23/01/2025

Khóc khi 10 năm lấy nhau giờ mới được mặc áo cưới

Ngày 2-9, 100 cặp đôi thanh niên, công nhân nghèo được tổ chức lễ cưới. Mỗi cặp đôi là một câu chuyện tình cảm động. Có người đăng ký kết hôn nhiều năm trước nhưng nay mới được mặc áo cưới.

 

Khóc khi 10 năm lấy nhau giờ mới được mặc áo cưới

 

Ngày 2-9, 100 cặp đôi thanh niên, công nhân nghèo được tổ chức lễ cưới. Mỗi cặp đôi là một câu chuyện tình cảm động. Có người đăng ký kết hôn nhiều năm trước nhưng nay mới được mặc áo cưới.

 

 

 

 

Khóc khi 10 năm lấy nhau giờ mới được mặc áo cưới
Vợ chồng anh Quyền, chị Trúc hạnh phúc bên đứa con gái gần 5 tuổi – Ảnh: NHỊ NGUYỄN

Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân thành phố (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.

1 Xúng xính trong bộ áo dài cưới truyền thống, chị Lý Thị Phuôl (32 tuổi) trông thật bẽn lẽn. Sau gần 10 năm lấy nhau, chị mới được mặc chiếc áo dài cưới. Nhìn vợ, anh Trần Sa Phay cười nói: “Ai dám nghĩ vợ tôi có ba con rồi”.

Vốn dĩ hai anh chị quen nhau từ năm 2004 khi còn làm công nhân cho một xí nghiệp hải sản ở tỉnh Sóc Trăng. Sau bốn năm quen nhau, anh và chị quyết định thành vợ thành chồng.

“Không có tiền, chúng tôi bỏ qua hết các thủ tục cưới truyền thống của người Khmer, chỉ làm mâm cơm ra mắt bên phía vợ thôi” – anh Phay kể lại. Đến nay, anh chị đã có ba người con, lớn 10 tuổi, giữa 5 tuổi và út gần 4 tuổi.

Anh Phay là con thứ ba trong một gia đình làm nông có năm anh em ở tỉnh Sóc Trăng. Còn chị Phuôl (quê Trà Vinh) là con một nhưng mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh cũng nghèo không kém anh Phay. Từ ngày về sống chung, cả hai anh chị hết làm công nhân hải sản thì đi làm thuê, làm mướn đủ nghề để mưu sinh.

Hơn một năm nay, anh chị gửi con cho bà ngoại chăm sóc, hai vợ chồng lên Sài Gòn đi phụ hồ kiếm tiền gửi về cho bà lo cho ba cháu. Chị Phuôl chia sẻ: “Ảnh làm ngày công được 180.000 đồng/ngày, tôi 150.000 đồng/ngày. Hai vợ chồng ráng đi làm lo cho các con học kiếm cái chữ để sau này khỏi phải đi phụ hồ như cha, mẹ nó”.

Từng đi làm công nhân, cũng đồng cảm từ cái nghèo mà anh Ngô Văn Quyền (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (32 tuổi) đã quyết định đến với nhau. Anh Quyền sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em ở huyện Mộc Hóa (Long An), còn chị Trúc quê ở Cà Mau.

Sau bốn năm quen nhau, hai anh chị thành vợ thành chồng. Gia cảnh khó khăn, điều kiện địa lý xa cách nên cả hai quyết định làm mâm cơm ở nhà họ gái để nhà trai xuống ra mắt và rước dâu về.

Nhớ lại thời khắc ấy, chị Trúc sụt sùi: “Là con gái mà lấy chồng nhưng không tổ chức được đám cưới buồn lắm chứ nhưng biết sao, đành chấp nhận thôi. Hai vợ chồng cùng làm công nhân dành dụm mua được đôi bông tai coi như đó là vật đính hôn thôi. Lúc đó hàng xóm người ta cũng bàn tán ra vào nhưng tôi bỏ ngoài tai, miễn sao mình được sống với người mình yêu thương là được”.

Kết quả tình yêu của anh và chị là một bé gái nay đã lên 5 tuổi. Ngày hai vợ chồng đi thử đồ cưới, chị Trúc đưa con gái đi cùng.

Trong bộ áo dài cưới, nhìn đứa con gái, chị Trúc xúc động nói: “Lúc đầu nghe tin cũng tính đăng ký nhưng hơi ngại vì thấy con mình đã lớn rồi. Nhưng nhờ sự động viên của mọi người, hai vợ chồng mạnh dạn đăng ký. Bây giờ thì hai vợ chồng cũng được tổ chức đám cưới đàng hoàng, có được tấm hình cưới để làm kỷ niệm rồi”.

3 Vợ chồng anh Nguyễn Thành Thống (25 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thùy Nhi (24 tuổi) quê Bến Tre, gặp nhau khi cùng phụ rửa chén đĩa trong một lễ hội ở chùa. Chị Nhi tâm sự: “Ngày đó, hai gia đình chấp thuận cho hai đứa ở với nhau là mừng rồi chứ đừng nói chi đòi hỏi tổ chức đám cưới. Nhà tôi và nhà ảnh đều nghèo”.

Nên duyên vợ chồng rồi, anh chị gửi con trai 4 tuổi cho bà ngoại rồi lên Sài Gòn làm công nhân. Thế nhưng gần nửa năm nay anh Thông bị bệnh tắc nghẽn mãn tính, máu ở dưới hai chân không lưu thông được, dẫn đến chân bị sưng phù, khi trái gió trở trời là đau nhức, không đi lại được. “Lúc đầu tôi nằm viện cả tháng, thấy vợ cứ túc trực ở bệnh viện hoài tôi buồn quá! Có lúc tôi bảo vợ thôi bỏ tôi đi vì tôi bệnh tật lại nghèo khổ nữa nên theo tôi sẽ khổ đó” – anh Thông nói.

Nghe chồng nói vậy, chị Nhi chen ngang: “Tôi biết ảnh đau bệnh nên tính tình thay đổi. Tôi thương ảnh thiệt chứ đâu phải theo ảnh vì muốn ăn sung mặc sướng đâu. Khổ sao tôi cũng chịu được, miễn được ở bên ảnh thôi”.

Có chồng đã năm năm nhưng trong lòng chị Nhi luôn ao ước được một lần mặc chiếc áo cưới. Đi thử áo cưới cùng chồng để chuẩn bị cho lễ cưới tập thể, chị Nhi cứ nắm chặt lấy tay chồng, ánh mắt tươi vui. “Chúng tôi đã được chụp hình cưới rồi, nay lại được tổ chức đám cưới nữa, vui mừng lắm, hạnh phúc lắm!” – chị Nhi nói.

Anh Dương Ngọc Tuấn – giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân thành phố, trưởng ban tổ chức chương trình – cho biết lễ cưới năm nay mang ý nghĩa “Tôn vinh nét đẹp văn hoá Việt”. Chương trình bắt đầu lúc 7g sáng bằng việc diễu hành xe hoa từ Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM qua các tuyến đường đến tượng đài Bác Hồ. Tại đây, các cặp đôi sẽ dâng hoa và được trao Huy hiệu thành phố. Sau đó, các cặp đôi sẽ diễu hành xe hoa từ tượng đài Bác Hồ về Trung tâm hội nghị tiệc cưới Queen Plaza – Kỳ Hòa (Q.10) và thực hiện nghi lễ cưới.

QUANG PHƯƠNG