Giáo lý viên là con người có ký ức về Thiên Chúa

“Khốn cho những ai sống thật an bình tại Sion, và những ai tưởng mình được an toàn… họ đang nằm trên những chiếc giường bằng ngà voi” (Am 6,1.4), họ ăn uống, họ tiêu khiển và không hề để tâm đến những vấn đề của người khác. Lời của Tiên tri Amos thật cứng cỏi, nhưng lại giúp chúng ta tránh được nguy cơ mà tất cả chúng ta đều liều mắc phải.

 Giáo lý viên là con người có ký ức về Thiên Chúa

Thánh lễ Ngày các Giáo lý viên trong Năm Đức Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXVI Thường Niên, 29/9/2013

 

Khốn cho những ai sống thật an bình tại Sion, và những ai tưởng mình được an toàn… họ đang nằm trên những chiếc giường bằng ngà voi” (Am 6,1.4), họ ăn uống, họ tiêu khiển và không hề để tâm đến những vấn đề của người khác. 

Lời của Tiên tri Amos thật cứng cỏi, nhưng lại giúp chúng ta tránh được nguy cơ mà tất cả chúng ta đều liều mắc phải. Vị sứ giả của Thiên Chúa tố cáo điều gì, ngài đặt điều gì dưới mắt của những người sống đương thời với ngài, và dưới cặp mắt của chúng ta ngày hôm nay? Nguy cơ vui thoả trong những tiện nghi, trong những cái trần tục trong đời sống và trong tâm hồn, nguy cơ xem cuộc sống sung túc là trọng tâm của cuộc đời chúng ta. Đây cũng chính là kinh nghiệm của người phú hộ trong Tin Mừng, ông ta ăn mặc xa hoa, và mỗi ngay đều tổ chức yến tiệc linh đình: ông cho đó là những điều quan trọng nhất. Còn người nghèo đang ngồi ngoài cửa nhà ông, và chẳng có gì để nuôi sống mình thì sao đây? Đây đâu có phải là việc của ông ta, nó chẳng liên quan gì đến ông cả. Nếu sự vật, tiền bạc, những cái trần tục trở nên trọng tâm của cuộc đời, thì chúng sẽ nắm bắt lấy chúng ta, chúng sẽ chiếm hữu chúng ta, và chúng ta sẽ đánh mất đi cả căn tính làm người của chúng ta: anh chị em hãy nghe kỹ, người giàu có trong Tin Mừng không hề có tên gọi, ông chỉ là “một tay phú hộ” không hơn không kém. Những cái vật chất, những gì ông có là gương mặt của ông, ngoài ra ông không còn gì khác.

Nhưng chúng ta hãy thử tự hỏi mình: Làm sao điều này có thể xảy ra được? Làm sao  con người, có lẽ cả chúng ta nữa, lại có thể rơi vào mối nguy hiểm khép chặt mình, đặt sự an toàn của mình trong những sự vật trần gian, để cuối cùng rồi chúng sẽ cướp đi gương mặt, gương mặt con người của chúng ta? Điều này xảy ra khi chúng ta đánh mất đi ký ức về Thiên Chúa. “Khốn cho những ai sống thật an bình tại Sion”, vị Tiên tri đã nói như thế. Nếu chúng ta không còn có ký ức về Thiên Chúa nữa, thì tất cả sẽ trở nên bẹp dẹt, tất cả sẽ quay về với cái tôi, về cuộc sống sung túc của tôi. Đời sống, thế giới, tha nhân, tất cả sẽ mất đi tính vững chắc của nó, chúng chẳng còn chút giá trị gì nữa, chúng sẽ bị giản lược vào một chiều kích duy nhất: có. Nếu chúng ta đánh mất đi ký ức về Thiên Chúa, thì chúng ta cũng sẽ đánh mất đi tính vững chắc của chúng ta, chúng ta sẽ chẳng còn gì nữa, chúng ta sẽ đánh mất đi gương mặt của chúng ta như tay phú hộ trong Phúc Âm! Ai chạy sau cái hư vô thì rồi cũng trở nên cái hư vô – như một vị đại Tiên tri khác là Giêrêmia đã nói (x. Gr 2, 5). Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, chứ không theo hình ảnh và giống các sự vật, các ngẫu tượng!

Như thế, khi nhìn anh chị em, tôi tự hỏi: giáo lý viên là ai? Đó người giữ gìn và nuôi dưỡng ký ức về Thiên Chúa, giữ gìn ký ức về Thiên Chúa trong tâm hồn mình và biết thức tỉnh ký ức này nơi những người khác. Thật đẹp biết bao khi ta nhớ lại Thiên Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria, khi đối diện với hành động kỳ diệu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, đã không hề nghĩ dến danh dự, đến uy thế, đến sự giàu sang của mình, Mẹ không hề khép kín trên chính mình, thì điều ấy thật đẹp biết bao. Mà trái lại, sau khi đã đón nhận lời Thiên thần truyền, và sau khi đã cưu mang Con Thiên Chúa, Mẹ đã làm gì? Mẹ đã ra đi, Mẹ đi đến nhà chị họ Élisabeth tuổi đã cao, cũng đã mang thai như Mẹ, để giúp đỡ chị họ, và trong cuộc gặp gỡ này, hành động đầu tiên của Mẹ là nhớ lại hành động của Thiên Chúa, nhớ lại sự trung thành của Thiên Chúa trong cuộc đời Mẹ, trong lịch sử dân tộc Mẹ, trong lịch sử của chúng ta: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… Ngài đã cúi xuống trên người tớ nữ hèn mọn của Ngài… Tình yêu của Ngài trải qua từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1, 46.48.50). Đức Maria đã hồi tưởng về Thiên Chúa.

Trong bài ca này của Đức Maria, cũng có sự hồi tưởng lại lịch sử cá nhân của Mẹ, lịch sử của Thiên Chúa với Mẹ, kinh nghiệm về đức tin của Mẹ. Và đối với mỗi người trong chúng ta, đối với mỗi Kitô hữu cũng thế: đức tin thật sự chứa đựng ký ức về lịch sử của Thiên Chúa với chúng ta, ký ức về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, là Đấng đầu tiên đã cất bước, là Đấng đã sáng tạo và cứu chuộc, là Đấng đã biến đổi chúng ta; đức tin là ký ức về Lời của Thiên Chúa đã sưởi ấm con tim, là ký ức về những hành động cứu độ của Ngài, mà qua đó, Ngài ban cho chúng ta sự sống, thanh luyện chúng ta, chăm sóc chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta. Giáo lý viên thực sự là một Kitô hữu dùng ký ức này để loan báo; không phải để cao rao mình, không phải để nói về mình, nhưng là để nói về Thiên Chúa, về tình yêu của Ngài, về lòng trung thành của Ngài. Nói và chuyển trao tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải, nghĩa là toàn thể giáo lý, không cắt bớt, cũng như không hề thêm thắt.

Thánh Phaolô dặn dò người môn đệ và cộng tác viên của mình đặc biệt một điều: Con hãy nhớ, con hãy nhớ Đức Giêsu Kitô, đã sống lại từ trong kẻ chết, Đấng mà Cha loan báo và chịu đau khổ (x. 2Tm 2,8-9). Nhưng vị Tông đồ có thể nói điều đó, bởi vì ngài là người đầu tiên, đã nhớ lại Đức Kitô, Đấng đã kêu gọi ngài khi ngài còn là người bách hại các Kitô hữu, đã tác động đến ngài và đã dùng Ân sủng của mình để biến đổi ngài.

Như thế, giáo lý viên là một Kitô hữu mang trong lòng mình ký ức về Thiên Chúa, là người đã để cho ký ức về Thiên Chúa hướng dẫn mình trong suốt cả cuộc đời, và là người biết đánh thức ký ức đó trong lòng người khác. Đó là lệnh truyền và làm cho chúng ta phải dấn thân suốt cả cuộc đời! Giáo lý viên là gì, nếu không phải là ký ức về Thiên Chúa, ký ức về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, do sự kiện Ngài trở nên gần gũi chúng ta trong Đức Kitô, hiện diện trong Lời của Người, trong các Bí tích, trong Giáo Hội của Người, trong tình yêu của Người? Các giáo lý viên thân mến, tôi xin hỏi anh chị em: chúng ta có phải là ký ức về Thiên Chúa không? Chúng ta có thực sự như những người lính canh thức tỉnh nơi người khác ký ức về Thiên Chúa, Đấng sưởi ấm con tim không?

“Khốn cho những ai sống thật bình thản tại Giêrusalem”, vị Tiên tri đã nói như thế. Đâu là con đường mà chúng ta phải đi để không phải là những con người sống “thật bình thản”, những con người đặt sự an toàn của mình vào trong con người mình, nhưng là những con người có ký ức về Thiên Chúa? Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô, vẫn trong thư gửi cho Timôtê, đã đưa ra một vài chỉ dẫn có thể ghi dấu con đường giáo lý viên đi, con đường của chúng ta: hướng đến công lý, đến đạo hạnh, đến đức tin, đến tình bác ái, đến sự kiên nhẫn, đến sự hiền dịu (x. 1Tm 6,11).

Giáo lý viên là một con người mang ký ức về Thiên Chúa, nếu giáo lý viên có một mối tương quan thường xuyên và sống động với Thiên Chúa và tha nhân; nếu giáo lý viên là một con người đức tin, một con người thật sự tin tưởng vào Thiên Chúa và đặt sự an toàn của mình vào Thiên Chúa; nếu giáo lý viên là một con người của tình bác ái, của tình yêu, xem mỗi người như người anh em của mình; nếu giáo lý viên là một con người “hypomoné”, một con người kiên nhẫn, bền chí, một con người biết đương đầu với những khó khăn, những thử thách, những thất bại, với niềm thanh thản và hy vọng trong Chúa; nếu giáo lý viên là một con người hiền lành, có khả năng thông cảm và thương xót.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta là những con người gìn giữ và nuôi dưỡng ký ức về Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, và biết đánh thức nó trong tâm hồn những người khác. Amen.