23/01/2025

Ngày về làm lại cuộc đời

Trong số hơn 2.000 phạm nhân được tha tù trước hạn dịp 2.9 năm nay, ở trại giam lớn nhất nước Thủ Đức Z30D (Hàm Tân, Bình Thuận) có 125 người.

 

Ngày về làm lại cuộc đời

Trong số hơn 2.000 phạm nhân được tha tù trước hạn dịp 2.9 năm nay, ở trại giam lớn nhất nước Thủ Đức Z30D (Hàm Tân, Bình Thuận) có 125 người.




Các phạm nhân ở phân trại 1 (trại Z30D) làm thủ tục về nhà. /// Ảnh: Trung Hiếu

Các phạm nhân ở phân trại 1 (trại Z30D) làm thủ tục về nhà.ẢNH: TRUNG HIẾU


Tiếp xúc với PV Thanh Niên, hầu hết đều “mừng không ngủ được” và mong muốn trở về với gia đình.
Ngô Thế Anh Minh (24 tuổi, nhà ở Phan Thiết, Bình Thuận) là 1 trong 13 người vui nhất trong số gần 1.200 phạm nhân ở phân khu 1 của trại Z30D. Năm 19 tuổi, đang học năm nhất đại học, nghe bạn bè rủ rê, Minh đi bán ma tuý, bị bắt và lãnh án 7 năm tù. Nhờ cải tạo tốt, sau 3 lần được giảm án, dịp này Minh được ra tù sau thời gian 4 năm 8 tháng ở Z30D.
Minh kể từ đầu tháng 8.2016, khi hay tin mình có tên trong danh sách, ngay lập tức cậu báo tin về để ba mẹ ở Phan Thiết mừng. Gần 5 năm trong trại, hầu như tháng nào ba mẹ Minh cũng lên thăm và động viên con trai cố gắng cải tạo tốt. Nhắc tới ba mẹ, Minh giở cuốn album mà cậu quý như báu vật khi ở tù ra khoe: “Đây là ba mẹ em nè, đây là đứa em trai, hình này chụp sinh nhật em hồi nhỏ. Còn đây là anh trai kết nghĩa ở trong tù, anh em chơi rất thân với nhau. Mấy năm trong tù, mỗi lần nhớ gia đình, em lại giở album ra xem. Thấy mình có lỗi với ba mẹ nhiều quá”.
Dù nằm trong danh sách nhưng đến sáng 26.8, khi quản giáo xuống thông báo Minh mới tin điều đó là sự thật. Cậu chỉ kịp lóng ngóng chào tạm biệt vài bạn tù và cán bộ quản giáo rồi chạy nhanh ra cổng trại làm thủ tục ra tù. “Ai cũng hỏi tương lai em có dự tính gì? Chắc tháng đầu tiên về nhà ở gần ba mẹ cái đã. Rồi em sẽ đi học đầu bếp. Đây là nghề em có chút năng khiếu lại rất yêu thích”, Minh trả lời mà tay vừa mân mê cuốn album. Ngồi một lát, khi làm thủ tục xong, Minh cùng 12 người được giảm án lên xe của trại giam đưa ra cổng trại. Nơi đó, dù mới báo tin cho gia đình nhưng Minh tin chắc ba mẹ đang chờ để dang rộng vòng tay đón cậu vào lòng.
Cố gắng làm lại
Ở phân trại số 3 (Trại giam Z30D) có 25 phạm nhân được giảm án ra trại nên không khí ở đây rộn ràng hơn phân trại số 1. Hai mươi lăm khuôn mặt khác nhau đều nở nụ cười và cùng chung một niềm vui của ngày trở về. Mỗi người một tội danh: cố ý gây thương tích, mua bán trái phép chất ma tuý, môi giới mại dâm, cướp giật… nhưng sau một thời gian cải tạo, nhìn cách họ bận rộn với những túm quần áo, tất bật vào ra phòng nhận quyết định cho ngày trở về, cách nói cười với những cánh tay vẫy chào… niềm vui như lan toả đến những người ngoài cuộc như chúng tôi.
Hồ Văn Hiếu vui vẻ cùng với “người bạn” ở trong tù là chú sóc chuẩn bị trở về nhà Ảnh: Thảo Thương

Hồ Văn Hiếu vui vẻ cùng với “người bạn” ở trong tù là chú sóc chuẩn bị trở về nhàẢNH: THẢO THƯƠNG


Chị Nguyễn Thị Tuyết (30 tuổi, ở An Giang), bị án 2 năm 6 tháng về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, được giảm 2 tháng. Khi chồng mất vì bệnh, chị Tuyết bắt đầu những ngày tháng cực nhọc một mình nuôi 2 con nhỏ, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi và rồi sa chân. “Thời gian ở tù là những ngày tháng dài dằng dặc, 2 con thỉnh thoảng vào thăm, đêm về thương nhớ con da diết, lo lắng không biết thiếu mẹ nó có ngoan không, học có giỏi không, ngủ có ngon không. Từng giây phút đều nhớ về con. Nghĩ lại thấy ân hận vô cùng”, chị Tuyết tâm sự và bảo: “Giờ tôi chỉ mong ra tù để làm lại, bù đắp thiệt thòi cho 2 con sau những lỗi lầm ấy”.
Trong số người được giảm án lần này, có trường hợp khá đặc biệt là P.L.N.T (36 tuổi, ngụ Phan Thiết, Bình Thuận). Chị T. có hoàn cảnh khó khăn bởi ly dị chồng, có một con gái 16 tuổi, vào tù vì tội tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, điều trớ trêu khi năm 2012, T. nhận được kết quả mình bị HIV. “Lúc nghe tin, tôi hụt hẫng, tuyệt vọng và khóc rất nhiều. Đã không ít lần tôi nghĩ đến cái chết để giải thoát”, T. tâm sự.
Kể về cuộc đời, T. cho hay không biết mình bị HIV khi nào, lây từ ai. Nghĩ về gia đình và con gái, chị quyết định xin cán bộ được đi lao động để quên chuyện buồn này. “Hằng đêm, nhớ mong con, nhờ có con mà tôi có động lực quên đi chuyện mình bị bệnh. Quãng thời gian ở trại giam tôi mới hiểu ra được giá trị của cuộc sống, giá trị của lao động”.
Theo quy định, việc xét giảm án hay giảm tha đều phải tuân thủ qua những quy trình rất chặt chẽ. Đầu tiên việc giảm án hay giảm tha do quản giáo đề xuất lên hội đồng xét giảm án của trại sau khi được phạm nhân bỏ phiếu, rồi gửi cho Tổng cục 8 xem xét. Sau đó, hồ sơ phải được Viện KSND tỉnh xem xét và cuối cùng TAND cấp tỉnh thành nơi trại giam đóng là cơ quan cuối cùng quyết định phạm nhân có được giảm án hay không. Sau khi toà án thông qua, hồ sơ giảm án sẽ được chuyển về trại và phạm nhân được giảm tha nhận quyết định đúng vào ngày được ra tù.


 

Thanh Niên