23/12/2024

​Mẹ, con và những khóc cười

Ở vùng quê nghèo của xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có câu chuyện cảm động về tình mẹ con.

 

​Mẹ, con và những khóc cười

 Ở vùng quê nghèo của xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có câu chuyện cảm động về tình mẹ con. 

 

 

 

​Mẹ, con và những khóc cười
Hai mẹ con bà Đào đang gặt lúa chét -Ảnh: MINH TÂM

Đó là người mẹ bệnh tâm thần vượt qua những cười khóc vô chừng, quần quật trên cánh đồng lo cho con ăn học. Ngược lại, đứa con cũng dốc sức học hành để chăm mẹ về sau… 

Hai mẹ con đó là bà Nguyễn Thị Đào, 50 tuổi, và Nguyễn Thị Kim Thùy, 18 tuổi…

Mẹ miệt mài trên những cánh đồng

Trời mưa lâm râm nhưng hai mẹ con bà Đào và Thuỳ vẫn khom người gặt trên cánh đồng lúa chét (lúa tái sinh để thay thế cho lúa vụ 3, năng suất thấp). Cả hai thoăn thoắt tay liềm, thỉnh thoảng họ đưa tay lau nước mưa trên mặt.

Bà Đào tâm sự: “Ruộng lúa chét này năng suất thấp, thuê người gặt lỗ tiền nhân công, nên chủ ruộng mới kêu cho mình”.

Gặt xong, cũng 12g trưa, hai mẹ con mỗi người chở một bao lúa chét trên mỗi chiếc xe đạp về nhà. Nói nhà thì hơi quá, đó là căn chòi được cất tạm bợ trên đất bờ xáng, nằm hun hút giữa đồng sâu không điện nước, đèn đóm.

Mẹ con bà Đào trải bao nilông đập từng nhánh lúa tuốt lấy hạt để phơi khô bán cho các hộ nuôi vịt.

Bà nhẩm tính: “Số lúa chét này bán được mấy chục ngàn đồng. Hôm nay mót máy được một ít, mấy hôm sau ráng kiếm nữa để lo cho con.

Năm nay là năm đầu tiên con xa nhà học tuốt bên Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ. Mọi chi phí rất tốn kém”. Nhìn cách lo xa rất chu đáo của bà, ít ai nghĩ rằng đây là người mẹ tâm thần khi tỉnh khi mê…

32 tuổi bà khát khao có mụn con. Thuỳ ra đời trong nỗi khát khao làm mẹ đến tột cùng của bà. Rồi bà và chồng chia tay, nhà đơn chiếc nhưng người mẹ vẫn ráng gồng gánh lo cho con.

Cứ vào mỗi mùa lúa đợi chủ ruộng thu hoạch xong là bà lặn lội đến từng cánh đồng nhặt nhạnh, mót từng bông lúa còn sót lại. Lúa ở đây một năm làm 3 vụ.

Mỗi vụ mót lúa kéo dài từ 10 ngày đến một tháng rưỡi. Trung bình mỗi ngày bà mót khoảng 10kg lúa. Lúa mót được bà phân ra, số xay thành gạo để dành 2 mẹ con ăn suốt năm. Mớ lúa ít ỏi còn lại đem bán, mua nước mắm, tương chao…

Hết mùa lúa bà xoay sang làm vườn, đi lượm khoai lang thuê. Cứ vậy, bà như con chim mẹ mải miết nhặt từng hạt thức ăn từ mảnh vườn này đến cánh đồng khác tha về đầy tổ cho chim con tung chân sáo đến trường.

Thương mẹ vất vả nên khi 7 tuổi Thuỳ lẽo đẽo theo mẹ đi mót lúa. Nhưng bà chỉ cho con phụ nửa buổi, còn lại dồn vào việc học bởi bà ý thức đó là con đường duy nhất thoát khỏi cảnh khốn khó.

Quanh năm mẹ con rau củ chấm tương, thỉnh thoảng bà mới mua thịt, cá để con có thêm tí chất bổ. Làm việc vất vả, ăn uống kham khổ khiến bà bị lao lực thường hay ngất xỉu.

Rồi cộng thêm nỗi lo không đủ sức nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, những điều đó tích tụ lâu ngày khiến người mẹ lâm vào căn bệnh rối loạn cảm xúc. Mỗi khi lên cơn, bà bỏ nhà đi lang thang hoặc nói những điều bi quan chán nản rồi khóc nức nở…

Con mơ ước thành dược sĩ

Phần Thuỳ, dẫu sống trong cảnh thiếu thốn, ăn uống kham khổ, đêm thắp đèn dầu học bài nhưng suốt 12 năm qua Thùy luôn giữ danh hiệu học sinh giỏi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, trúng tuyển cùng một lúc mấy trường nhưng Thuỳ chọn ngành dược của Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ.

Bởi từ ngày mẹ vướng phải căn bệnh rối loạn cảm xúc sống cuộc đời khóc cười vô chừng đó, Thuỳ mơ ước sẽ trở thành dược sĩ để có thể bào chế những viên thuốc chữa dứt bệnh cho mẹ.

Rồi Thuỳ nhớ lại, nhiều buổi chiều Thuỳ đi học về, thấy cửa nhà mở trống hoác, không thấy bóng mẹ đâu, Thuỳ cuống quýt chạy đi tìm, gặp mẹ đang ngồi khóc nức nở giữa cánh đồng. Thuỳ thấy thương mẹ vô cùng.

Rồi cũng có nhiều đêm Thuỳ đang học, mẹ trong mùng bỗng nhiên ngồi bật dậy, bảo Thuỳ nghỉ học, bởi học đến đâu cũng chẳng có tương lai, nói xong mẹ khóc hu hu…

Ánh sáng đèn dầu leo lét, in bóng mẹ gầy guộc trên vách. Thuỳ phải ngưng học, dỗ dành, động viên mẹ mà nước mắt Thuỳ chảy tràn ướt cả mặt.

Vì vậy đi học xa, những ngày cuối tuần là Thuỳ đều vù về thăm mẹ bởi sợ mẹ quạnh quẽ rồi lên cơn và cũng là để tiếp mẹ chuyện mưu sinh. Thùy thổ lộ: “Em quyết học đến nơi đến chốn bởi em không chỉ học cho em mà còn học cho mẹ…”.

MINH TÂM