23/01/2025

Bảo hiểm y tế đỡ gánh nặng viện phí

Có những loại bệnh khi mắc phải, chi phí điều trị lên đến 500-600 triệu đồng. Nhiều người nhờ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nên không lo viện phí khi nhập viện.

 

Bảo hiểm y tế đỡ gánh nặng viện phí

 Có những loại bệnh khi mắc phải, chi phí điều trị lên đến 500-600 triệu đồng. Nhiều người nhờ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nên không lo viện phí khi nhập viện.

 

 

 

Bảo hiểm y tế đỡ gánh nặng viện phí
Nhân viên y tế kiểm tra sức khoẻ cho bà Nguyễn Thị Thanh trong lúc chờ có thẻ BHYT để xạ trị – Ảnh: L.TH.H.

Tuy nhiên vẫn còn không ít người vì nhiều lý do chưa tham gia BHYT, khi chẳng may mắc bệnh ngặt nghèo mới vội đi mua BHYT.

Không tiền chữa bệnh

Bà Nguyễn Thị Thanh, 55 tuổi, tạm trú TP.HCM, là một trong nhiều người rơi vào tình cảnh này vì không có thẻ BHYT.

Ngày 13-9, tại phòng 208 khoa nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bà Thanh vừa đau nhức một bên ngực, vừa thở dốc và ho liên tục vì chứng ung thư vú đã di căn ra nhiều nơi trong cơ thể. Căn bệnh làm bầu ngực bên phải của bà lở loét và dúm dó.

Khi kể về hoàn cảnh của mình, bà Thanh cứ nước mắt vòng quanh. Giọng mệt mỏi, ngắt quãng, bà cho biết vì hoàn cảnh riêng hơn 20 năm trước một mình từ Quảng Ngãi dắt díu bốn con thơ vào TP.HCM sinh sống.

Bà thuê nhà trọ ở và hằng ngày đi bán rau nhưng tiền chợ ngày nào xào hết ngày đó cho việc ăn uống, tiền nhà, tiền học cho con, tiền điện nước… Cách đây bốn năm, bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư vú nhưng vì không có tiền nên bà bỏ điều trị, về nhà kiếm lá thuốc nam uống.

Khi con cái trưởng thành và bắt đầu đi làm với đồng lương ít ỏi 2-3 triệu đồng/tháng thì cũng là lúc bệnh của bà phát nặng. Đầu tháng 9-2016 bà phải nhập viện vì không chịu nổi các cơn đau.

“Tôi có biết về BHYT nhưng vì thay đổi nơi trọ thường xuyên nên tôi không dám ra phường hỏi điều kiện mua BHYT thế nào. Bây giờ bệnh phát nặng, bác sĩ nói phải xạ trị cho khối u gom lại rồi mới mổ được.

Từ lúc nhập viện đến giờ, dù chưa mổ nhưng đã hết hơn 10 triệu đồng viện phí. Con tôi phải đi vay mượn khắp nơi để lo cho tôi. Bây giờ bị nặng mới thấy BHYT rất quan trọng, giúp cho mình có điều kiện chữa bệnh tốt hơn. Tôi vừa mới mua BHYT nên phải đợi có thẻ BHYT mới đi xạ trị được” – bà Thanh nghẹn ngào nói.

Tại khoa nội 2 Bệnh viện Ung bướu TP cũng có em Đoàn Văn Hoà, 16 tuổi, quê Bình Thuận, bị ung thư hạch nhưng không có thẻ BHYT.

Chỉ hơn một tháng đưa H đi lại khám bệnh và nằm viện điều trị, bà Hồ Thị Hương – mẹ em Hòa – đã phải vay mượn hơn 40 triệu đồng để trang trải viện phí.

“Tôi mới mua BHYT cho cả nhà hồi tháng 8-2016 nên hiện giờ chưa có thẻ” – bà Hương buồn rầu nói.

Theo bà Hương, tuy có biết quy định về BHYT hộ gia đình và nếu tham gia cả nhà sẽ được giảm tiền mua, nhưng vì mua cả nhà cùng lúc nên bà không có tiền mua. Không ngờ con bà lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, điều trị tốn kém.

Bệnh mới mua thì… vỡ quỹ!

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc người dân gặp khó khăn khi phải mua BHYT cho cả hộ gia đình, ông Cao Văn Sang – giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – nói nếu chỉ khi có bệnh rồi mới mua BHYT là đi ngược lại mục tiêu BHYT là người khoẻ mạnh lo cho người bệnh và quỹ BHYT sẽ vỡ vì tiền mua BHYT thấp nhưng tiền chi cho điều trị bệnh lại quá cao.

Theo ông Sang, thực tế tại TP.HCM cho thấy với BHYT tự nguyện trước đây và nay là BHYT hộ gia đình, quỹ này luôn bị âm do thu không đủ bù chi.

Lý giải về việc dù quỹ BHYT bị hụt ở nhóm đối tượng hộ gia đình nhưng không riêng TP.HCM mà cả nước vẫn kêu gọi người dân mua BHYT hộ gia đình, ông Sang nói là vì Chính phủ đã có chủ trương không bao cấp về khám chữa bệnh, giá viện phí sẽ tăng cao làm người dân gặp khó khi chữa bệnh.

Khi tham gia BHYT, nếu chẳng may đau ốm, BHYT sẽ đỡ gánh nặng viện phí cho người dân rất nhiều.

Minh chứng cho việc đỡ gánh nặng viện phí này, thống kê của Bảo hiểm xã hội TP cho thấy năm 2015 quỹ BHYT đã chi hơn 6,4 tỉ đồng viện phí chỉ cho… 25 bệnh nhân thuộc diện BHYT hộ gia đình.

Trong đó, người được quỹ BHYT thanh toán viện phí thấp nhất là 178 triệu đồng, người cao nhất 600 triệu đồng là bệnh nhân T.D.N. (30 tuổi) bị bệnh bạch cầu cấp (nhập viện ngày 18-3-2015 tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP và ra viện ngày 7-5-2015) có tổng chi phí điều trị lên tới 750 triệu đồng.

Tương tự, sáu tháng đầu năm 2016, quỹ BHYT thanh toán gần 5,2 tỉ đồng viện phí cho 28 bệnh nhân diện BHYT hộ gia đình. Những bệnh nhân có chi phí điều trị “khủng” thường là bị ung thư, nhiễm trùng máu, nhồi máu cơ tim, suy thận mãn, viêm phổi…

“Đợt tăng giá dịch vụ y tế lần 2 này chưa phải là đợt cuối, mà còn tăng thêm. Những năm tới, Nhà nước sẽ không bao cấp về trang thiết bị/khấu hao tài sản cố định, tiền lương gián tiếp và chi phí đào tạo, nghiên cứu.

Theo lộ trình, đến năm 2020, các khoản này được tính đúng, tính đủ và viện phí vẫn tiếp tục tăng mạnh. Viện phí tăng là xu hướng tất yếu vì thời gian qua Nhà nước còn bao cấp nhiều chi phí khám chữa bệnh cho người dân và tiền công của y bác sĩ hiện còn rất thấp.

Ngân sách nhà nước cũng không thể bao cấp mãi và lộ trình là chính người bệnh phải chi trả. Để người dân không lâm vào cảnh khó khăn, không có tiền chữa bệnh khi viện phí tăng nên Nhà nước mới vận động các gia đình tham gia BHYT để lấy chỗ dư từ nơi khác bù cho nhóm này.

Không có công ty bảo hiểm nào mời người dân tham gia để mình hết tiền, chỉ có Nhà nước mới mời người dân tham gia BHYT để chi tiền khám chữa bệnh cho người dân” – ông Sang phân tích.

Đừng để lâm vào cảnh khó khăn

Ông Sang cho biết thêm, theo lộ trình của liên bộ Y tế – Tài chính, tháng 11-2016 viện phí sẽ tăng lần 2 khoảng 20%. Nếu cộng mức tăng 30% viện phí đợt 1 hồi tháng 3 năm nay thì năm 2016 viện phí đã tăng bình quân 50% so với năm 2015, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến túi tiền người dân.

Nếu không tham gia BHYT, khi viện phí tăng, người dân chẳng may đau ốm sẽ lâm vào tình cảnh rất khó khăn, thậm chí không có tiền để chữa bệnh.

Khi tham gia BHYT hộ gia đình, người dân được giảm trừ mức đóng như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Với mức đóng này, chỉ cần đi khám bệnh một lần là người dân đã xài hết số tiền mình bỏ ra mua BHYT.

LÊ THANH HÀ ([email protected])