Đi trễ bị trừ lương, có đúng luật?
Nhiều người lao động phản ảnh họ bị trừ tiền, trừ lương một cách tùy tiện khi đi làm trễ hoặc vi phạm nội quy công ty. Trong khi đó luật chưa có quy định về việc này.
Đi trễ bị trừ lương, có đúng luật?
Nhiều người lao động phản ảnh họ bị trừ tiền, trừ lương một cách tùy tiện khi đi làm trễ hoặc vi phạm nội quy công ty. Trong khi đó luật chưa có quy định về việc này.
“Khởi kiện là con đường rất khó khăn của người lao động, nhưng nếu không đấu tranh thì người lao động sẽ còn cam chịu cách hành xử o ép, trái luật của người sử dụng lao động… |
Luật sư Hứa Thị Thảo |
Vừa lãnh tháng lương đầu tiên, chị Trần Thị Ái Như (28 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã bị trừ một ngày lương vì có lần đi trễ.
“Ngày đầu tôi đi trễ 15 phút, hôm sau vì kẹt xe nên đi trễ nửa tiếng. Lãnh đạo công ty căn cứ vào máy chấm công nên thông báo trừ của tôi tổng cộng một ngày lương.
Thế nhưng việc đi trễ của tôi không ảnh hưởng đến công việc, vì chủ yếu là đi ra ngoài gặp khách hàng để hợp đồng mua bán sản phẩm” – chị Như bức xúc.
Trễ 5 phút, trừ nửa ngày lương
Theo chị Như, trong hợp đồng lao động ký giữa chị và công ty không có điều khoản nào quy định việc trừ lương do đi trễ. Công ty cũng không có văn bản ghi rõ quy định việc trừ lương.
Đem thắc mắc hỏi lãnh đạo công ty, chị được trả lời rằng đây là quy định… bất thành văn và được áp dụng từ ngày thành lập đến giờ. Công ty cho biết dù chỉ đi trễ 5 phút cũng đã bị trừ nửa ngày lương, cứ vậy mà tính.
Không riêng chị Như, nhiều người lao động phản ảnh công ty có những khoản trừ vào lương rất tùy tiện: không mặc đồng phục, không đeo thẻ, tiền hao hụt cơ sở vật chất… Khi có thắc mắc, phía công ty giải thích đó là quy định và đổ cho người lao động không nắm rõ.
Trên thực tế, đối tượng bị trừ tiền nhiều là những công nhân làm việc cho các công ty nước ngoài. Ngoài việc trừ tiền do đi trễ, họ còn bị trừ do sản phẩm không đạt, nghỉ làm không phép, nói chuyện trong giờ làm, sử dụng thang máy tùy tiện…
Người lao động làm việc cho các công ty kinh doanh, dịch vụ ăn uống còn bị trừ thẳng tay hơn. Như trường hợp anh Lê Minh Lộc, là nhân viên phục vụ cho Công ty dịch vụ ăn uống TM (Q.Tân Phú), tháng nào cũng bị trừ ít nhất 20-30% tiền lương, trong đó có khoản bồi thường thiệt hại do… vỡ chén đĩa của quán.
Anh nói: “Lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng có tháng lãnh chỉ được một nửa”. Anh cho biết sau khi khiếu nại, quản lý trả lời rằng trừ lương là biện pháp “đánh vào kinh tế” để nhân viên thấy đó mà sợ, không vi phạm nữa.
Trừ cả phụ cấp
Chị Nguyễn Ngọc Giang (Q.10) làm trình dược viên cho công ty dược phẩm nên thường xuyên giao dịch, lấy hoá đơn hoặc nhận tiền thanh toán về cho công ty.
Chị kể có khách hàng là nhà thuốc “xù” gần 150 triệu đồng, giám đốc công ty bắt chị phải chịu trách nhiệm. Vậy là hơn một năm nay, tháng nào chị cũng bị trừ gần 10 triệu tiền lương, các khoản thưởng và doanh thu khoán.
Chị có ý kiến với lãnh đạo công ty rằng đơn hàng ghi nhận khách mua hàng của công ty. Việc khách hàng “xù” nợ là lỗi của khách hàng, trách nhiệm phát sinh là giữa khách hàng với công ty. Dù vậy giám đốc vẫn bắt chị phải chịu.
Không chỉ mang vạ do khách hàng “xù” nợ, khi khách hàng chậm thanh toán hợp đồng do nhân viên “kiếm” được, công ty đã xử lý bằng cách giữ lại khoản thưởng, phụ cấp (phụ cấp thai sản, nghỉ phép…) rồi trừ dần mỗi tháng một ít cho đến hết.
Theo đó, công ty sẽ chia lương ra hai phần: lương cơ bản và thu nhập khác (phụ cấp, tiền làm ngoài giờ…). Những vi phạm như đi trễ, không đeo thẻ, nghe điện thoại trong giờ làm… bị trừ 10% phụ cấp hằng tháng. Cuối tháng, số tiền thực lãnh của người lao động bị hụt đi vì những khoản trừ này.
Theo ý kiến của các luật sư, đây là một cách lách luật của các công ty khi sử dụng lao động. Tiền lương phải hiểu là bao gồm cả lương cơ bản (lương cứng) và các khoản phụ cấp, tiền làm thêm ngoài giờ, tiền trực…
Như vậy, công ty không có quyền trừ những khoản này của nhân viên. Hiện nay, tình trạng tính lương thành hai phần như trên là khá phổ biến, kể cả trong khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Trừ lương là trái luật
Theo luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), việc trừ lương do đi trễ như trường hợp của chị Như không được quy định trong luật.
Theo điều 84 Bộ luật lao động, người vi phạm lao động tùy theo mức độ phạm lỗi sẽ bị xử lý một trong những mức độ: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn không quá 6 tháng hoặc cách chức, sa thải.
Luật cũng quy định không được áp dụng nhiều hình thức kỷ luật đối với một vi phạm kỷ luật lao động.
Về các khoản trừ lương khác như trường hợp anh Lộc và chị Giang, luật sư cũng cho biết theo điều 101 Bộ luật lao động về khấu trừ tiền lương, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động.
Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.
Còn theo điều 130 Bộ luật lao động về bồi thường thiệt hại, trường hợp của anh Lộc gây thiệt hại không nghiêm trọng (thiệt hại dưới 10 tháng lương tối thiểu) thì anh Lộc phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương.
Cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng làm việc Trong trường hợp mới làm việc, giữa công ty và người lao động đã có thỏa thuận về việc trừ lương, người lao động cần cân nhắc và kiến nghị ngay nếu các quy định không hợp lý. Đặc biệt đối với công nhân, người lao động phổ thông, cần tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng làm việc, nhất là các công ty có yếu tố nước ngoài. Dù những thoả thuận về trừ lương, trừ tiền phụ cấp… đã được công ty lập thành văn bản thì công ty cũng không thể căn cứ vào đó để hành xử sai Luật lao động. |
Có thể khởi kiện Luật sư Hứa Thị Thảo khuyên người lao động cần tìm hiểu kỹ các quy định của công ty khi muốn làm việc ở bất kỳ công ty nào. Người lao động có thể thông qua công đoàn để nhờ họ tư vấn, từ đó chọn cho mình bộ phận làm việc phù hợp với chuyên môn, sức khỏe. Thực tế nhiều tổ chức công đoàn không đứng về phía người lao động, không bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người lao động. Nếu công ty có quy định trừ lương, trừ tiền phụ cấp… hay có quy định trái Luật lao động thì công đoàn phải là tổ chức đứng ra kiến nghị công ty sửa đổi. Trong trường hợp công ty o ép trái luật, người lao động có thể thông qua công đoàn hoặc tự mình khiếu nại lên lãnh đạo công ty, khiếu nại đến sở LĐ-TB&XH hoặc khởi kiện. |