Ba mẹ ơi, ‘buông’ con ra…
Hè là thời gian có rất nhiều lớp học kỹ năng, câu lạc bộ tổ chức cho các em nhỏ ở thành phố có sân chơi. Thế là nhiều phụ huynh cũng cho con cháu mình tham gia, nhưng thật ra họ đâu có… “buông” thật sự.
Ba mẹ ơi, ‘buông’ con ra…
Hè là thời gian có rất nhiều lớp học kỹ năng, câu lạc bộ tổ chức cho các em nhỏ ở thành phố có sân chơi. Thế là nhiều phụ huynh cũng cho con cháu mình tham gia, nhưng thật ra họ đâu có… “buông” thật sự.
Trợ lý che dù, lau mồ hôi
Chị phụ trách lớp học vẽ hôm đó lắc đầu nói với tôi: “Em thật sự… bó tay với những phụ huynh quá cưng con như thế. Ai đời lớp học vẽ tổ chức ở ngoài trời, trên bãi cỏ êm mượt như nhung thế mà nhiều cô chú sợ con cháu họ bị nắng! Mấy đứa trẻ lăn lê bò toài đi đâu là họ… che dù theo đó. Có chị thấy con bị lem tay vì màu vẽ lại lật đật lau tay cho con ngay”.
Mục đích ban đầu của khoá học hè này là vui chơi, cho bé làm quen, dạn dĩ với bạn bè nhưng dạn gì được khi mà ba mẹ cứ theo “canh me” riết như vậy. Có người còn dặn con: “Coi chừng bị bạn ăn hiếp nhé. “Đứa” đó thấy dữ dằn lắm, đừng chơi với nó…”.
TIN LIÊN QUAN
Cha mẹ phát hoảng thấy con thủ dâm, mới biết con sớm dậy thì
Nhiều ba mẹ đã choáng khi thấy con mới 11, 12 tuổi đã tìm hiểu về tình yêu, giới tính. Việc con cái bước vào tuổi dậy thì sớm đồng nghĩa với nỗi lo của ba mẹ đến sớm trước dự kiến, khiến phụ huynh lúng túng.
Ở sân bóng mi ni, các cầu thủ nhí tham dự giải của các trường tiểu học ở Bình Dương tổ chức cũng chịu cảnh “bị úm” tương tự. Đưa thằng con đi đá banh, người viết chứng kiến vài chuyện dở khóc dở cười. Ai đời con ra sân đá banh mà mẹ bắt… đội nón kẻo cảm nắng! Có bà mẹ bất chấp trận đấu đang rất gay cấn chạy ào xuống sân… lau mồ hôi cho con. Có chị lại chạy theo đưa chai nước ngọt để con uống cho tăng lực.
Trận bóng vừa xong thì ba mẹ ở đâu xông tới kêu con thay quần áo, mang dép lên ô tô ngồi cho mát! Thằng bé thì thích chơi với bạn nên la náo loạn: “Ba mẹ buông con ra. Xấu hổ quá à. Con muốn giống các bạn”. Nhìn kỹ những “cầu thủ tí hon” này bạn nào da dẻ cũng trắng hồng mũm mĩm vì ít ra nắng. Nhiều bạn lại đeo mắt kính dày cộp nữa bởi ghiền game trên điện thoại hơn là các hoạt động thể lực. Thiếu vận động là điều có thể thấy ở những đứa trẻ quá được ba mẹ, ông bà cưng chiều như thế này.
Vô chùa cũng không thoát
Úm con một cách “căng thẳng” hơn nữa là tại các khóa tu mùa hè do các chùa tổ chức. Theo chương trình thì các bé sẽ ở lại chùa trong vòng 2 tuần và tập sinh hoạt, học hành như một người tự lập.
Tuổi các bé khoảng 8 đến 15 nhưng có bé, mẹ đi theo đặng… đút cơm! Một chị nọ ban đầu xin cho con theo khóa tu mùa hè nhưng sau vài ngày, nhớ con quá và không biết nó xoay xở như thế nào trong chùa nên chị đăng ký làm công quả cho chùa luôn. Thế là đứa bé hoàn toàn không có cơ hội… thoát mẹ bởi nó có thật sự xa mẹ ngày nào đâu.
Tôi còn nhớ năm trước, có một đứa bé khi nhận đề bài “viết thư gửi mẹ” nó mếu máo: “Con có xa mẹ ngày nào đâu mà viết! Con vô chùa ở, mẹ cũng tới thăm hoài à, có nhớ gì đâu?”…
Rất nhiều khoá học hữu ích trong mùa hè. Phụ huynh hãy thử “buông” con ra một thời gian ngắn để coi mức độ tự lập của các bé như thế nào. Hãy để các bé tự lo cho mình khi không có người thân bên cạnh. Học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè, các câu lạc bộ bóng đá, vẽ, hát múa… được mở ra rất nhiều. Đừng “úm” con kỹ quá rồi lại la làng lên rằng: Con cái chúng ta thiếu kỹ năng sống!
Bởi, người lớn có cho chúng cơ hội đâu?
Hương Cần