24/12/2024

Giả mạo trang web từ thiện lừa tiền nhà hảo tâm

Nhiều đối tượng xấu lợi dụng uy tín của các tổ chức từ thiện để tạo website “nhái”, giả mạo để trục lợi, lừa tiền các nhà hảo tâm.

 

Giả mạo trang web từ thiện lừa tiền nhà hảo tâm

Nhiều đối tượng xấu lợi dụng uy tín của các tổ chức từ thiện để tạo website “nhái”, giả mạo để trục lợi, lừa tiền các nhà hảo tâm.

 

 

 

Giả mạo trang web từ thiện lừa tiền nhà hảo tâm

Hành vi này khi bị phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với khung hình phạt cao nhất là chung thân.

Giả như thật

Quỹ từ thiện Tình thương TP.HCM (được biết đến với hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười 2.000 đồng) có website là tuthientinhthuong.org.

Vừa qua, chị Vũ Hồng Lý, điều phối viên của quỹ, phát hiện một website mang tên đồnglòng.vn. Trang web này sao chép logo, nội dung từ trang web của quỹ từ thiện Tình thương TP.HCM.

Tuy nhiên, thông tin tài khoản nhận tiền hỗ trợ của quỹ bị website giả mạo thay bằng một tài khoản khác do ông H.V.T. đứng tên. Ngoài ra, trang web “nhái” này còn kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tin nhắn SMS về tổng đài theo cú pháp PN CN 196 gửi 8785 (15.000 đồng/tin).

Chị Lý bức xúc cho rằng website giả mạo này sẽ khiến nhiều người nhầm lẫn và chuyển tiền vào tài khoản của ông H.V.T.. Như vậy, tiền từ nhà hảo tâm không đến được với người cần giúp đỡ, còn đối tượng xấu ngang nhiên trục lợi, gây mất uy tín của quỹ.

Quỹ từ thiện Tình thương TP.HCM đã làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nhờ giải quyết vụ việc. Cùng đó, quỹ đã viết bài cảnh báo trên website tuthientinhthuong.org để lưu ý các nhà hảo tâm.

Có dấu hiệu lừa đảo

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, hành vi tạo website “nhái”, việc giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm theo khoản 3, điều 12 Luật công nghệ thông tin năm 2006.

Mức xử phạt vi phạm này từ 20-30 triệu đồng, căn cứ theo nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Còn luật sư Lê Trung Phát cho rằng cá nhân, tổ chức lập trang web “nhái” trang thông tin của quỹ từ thiện Tình thương TP.HCM nhằm mục đích trục lợi từ nhà hảo tâm. Hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 139 của Bộ luật hình sự.

Luật sư Trạch cho biết tùy theo từng hành vi và mức độ vi phạm có thể bị xử phạt đến 20 năm tù hoặc chung thân.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử phạt thêm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo quy định tại điều 226 Bộ luật hình sự.

Một trong những yếu tố quan trọng để xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội là giá trị tài sản bị chiếm đoạt (trên 2 triệu đồng) và người bị hại là ai.

Luật sư Phát cho biết trường hợp trên chưa xác định được đối tượng lập trang web giả mạo đã nhận bao nhiêu tiền.

Nếu người nhận chứng minh mình không liên quan hành vi trên, lúc đó mới khởi tố đồng phạm là người viết, sao chép nội dung trên web, vì người này đã tạo ra công cụ gian dối thì người kia mới nhận được tiền.

Còn đối với tổng đài nhắn tin mà website giả mạo kêu gọi nhắn tin ủng hộ liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin giữa bên cung cấp dịch vụ và khách hàng của mình.

Do đó để xác định được tổng đài nhắn tin có chủ sở hữu là ai, cần phải có sự tham gia của cơ quan điều tra hoặc tòa án có thẩm quyền.

Lật mặt kẻ giả danh

Luật sư Phát tư vấn trong trường hợp này, bằng website chính thống của mình (tuthientinhthuong.org), quỹ từ thiện Tình thương TP.HCM nên viết bài trên trang web của mình kêu gọi những nhà hảo tâm đã chuyển tiền ủng hộ, giúp đỡ cho những trường hợp nào đề nghị phản hồi.

Từ đó quỹ sẽ đối chiếu với số người và tiền mình nhận được, số còn lại tức là đã chuyển cho website giả mạo. Sau đó, quỹ sẽ hỗ trợ nhà hảo tâm làm đơn tố cáo gửi công an để xác minh làm rõ, khởi tố vụ án với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các luật sư cho rằng làm từ thiện là điều đáng quý, nhưng mỗi người cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định chuyển tiền, nhất là bằng hình thức chuyển khoản.

Thường thì các tổ chức từ thiện, quỹ từ thiện nếu nhận đóng góp bằng chuyển khoản thì chủ tài khoản nhận tiền thường là tên của tổ chức đó, vì thế không nên chuyển tiền cho cá nhân.

Trường hợp thông tin được đăng trên các website thì mọi người nên nhìn bên dưới cùng của trang chủ, thường trang web chính thống lúc nào cũng có thông tin và đơn vị quản lý web, chủ web và giấy phép.

Những website có đủ thông tin này có nghĩa là người lập website sẽ có thông tin đăng ký rõ ràng để chịu trách nhiệm nội dung đăng và có thể liên hệ khi cần thiết.

Truy từ tài khoản kẻ giả danh

Luật sư Trạch cho rằng quỹ từ thiện Tình thương TP.HCM nên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền là Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM tiến hành điều tra, xác minh hoạt động của website giả mạo để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan này bằng những biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ có thể tiến hành xác minh số tiền đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc có thể đề nghị ngân hàng quản lý tài khoản thụ hưởng cung cấp danh sách giao dịch.

MINH PHƯỢNG ([email protected])