23/01/2025

Công an Hà Nội nói nhà báo Quang Thế bị “gạt tay vào má”

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, đã trả lời báo chí như vậy về vụ hành hung nhà báo trên cầu Nhật Tân ngày 23-9.

 

Công an Hà Nội nói nhà báo Quang Thế bị “gạt tay vào má”

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, đã trả lời báo chí như vậy về vụ hành hung nhà báo trên cầu Nhật Tân ngày 23-9. 

 

 

 

Công an Hà Nội nói nhà báo Quang Thế bị “gạt tay vào má”
Hình ảnh ghi nhận nhà báo Quang Thế (áo trắng) bị hành hung khi đang tác nghiệp trên cầu Nhật Tân – Ảnh – M.C.

Chiều tối 29-9, trả lời báo chí, ông Ngọc cho biết Văn phòng Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã có kết luận ban đầu về vụ việc mà theo lời ông Ngọc là “xô xát” giữa chiến sĩ Công an thuộc đội hình sự Công an huyện Đông Anh với nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) trên cầu Nhật Tân ngày 23-9.

Kết luận này xác định người mặc áo đen có hành vi hành hung nhà báo Quang Thế trong clip mà một số phóng viên ghi lại được và đăng tải trên báo chí được xác định là Ngô Quang Hưng (23 tuổi, công tác tại đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh).

Gạt tay trúng má

Trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, cho rằng: “Khi lực lượng công an đang bảo vệ hiện trường, có cả lực lượng cảnh sát công khai, công an xã và trinh sát hoá trang cùng với các đơn vị làm nghiệp vụ để tổ chức các biện pháp theo chỉ đạo của cơ quan cảnh sát điều tra, có một số phóng viên tới hiện trường để tác nghiệp. Lúc bấy giờ nhà báo cũng không xuất trình được thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cần thiết theo yêu cầu của những người bảo vệ hiện trường.”

Công an Hà Nội nói nhà báo Quang Thế bị “gạt tay vào má”
Nhà báo Quang Thế (áo trắng) bị hành hung khi đang tác nghiệp trên cầu Nhật Tân – Ảnh: M.C.

Ông Ngọc nói: “Trong quá trình làm nhiệm vụ, do giải thích, yêu cầu không được, nên đồng chí Hưng và đồng chí Thuyên là cảnh sát hình sự của công an huyện Đông Anh đã có yêu cầu và trong quá trình yêu cầu hai bên có “xô xát”.

Ông Ngọc đưa ra thông tin rằng: “Đồng chí Hưng có dùng tay gạt trúng vào má nhà báo Quang Thế và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng vào nhà báo Quang Thế. Đồng chí Thuyên gạt tay vào một máy quay”.

Công an Hà Nội nói nhà báo Quang Thế bị “gạt tay vào má”
Sự việc trên cầu Nhật Tân được ghi nhận lại bằng hình ảnh – Ảnh: M.C.

Khiển trách chiến sĩ công an

Theo ông Ngọc, với những hành vi của CSHS Đông Anh, căn cứ vào quy tắc ứng xử của lực lượng công an nhân dân, Công an Hà Nội đã quyết định giao cho Ban chỉ huy Công an huyện Đông Anh cùng với phòng tổ chức cán bộ căn cứ vào các quy định cụ thể hiện hành của ngành công an, tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với chiến sĩ Công an Ngô Quang Hưng.

“Đối với Cảnh sát hình sự huyện Đông Anh tên Nguyễn Văn Thuyên do chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể đối với ai chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm”, ông Ngọc nói.

Xử phạt hành chính nhà báo

Trong khi đó, chiều tối ngày 29-9, Công an quận Tây Hồ đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu:

Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.

Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.

Nhà báo Quang Thế cho biết ông không đồng ý với nhiều nội dung trong quyết định xử phạt của Công an Hà Nội.

Clip nhiều phóng viên bị cản trở, đập máy quay khi tác nghiệp trên cầu Nhật Tân

Hoạt động nghiệp vụ theo Luật báo chí

Theo nhà báo Quang Thế tường trình với cơ quan, ông Thế đã trình bày với Công an quân Tây Hồ rằng trong các quyết định xử phạt hành chính ông chỉ đồng ý lỗi vi phạm để xe trên cầu, còn các lỗi khác ông hoàn toàn không chấp thuận lỗi vi phạm.

Ông Thế cho rằng mình hoạt động nghiệp vụ theo Luật báo chí và theo pháp luật Việt Nam.

Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ việc, chiều 23-9, ông Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã đến Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội để làm việc với lãnh đạo văn phòng xác minh thông tin nhà báo Quang Thế bị cán bộ, chiến sĩ Công an huyện hành hung, cản trở tác nghiệp.

Tại cuộc làm việc, ông Thắng đã thừa nhận một số cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng”. Ông Thắng thừa nhận đây là sự việc đáng tiếc và thay mặt đơn vị xin lỗi báo Tuổi Trẻ và xin lỗi cá nhân nhà báo Quang Thế.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn đọc và sự chỉ đạo của cơ quan, nhà báo Quang Thế đến cầu Nhật Tân tìm hiểu vụ việc một tài xế taxi nhảy từ trên cầu xuống đất tử vong.

Khi đến nơi nhà báo Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường. Rất nhiều người dân hiếu kỳ đứng trên cầu tìm hiểu, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc.

Nhà báo Quang Thế cho biết khi ông đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì có một cán bộ chiến sĩ Công an mặc cảnh phục ra ngăn cản không cho chụp. Sau đó nhà báo Quang Thế đi ra cách xa hiện trường và chụp ảnh thì cán bộ chiến sĩ đội CSHS Công an Đông Anh, mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung.

Ông Thế cho biết mình bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng. Rất nhiều người dân, đồng nghiệp các báo có mặt ở hiện trường đã chụp ảnh, ghi hình việc ông Quang Thế bị hành hung.

Sau khi vụ việc xảy ra ông Thế đã đến Công an xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (cơ quan Công an nhất nơi xảy ra vụ việc) để làm đơn trình báo toàn bộ việc mình bị hành hung khi đang tác nghiệp.

THÂN HOÀNG