Khiếu nại tố cáo: đâu là điểm dừng?
Ngày 13-9, đoàn công tác của Ban Dân nguyện – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi giám sát về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại TP.HCM.
Khiếu nại tố cáo: đâu là điểm dừng?
Ngày 13-9, đoàn công tác của Ban Dân nguyện – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi giám sát về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại TP.HCM.
“Một khi người dân còn cảm thấy quyền và lợi ích chính đáng bị xâm phạm thì họ phải đi đòi, sao lại cấm?” – ông Đỗ Văn Đương đặt vấn đề – Ảnh: TỰ TRUNG |
Vấn đề có nên xác định đâu là giới hạn cuối cùng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các đại biểu mổ xẻ, tranh luận.
Quyền lợi bị xâm phạm, phải đi đòi, sao lại cấm?
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện UBND TP.HCM cho biết tình hình khiếu nại trong những năm gần đây diễn ra phức tạp, có lúc gay gắt. Số vụ khiếu nại đã giải quyết xong những năm trước, nay quay lại khiếu nại với số lượng lớn, đặc biệt là những vụ việc phức tạp tồn đọng kéo dài, tập trung nhiều người.
Ông Đỗ Văn Đương, phó Ban Dân nguyện, cho biết ông rất băn khoăn về vấn đề chấm dứt giải quyết khiếu nại với những vụ “tái tố, tái khiếu”. Theo ông Đương, đó là những vụ việc đã giải quyết qua đủ các trình tự, hết thẩm quyền nhưng dân vẫn còn đi kiện.
“Trong tố tụng tư pháp, ngoài sơ thẩm, phúc thẩm còn có giám đốc thẩm, tái thẩm. Còn giải quyết khiếu nại cho dân, cứ bảo đã giải quyết hết thẩm quyền rồi, giờ không giải quyết nữa liệu có hợp lý, nhất là trong trường hợp chính quyền có sai? Một khi người dân còn cảm thấy quyền và lợi ích chính đáng bị xâm phạm thì họ phải đi đòi, sao lại cấm?” – ông Đương đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, bày tỏ quan điểm: trong trường hợp người dân khiếu nại tố cáo đúng thì phải xác định rõ sai phạm nằm ở đâu, do năng lực cán bộ nhà nước, do thể chế hay do quy định của pháp luật chưa hợp lý, để từ đó điều chỉnh hoặc chế tài.
Ông Đương nói phải xử lý cho được cán bộ sai phạm, chỉ rõ địa chỉ sai phạm và xử lý nghiêm để làm gương.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ người thường xuyên tiếp xúc với người đi khiếu nại, tố cáo, ông Phạm Văn Hùng – trưởng Ban tiếp công dân TP.HCM – trần tình: “Có những vụ việc đã có kết luận của Chính phủ nhưng người dân vẫn tiếp tục ra trung ương khiếu nại. Các cơ quan trung ương lại có phiếu chuyển ngược trở về cho TP đề nghị giải quyết theo thẩm quyền. Người dân cứ thế cầm phiếu chuyển rồi đến chỗ chúng tôi la mắng. Nói thật chúng tôi mệt mỏi lắm”.
Từ thực tế đó, ông Hùng cho rằng cần có một điểm dừng trong giải quyết khiếu nại tố cáo.
Ông Trần Văn Sơn, Văn phòng Chính phủ, cũng đặt vấn đề về việc có nên xem xét lại những vụ việc đã có quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền cao nhất hay không, điểm dừng của khiếu nại cần xác định là ở đâu?
“Những vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền, chuyển hết các cấp rồi mà dân tiếp tục gửi đơn thì thật sự chúng tôi không biết chuyển đơn đi đâu” – ông Sơn nói.
Khuyến khích khởi kiện ra toà
Không ủng hộ việc giải quyết khiếu kiện triền miên không có điểm dừng, ông Phạm Văn Hùng đề xuất với những vụ việc có kết luận của Chính phủ rồi thì Thanh tra Chính phủ nên phối hợp cùng cán bộ địa phương giải thích cho người dân hiểu, tránh việc tiếp tục khiếu kiện dai dẳng.
Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Trương Lâm Danh cho rằng khi người dân còn cảm thấy chưa thỏa mãn thì việc giải thích, vận động, thuyết phục khó đem lại hiệu quả.
“Nhận đơn rồi cứ chuyển lòng vòng thì dân kêu là đúng. Có những hồ sơ khi đọc lại tôi thấy cách giải quyết đã đúng rồi nhưng dân vẫn chưa đồng tình thì rõ ràng chỉ còn cách khởi kiện ra tòa” – ông Danh nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thanh Hải – trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội – cho rằng: nếu đem vấn đề xác định điểm dừng trong khiếu nại tố cáo ra Quốc hội xin ý kiến thì rất khó thuyết phục đại biểu đồng tình về việc này.
“Hiến pháp đã quy định rất rõ về các quyền công dân. Chúng ta nói không còn căn cứ để giải quyết nhưng người dân cảm thấy vẫn còn cơ sở để khiếu nại thì rất khó đồng cảm với nhau” – bà Hải nhận định.
Do vậy, bà Hải đề nghị cần tăng cường thông tin cho người dân nắm được quy trình và có ý thức khởi kiện ra toà nếu không đồng ý các quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo khi chính quyền đã hết thẩm quyền giải quyết nhưng người dân còn thấy có căn cứ để xem xét lại.
TP.HCM coi trọng việc tiếp công dân Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu băn khoăn về chuyện liệu có nên đề xuất sửa quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tiếp dân cụ thể bao nhiêu buổi một tháng hay không, vì thực tế lãnh đạo các địa phương quá bận, không thể tiếp dân đủ số buổi quy định mà phải uỷ quyền cho cấp dưới. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: TP.HCM đánh giá công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo rất quan trọng. “Việc tiếp dân đối với tôi không quan trọng vấn đề thời gian mà làm sao giải quyết xong chuyện dân kiến nghị. Chính quyền TP luôn vận dụng các quy định pháp luật theo hướng có lợi cho dân” – ông Phong khẳng định. Theo ông Phong, không đợi đến lịch tiếp dân theo định kỳ mà chính quyền TP.HCM luôn chủ động lắng nghe để giải quyết các bức xúc của người dân thông qua đường dây nóng. Ngoài ra, tại các buổi tiếp xúc cử tri, những vấn đề nào người dân bức xúc nằm trong thẩm quyền, lãnh đạo TP.HCM đều chỉ đạo các sở ngành, quận huyện giải quyết ngay. |