23/12/2024

Nhà có 4 chàng trai mê tin học

Câu chuyện của gia đình ông Phạm Văn Ngọc, giáo viên 55 tuổi, với bốn người con trai mê tin học đã làm cả khán phòng lễ kỷ niệm 25 năm hội thi Tin học trẻ TP.HCM ồ lên, vỗ tay thán phục.

 

Nhà có 4 chàng trai mê tin học  

 

Câu chuyện của gia đình ông Phạm Văn Ngọc, giáo viên 55 tuổi, với bốn người con trai mê tin học đã làm cả khán phòng lễ kỷ niệm 25 năm hội thi Tin học trẻ TP.HCM ồ lên, vỗ tay thán phục.

 

 

 

Nhà có 4 chàng trai mê tin học  
Bà Trương Thị Liễu luôn để các con tự giác, thoải mái theo đuổi đam mê của mình – Ảnh: TƯỜNG HÂN

Phạm Thượng Hải, Phạm An Bình, Phạm Đình Duy và Phạm Hữu Phước – con trai ông Ngọc – lần lượt tham gia hội thi Tin học trẻ TP.HCM từ năm 2008 đến năm 2015, đạt 13 giải lớn nhỏ từ thành phố đến quốc gia.

Huy chương, giấy khen, chứng nhận của bốn anh em được treo đầy vách nhà ở Q.12. Đó là chưa kể khoảng 8 giải thưởng khác từ các cuộc thi liên quan tin học và hàng chục danh hiệu học sinh giỏi các môn văn hóa.

Anh hai như thầy

Khi được hỏi về bí quyết để gia đình nuôi dưỡng, định hướng các con có truyền thống học tập như vậy, ông Ngọc và vợ đều cười: “Tôi có bí quyết gì đâu. Bốn đứa nhỏ đều siêng học, kỷ luật, tự giác nên ba mẹ hoàn toàn yên tâm. Tụi tui cũng không đặt mục tiêu cho con, cứ để các con thoải mái. Mà thật ra để hướng con thì phải có tiền, điều kiện, kế hoạch cụ thể, chúng tôi thì không đủ khả năng”.

Tháng 6-2015, người con lớn Thượng Hải nói lời chia tay với chặng đường thi cử cùng hội thi tin học trẻ và giảng đường đại học, bằng giải nhất phần mềm sáng tạo giúp phát hiện và cảnh báo tình trạng căng thẳng tâm lý trên thiết bị đeo tay.

Hiện nay, Thượng Hải đang lập trình cho một công ty đa quốc gia và chờ ngày du học thạc sĩ ở Praha, Cộng hòa Czech, với suất học bổng toàn phần.

Ông Ngọc kể lại chặng đường theo đuổi đam mê tin học của con trai lớn, bắt đầu từ những buổi bồi dưỡng tin học miễn phí ban đêm ở Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) chỉ với 3-4 học trò.

Nhóc Hải gầy nhom, từ lớp 6 đã tự đi học, phải rượt theo chuyến xe buýt cuối cùng để xe đưa về nhà.

Chiếc máy tính đầu tiên xuất hiện trong nhà là do đồng nghiệp của ông Ngọc để lại khi biết Hải mê tin học.

“Đến năm 2011, Hải thi đậu hội thi Tin học trẻ toàn quốc, đơn vị tài trợ tặng truyền hình và lắp đặt Internet miễn phí. Vậy là nhờ con mà nhà mới có mạng dùng” – ông Ngọc tự hào chia sẻ.

Thấy anh hai lập trình một đoạn nhị phân khiến máy tính phát ra tiếng chào, An Bình cũng tò mò, lon ton xin học ké.

“Bình lấy bài tập của anh ra làm. Anh hai như thầy vậy. Lúc đó tụi em chỉ học vì thấy máy tính thú vị, có thể tương tác nên muốn biết thêm kiến thức có ích cho sau này, không đặt mục tiêu đi thi.

Nhưng rồi đứa nào cũng mê, tham gia thi, có năm thì anh em thi khác bảng, có năm thì anh em lại “song kiếm hợp bích” cùng một đội. Anh Hải ghê lắm! Đấu với quá chừng đội mà code nào anh cũng viết được, gần như không đối thủ. Tụi em rất ngưỡng mộ” – Bình hào hứng khi kể về thời sát cánh cùng anh em đi thi.

Chắc là do gen!

Là em út trong nhà, mặc dù chuyên vật lý nhưng Hữu Phước cũng thử sức với tin học. “Môn tin hay lắm! Lập trình, viết code giúp em rèn lối tư duy logic, thực tế, bổ sung cho môn vật lý hồi phổ thông và ngành y đa khoa em đang học.

Có các anh đi trước, em tự tìm hiểu kiến thức cơ bản, đến kiến thức nâng cao thì hỏi các anh. Trước ngày thi, các anh ôn cho em nhiều lắm. Đi thi để xem năng lực mình tới đâu. Thi có tiền thưởng thì về đưa cho mẹ” – Phước bộc bạch.

Với ông Ngọc, từ những lần đi theo cổ vũ các con, càng thấy thương tụi nhỏ, thương cả con… người ta vì thi cử cực quá.

“Đó là trận chiến quyết liệt. Thầy vừa cho đề là phía dưới chăm chăm nhìn đề, tay gõ liên tục, tranh nhau viết code, căng thẳng trên từng giây.

Vậy mà sau cuộc thi, tụi nhỏ không chỉ được thêm kiến thức mà còn quen được bạn bè qua mạng, giúp nhau thông tin, cùng tiến bộ, giới thiệu cho nhau cơ hội việc làm, học bổng…” – ông Ngọc kể lại.

“Nhà có sáu người, ai cũng làm việc trong thành phố mà hiếm khi có ngày quây quần đầy đủ. May ra là tết” – ông Ngọc nói.

Thượng Hải lớn nhất đã đi làm, các em ngoài giờ học luôn bận rộn với công việc gia sư. Từ khi vào đại học, các con lần lượt đi làm thêm, trang trải học phí cùng ba mẹ.

Mỗi chàng “quý tử” một ước mơ, hai người đang học y, một người sư phạm, một người kỹ sư công nghệ thông tin. Với người này tin học là đam mê trọn đời, với người khác là phương tiện hỗ trợ công việc, tư duy.

Nói về việc mấy đứa con đều mê tin học, ông Ngọc không cho đây là truyền thống từ ông. Còn Bình lại cho rằng: “Chắc do gen ham học. Bốn anh em giống nhau ở chỗ đều muốn chinh phục kiến thức, muốn hiểu biết. Ba mẹ để con cái tự phát triển nên phần nào giúp chúng tôi tự ý thức phấn đấu”.

Điều an tâm với ông Ngọc là cả bốn đứa con trai dù làm việc nhiều với máy tính, công nghệ thông tin nhưng không ghiền game.

An Bình vẫn nhớ như in cảm giác hồi nhỏ khi thử bước vào tiệm net: “Kinh lắm! Thấy mấy đứa nhỏ như mình ngồi gác chân, chửi thề, thấy ghê quá! Với lại để đi tiệm net phải có tiền, chỉ mấy ngàn một giờ nhưng với Bình khi đó là đáng để tiết kiệm”.

TƯỜNG HÂN