Mất tiền, phiền nhiễu khi cho mượn xe
Vì tin tưởng hoặc cả nể mà chủ xe giao xe cho người thân, bạn bè mượn, không biết rằng việc giao xe cho người khác này có thể nảy sinh nhiều hệ luỵ đáng tiếc.
Mất tiền, phiền nhiễu khi cho mượn xe
Vì tin tưởng hoặc cả nể mà chủ xe giao xe cho người thân, bạn bè mượn, không biết rằng việc giao xe cho người khác này có thể nảy sinh nhiều hệ luỵ đáng tiếc.
Minh hoạ: DAD |
Thực tế có nhiều trường hợp người mượn xe trong quá trình sử dụng xe vi phạm giao thông, gây tai nạn hoặc mượn xe đi gây án… khiến chủ xe phải điêu đứng theo.
Rắc rối vì cho mượn xe
Theo lời kể của anh Đ.V.T. (48 tuổi, quê Nam Định), giữa tháng 7 anh có cho bạn mượn chiếc xe máy để người này đi mua đồ. Do bạn chỉ mượn xe ra ngoài một lát nên anh T. không đưa cho bạn giấy tờ xe và cũng không biết bạn có giấy phép lái xe (GPLX) hay không.
Khi lái xe trên đường Nguyễn Văn Linh thì người này bị CSGT thổi phạt vì lỗi vượt đèn đỏ. Do người bạn không xuất trình được giấy tờ xe và GPLX nên CSGT lập biên bản và tạm giữ xe của anh T.. Sau đó anh T. phải đến cơ quan công an đóng phạt và làm thủ tục nhận lại xe.
Còn anh B. (Thủ Đức) khi nghe bạn than “không có xe đi thăm người bệnh” liền đưa chiếc Dream cho bạn mượn. Hai ngày sau, công an mời anh B. lên thông báo bạn anh bị bắt khi đi giật đồ của người ta.
Chiếc xe mà người này đi gây án chính là chiếc xe của anh B.. Sau đó anh B. phải lên xuống công an nhiều lần để chứng minh mình không liên quan đến vụ phạm pháp của người bạn. Dù vậy, chiếc xe của anh vẫn bị công an tạm giữ vì đó là tang vật vụ án.
Anh B. trở thành người thất nghiệp từ đó vì công việc của anh đang làm là nghề giao hàng.
Liên đới trách nhiệm
Theo luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật giao thông đường bộ quy định người đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông phải đáp ứng được quy định sau: đủ độ tuổi, sức khoẻ và có GPLX.
Khi điều khiển phương tiện, người lái xe phải mang theo giấy đăng ký xe, GPLX, đăng kiểm, bảo hiểm…
Nếu chủ xe giao xe cho người khác điều khiển mà vi phạm quy định về an toàn giao thông thì chủ xe không bị xử phạt, mà người vi phạm phải đóng phạt. Nếu bị tạm giữ phương tiện thì chủ xe và người vi phạm đến cơ quan chức năng nhận lại xe.
Trong trường hợp người mượn xe đủ điều kiện tham gia giao thông gây ra tai nạn chết người thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 202 BLHS (tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”), chủ phương tiện không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, về phần dân sự có thể chủ xe cũng phải liên đới trách nhiệm. Theo quy định, xe máy, ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ.
Vì vậy, chủ xe hoặc người được giao xe chiếm hữu sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại, kể cả khi không có lỗi, trừ khi các bên có thoả thuận khác, thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc do bất khả kháng.
Có thể bị xử lý hình sự
Không chỉ gặp rắc rối khi cho người khác mượn xe, chủ xe còn có thể bị xử lý hình sự nếu giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng pháp luật quy định rất rõ việc này, song trên thực tế ít người biết hành vi này là vi phạm pháp luật.
Thói quen này phần lớn xuất phát từ sự nuông chiều con cái của các bậc phụ huynh hay từ sự quen biết, cả nể người thân, bạn bè…
Theo điều 205 BLHS, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm.
Nếu hành vi đó gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2-7 năm hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Ngoài ra, người giao xe đó còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Về phần dân sự, chủ xe và người mượn xe còn phải liên đới bồi thường cho người bị hại theo quy định tại điều 623 Bộ luật dân sự.
Ngoài ra, nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1-8-2016 còn quy định mức phạt tiền từ 800.000 – 8 triệu đồng đối với hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển.
Đối với người không đủ điều kiện tham gia giao thông, nếu gây ra tai nạn thì bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự, theo nghị định 46, người vi phạm còn bị phạt tiền cụ thể theo từng lỗi vi phạm như không có GPLX hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng độ tuổi điều khiển phương tiện…
Xử lý xe mượn đi gây án Một cán bộ điều tra Công an Q.8 cho biết trong một vụ án hình sự, nếu nghi can, bị can, bị cáo sử dụng xe do mình đứng tên để thực hiện hành vi phạm tội như cướp giật tài sản, cướp tài sản, trộm cắp, giết người… thì chiếc xe này được xem là công cụ, phương tiện gây án, sẽ bị tịch thu. Nếu chủ xe không biết nghi can, bị can, bị cáo mượn xe để đi gây án thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Để phục vụ điều tra, cơ quan công an phải tạm giữ phương tiện. Sau khi xác minh, nếu chiếc xe này không liên quan đến hành vi phạm tội thì khi xét xử, toà án sẽ tuyên trả lại xe cho chủ xe. Tuy nhiên, nếu chủ xe biết đối tượng mượn xe gây án mà vẫn giao xe cho họ thì hành vi này sẽ bị truy tố cùng tội danh với các đối tượng trên, vai trò là đồng phạm giúp sức. Chiếc xe trên cũng sẽ bị tịch thu. |
Tự bảo vệ mình Luật sư Nguyễn Thạch Thảo lưu ý khi cho người khác mượn xe, chủ xe cần biết rõ người đó là ai, có đủ điều kiện để điều khiển hay không, mục đích sử dụng… Một số trường hợp người mượn xe đủ điều kiện tham gia giao thông nhưng lại sử dụng vào những mục đích phi pháp. Những trường hợp này rất khó kiểm soát vì khi mượn xe không ai nói dùng để đi cướp bao giờ. Trước khi giao xe, chủ xe nên yêu cầu người mượn xe viết cam kết, đi đâu, làm gì, thời gian bao lâu… Có thể điều này sẽ làm người mượn phật lòng, nhưng đó là cách cần thiết để tự bảo vệ mình. |
Tài xế, phụ xe cùng lãnh án tù Ngày 14-3-2016, TAND TP.HCM tuyên phạt Phạm Văn Đại (tài xế) 5 năm tù về tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” và Trần Ngọc Hùng (phụ xe) 7 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Chiều 8-4-2014, Đại và Hùng lái ôtô đầu kéo chở hàng giao cho khách. Giao hàng xong, Đại ra băng ghế sau ngủ, giao tay lái cho Hùng điều khiển dù biết Hùng không có GPLX. Hùng lái xe đến trước nhà số 1078 quốc lộ 1 (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) thì va chạm với xe máy do anh Hà Hiếu Nghĩa điều khiển chở vợ và hai con gái. Tai nạn khiến hai con của anh Nghĩa tử vong, anh Nghĩa bị thương tật 57%. |