23/01/2025

Hoa đu đủ đực, thức ăn nên thuốc

Hoa đực của cây đu đủ có giá trị dinh dưỡng rất cao. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết dùng nó để chữa bệnh. Vị của nó rất đắng nhưng vẫn có thể dùng nấu canh ăn hoặc làm rau trộn gỏi…

 

Hoa đu đủ đực, thức ăn nên thuốc

 

Hoa đực của cây đu đủ có giá trị dinh dưỡng rất cao. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết dùng nó để chữa bệnh. Vị của nó rất đắng nhưng vẫn có thể dùng nấu canh ăn hoặc làm rau trộn gỏi…

Một số lợi ích của hoa đực cây đu đủ như sau:

– Trên bệnh nhân đái tháo đường, uống nước sắc hoa đu đủ đực giúp làm tăng lượng insulin, nhờ đó làm hạ đường huyết tuỳ theo mức độ sử dụng. Bản thân người bệnh cũng thấy có sự thay đổi đáng kể.

Những bông hoa này còn có tác dụng ổn định huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Nếu có điều kiện nên thêm món hoa này vào thực đơn hằng ngày để bảo vệ sức khoẻ quả tim và huyết áp.

– Hoa đu đủ đực giúp hỗ trợ bộ máy tiêu hoá và tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể. Hàm lượng cao của các vitamin như A, C và E cùng với folate là những chất chống oxy hoá rất cao, bảo vệ các tế bào, ngăn ngừa cholesterol và lão hoá sớm.

Trong hoa đu đủ có chứa men papain giúp tiêu hoá tốt và ngăn ngừa táo bón.

– Trên bộ máy hô hấp, chỉ cần nhúm hoa đực trộn với vài muỗng mật ong hoặc đường phèn, đem chưng cách thuỷ rồi để hơi ấm, sau đó uống mỗi ngày 3-4 lần sẽ chữa được các vấn đề về hô hấp như ho và khản giọng hoặc đau rát cổ họng.

Phương thuốc này được sử dụng từ lâu đời để chữa ho, hen hoặc khò khè ở người lớn cũng như trẻ em rất hiệu quả.

– Theo một số nghiên cứu, tác dụng ngăn chặn việc hình thành u bướu và tác dụng kháng viêm của hoa đu đủ rất rõ rệt. Các khối u này có thể lành tính hoặc có thể ác tính và dẫn đến ung thư. Dùng hoa đu đủ có thể ngăn chặn sự phát triển của chúng.

– Nhờ các hoạt chất chống oxy hoá cao trong hoa đu đủ đực nên giúp làm giảm viêm loét dạ dày và tác dụng kháng viêm này cũng giúp ngăn ngừa việc tích tụ mảng bám cholesterol trong lòng mạch.

– Chất đắng trong hoa là thuốc bổ đắng giúp ăn ngon miệng hơn, tăng sự thèm ăn. Tuy nhiên có thể giảm bớt vị đắng bằng cách phối hợp với các loại hoa khác để uống.

Tác dụng phụ của đu đủ không thấy nếu chúng ta tiêu thụ chúng ở liều trung bình vừa phải. Nhưng không nên ăn quá nhiều, ngay cả đu đủ chín, sắc tố có thể gây vàng da, dù không nguy hiểm.

Trong rễ của đu đủ có chứa glucoside cyangenic tạo thành cyanua, lá chứa tannin. Hai hợp chất này có thể có tác dụng phụ bất lợi khi dùng ở nồng độ cao.

Trong các nghiên cứu động vật, chiết xuất dung dịch nước của cây đu đủ có thể gây vô sinh tạm thời và chu kỳ động dục có thể xáo trộn.

Tuyệt đối không nên dùng cho phụ nữ có thai vì chiết xuất papain trong đu đủ cũng gây tác dụng sẩy thai trên động vật sau khi thụ thai bằng cách phá vỡ cấu trúc protein cần thiết cho trứng mới thụ tinh. Liều cao papain trong đu đủ có độc tính ảnh hưởng đến thai nhi.