang thăm hỏi sức khoẻ chồng”, bà Phương cho biết.
Sau các vụ nạn nhân tử vong vì tôn cứa cổ, chiều 26.9, tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn các kỹ năng sơ cứu, cầm máu cho vết thương mạch máu.
“Bình Còng khổ lắm”
Tên thật là Đinh Ngọc Thạch, nhưng đồng đội của ông ở chiến trường Vị Xuyên vẫn gọi ông với cái tên thân thuộc là “Bình Còng”. “Bình Còng khổ lắm” là lời chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Thạch (59 tuổi, ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) – Trưởng ban Liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 356 ở chiến trường Vị Xuyên khi nói về hoàn cảnh của ông Đinh Ngọc Thạch với chúng tôi.
Khi hay tin về vụ việc của ông Thạch, đồng đội chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên đã tập hợp đến thăm hỏi gia đình ông, gia đình cháu bé gặp nạn để chia sẻ nỗi đau.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch nói: “Chúng tôi là những người trở về từ chiến trường cùng nhau, nhưng ông Bình Còng kém may mắn hơn những đồng đội khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chồng một nơi, vợ một nơi, hằng ngày ông ấy vẫn phải đạp xích lô, làm thuê ở chợ đầu mối để mưu sinh” và chia sẻ thêm, đồng đội đã từng quyên góp để ủng hộ ông Đinh Ngọc Thạch một chiếc xe máy phục vụ công việc hằng ngày nhưng ông từ chối do sức khỏe yếu không thể đi được xe máy.
“Chính vì vậy, Bình Còng vẫn gắn với chiếc xích lô cũ kỹ để mưu sinh gần khu vực chợ đầu mối phía nam hàng chục năm nay. Ai thuê gì chở nấy, gom góp lo cho cuộc sống”, ông Nguyễn Ngọc Thạch nghẹn ngào.
Nhận xét về người đồng đội, ông Nguyễn Ngọc Thạch nói: “Rời chiến trường, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông Bình Còng vẫn giữ nguyên chất lính. Trong mọi hoạt động của Ban Liên lạc Sư đoàn 356, Bình đều tham gia đầy đủ. Biết hoàn cảnh khó khăn, đồng đội ngỏ ý muốn chia sẻ, giúp đỡ nhưng Bình đều từ chối. Các khoản đóng góp của Ban Liên lạc mặc dù được xếp vào diện ưu tiên nhưng Bình đều lo đầy đủ, vì không muốn đồng đội phải bận tâm. Chính vì điều đó, mà anh em trong Ban Liên lạc rất khâm phục Bình”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), người hỗ trợ pháp lý cho ông Đinh Ngọc Thạch, cho biết ngày 4.10, phía gia đình bị hại đã đề nghị cơ quan công an không xử lý hình sự đối với ông Thạch. Công an Q.Hoàng Mai cũng đã mời gia đình cháu Trần Minh Hoàng và gia đình ông Đinh Ngọc Thạch lên thoả thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, hoà giải vụ việc. Gia đình bị hại đã chính thức đề nghị không xử lý hình sự. Phía gia đình ông Thạch cho biết sẽ nộp đơn xin bảo lãnh cho ông tại ngoại theo sự hướng dẫn của cơ quan điều tra.
Có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự
Trả lời Thanh Niên, một cán bộ kiểm sát phân tích, nếu ông Thạch bị khởi tố theo khoản 1 điều 202 bộ luật Hình sự 1999 thì theo Nghị quyết 109/2015 về việc thi hành bộ luật Hình sự 2015, áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội thì các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thạch.
“Cụ thể, khoản 3 điều 29 về miễn trách nhiệm hình sự bộ luật Hình sự 2015 nêu: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng… của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hoà giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”, ông này nói. Ngoài ra, trường hợp ông Thạch bị khởi tố theo khoản 2 trở về sau của điều luật, thì việc hoà giải và làm đơn bãi nại, xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị can là tình tiết xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông Thạch.