24/01/2025

Bồi thường trên giấy, dân cứ long đong

Tháng 6-2015, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định chi bồi thường, hỗ trợ hơn 20 tỉ đồng cho 41 hộ dân ở thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy bị ảnh hưởng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1.

 

Bồi thường trên giấy, dân cứ long đong 

 

Tháng 6-2015, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định chi bồi thường, hỗ trợ hơn 20 tỉ đồng cho 41 hộ dân ở thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy bị ảnh hưởng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1.

 

 

 

 

Bồi thường trên giấy, dân cứ long đong 
Ông Phạm Đực Em cho biết mong nhận được tiền bồi thường 665 triệu đồng để làm ăn chứ không long đong mãi như thế này – Ảnh: V.TR.

Tuy nhiên đã 13 tháng trôi qua những hộ này vẫn chưa được nhận tiền. Còn tỉnh thì bảo: bà con cứ bình tĩnh… chờ.

10 năm đòi quyền lợi

Bà Nguyễn Thị Bi (ở P.5, thị xã Cai Lậy) cho biết năm 2005 Nhà nước thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, các ngành chức năng đã bỏ quên 27m2 và biến gần 100m2 đất ở thành đất nông nghiệp để bồi thường giá thấp. Cho rằng tỉnh làm sai khiến dân bị thiệt hại nên bà Bi đã đi khiếu kiện.

Tuy nhiên đây không phải là trường hợp duy nhất bị thiệt hại do chính quyền “sơ suất”. Ông Trần Văn Hớ (ở xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy) kể: “Tôi có hai thửa đất bị thu hồi làm đường, một thửa rộng 498,7m2 có nhà ở ổn định từ trước năm 1975 và thửa 363m2 có nhà ở hình thành trước năm 1980. Nhưng khi đo đạc, áp giá bồi thường thì họ tính giá đất nông nghiệp gây thiệt hại rất lớn cho tôi”. Ông Lý Hữu Phước (ở P.2) và bà Trịnh Thị Tro ở gần đó cũng trong tình trạng tương tự.

Suốt từ năm 2005 – 2015, nhiều hộ này gửi đơn yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang xác minh, giải quyết thỏa đáng chính sách bồi thường, giải toả thu hồi đất. “Chúng tôi thấy các cơ quan chức năng tỉnh có thiếu sót trong việc đo đạc, xác định loại đất để áp giá bồi thường nên mới đi khiếu nại. Nhưng trong thời gian dài tỉnh không giải quyết hoặc trả lời không thỏa đáng nên mới khiếu nại hoài. Cũng mừng là cuối cùng UBND tỉnh nhận ra các thiếu sót này” – bà Bi nói.

Mừng hụt

Nhận thấy khiếu nại của người dân có cơ sở, cuối tháng 6-2015, ông Nguyễn Văn Khang (chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lúc bấy giờ) đã ký hàng loạt quyết định giải quyết khiếu nại, chi trả thêm tiền bồi thường, hỗ trợ cho 41 hộ dân với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng. Cá nhân ông Phước được bồi thường 826 triệu đồng; bà Bi được bồi thường 754 triệu đồng; bà Tro được 1,46 tỉ đồng. Số hộ được bồi thường khoảng 1 tỉ đồng khá nhiều. Tuy nhiên, việc chi bồi thường cho đến giờ vẫn nằm trên… quyết định.

Ông Trần Văn Hớ buồn bã nói: “Nhận được quyết định của UBND tỉnh bồi thường hơn 1 tỉ đồng cả gia đình tôi mừng không ngủ được. Một phần vì được minh oan đi khiếu nại đúng, một phần là có tiền làm ăn sinh sống. Quyết định ghi rõ là có hiệu lực kể từ cuối tháng 6-2015, nhưng chờ hoài suốt cả năm qua”.

Nhiều người cả chục năm qua thấp thỏm theo chuyện khiếu nại, rồi hay tin sẽ được đền bù, nghĩ sẽ có tiền để tính kế làm ăn. Giờ tiền chờ mãi không tới, long đong vẫn cứ long đong.

Vì sao chưa chi trả tiền đền bù?

Vì sao UBND tỉnh Tiền Giang không thực hiện quyết định của mình? Tại buổi tiếp xúc 41 hộ này vào ngày 15-10-2015, ông Võ Quang Ái (thành viên tổ công tác giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh) thông báo ý kiến của chủ tịch UBND tỉnh: “Đã tạm ứng kinh phí chi trả bồi thường cho thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy, đồng thời xin kinh phí của Chính phủ.

Tuy nhiên để thận trọng trong việc giải quyết, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ công tác phối hợp với địa phương rà soát lần cuối, nếu có sai sót thì đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh cho đúng quy định của pháp luật”.

Còn trả lời dân ngày 15-12-2015, ông Hà Thanh Hữu (chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy) nói: “UBND thị xã không cố tình dây dưa, kéo dài việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện thì có nhiều vướng mắc phát sinh nên phải báo cáo UBND tỉnh. Tỉnh cũng công nhận những vướng mắc này nên mới có thông báo tạm hoãn giải ngân để rà soát lại”.

Về sự việc này, Bộ Tài nguyên và môi trường vào cuộc từ ngày 14-3-2016 để rà soát toàn bộ hồ sơ mà tỉnh Tiền Giang đã thực hiện. Ngày 22-4, đoàn công tác này đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và kết thúc việc thu thập hồ sơ.

Ông Lê Văn Nghĩa (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) cho biết không chỉ 41 hộ dân này mà Tỉnh uỷ – UBND tỉnh cũng rất sốt ruột chờ kết luận của Bộ Tài nguyên và môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa có. UBND tỉnh đã cử giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường ra làm việc với bộ, sớm công bố kết luận để thực hiện.

VÂN TRƯỜNG