Tình đã cạn, có nên níu giữ?
Hằng ngày ở Toà án nhân dân TP Hà Nội, chúng tôi chứng kiến nhiều cặp đôi ra toà ly hôn vì người thứ ba chen vào cuộc sống hôn nhân.
Tình đã cạn, có nên níu giữ?
Hằng ngày ở Toà án nhân dân TP Hà Nội, chúng tôi chứng kiến nhiều cặp đôi ra toà ly hôn vì người thứ ba chen vào cuộc sống hôn nhân.
Đời sống hôn nhân cần sự vun vén từ cả hai phía vợ chồng để không chông chênh một phía – Ảnh minh hoạ: T.T.D. |
Cũng có người vợ bị chồng đánh đập, bị người thứ ba ghen ngược và thậm chí có người đã tự tử.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng người phụ nữ yêu chồng và muốn giữ gia đình cho con cái, nhẫn nhịn nhưng không nên nhẫn nhục và cầu xin.
Níu giữ một mảnh tình đã héo…
Anh chị kết hôn năm 2001 thì chỉ một năm sau, anh được chuyển từ Hà Nội lên làm phó chánh án toà án một huyện ở Hòa Bình.
Thời gian vợ chồng họ xa nhau nhiều hơn thời gian ở gần. Rồi anh ít về nhà thăm cha mẹ, vợ con. Gần 15 năm, chị biết anh có vợ, có con, có nhà riêng cùng một phụ nữ khác ở Hoà Bình, nhưng chị vẫn ở vậy nuôi con và chăm sóc cha mẹ anh.
Kết quả cho 15 năm chờ đợi của chị là đến một ngày, chị bất ngờ nhận được giấy triệu tập đến Toà án nhân dân quận Thanh Xuân, TP Hà Nội để giải quyết ly hôn vì anh nộp đơn xin ly dị vợ.
Xét cuộc hôn nhân của họ đã không thể nào cứu vãn, toà sơ thẩm xử cho họ ly hôn. Chị kháng cáo vì cho rằng mình vẫn còn tình cảm với chồng.
“Hòa Bình với Hà Nội cách nhau có mấy chục kilômet, nhưng có khi cả năm nếu không có việc thì anh ấy không chịu về thăm nhà. Tôi gọi điện anh không nghe máy. Từ khi làm phó chánh án tòa án, anh xử ly hôn cho một cặp vợ chồng xong thì cặp kè luôn với người phụ nữ ấy. Anh có hai con gái với chị ta.
Năm 2015 cha anh mất, gia đình gọi điện thoại mãi anh ấy mới về chịu tang. Khi về anh dẫn cả người phụ nữ ấy về, bắt tôi nhận là vợ hai, bắt các con tôi gọi là dì. Đời nào tôi và các con đồng ý” – chị kể với tôi ở hành lang phòng xử.
Chồng chị, người đàn ông trung niên, đã thẳng thắn thừa nhận mình không chung thuỷ với vợ. “Lâu nay anh không đưa tiền cho chị nuôi con đúng không?”. “Đúng”. “Anh thiếu trách nhiệm với vợ con đúng không?”. “Đúng” – anh trả lời cộc lốc các câu hỏi của tòa. Người đàn ông ấy lý giải: “Mấy năm nay vì không còn tình cảm với vợ nên tôi có lỗi với con tôi”.
Trong khi đó, chị vẫn nhất mực cầu khẩn: “Con tôi nay đã lớn, nếu không có bố ở bên cạnh dạy dỗ thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Vì vậy tôi có nguyện vọng để gia đình đoàn tụ”…
Chị kể các con lên Facebook tìm thấy hình ảnh cha chụp hạnh phúc với người phụ nữ kia. Chúng đưa cho mẹ xem rồi xui mẹ nên nộp cho toà. Các con hoàn toàn không muốn mẹ mãi níu kéo một trái tim không thuộc về mình. Nhưng chị không nghĩ vậy.
Tôi hỏi chị tại sao không muốn ly hôn khi anh không còn dành tình cảm cho mình, chị bảo: “Vì gia đình, hàng xóm, láng giềng. Mẹ chồng tôi bảo tôi cứ sống với bà chứ đừng ly hôn, bà sẽ để lại ngôi nhà cho các cháu. Tôi muốn các con mình có tổ có tông chứ không muốn mang tiếng là người đàn bà bị chồng bỏ. Tôi nghĩ anh ấy bị người ta bỏ bùa, có ngày anh ấy sẽ về với vợ con…”.
Xét mâu thuẫn của vợ chồng họ không thể nào hàn gắn được, toà phúc thẩm bác kháng cáo của chị, tuyên cho họ ly hôn. Bản án đó chỉ có ý nghĩa về mặt thủ tục hành chính, bởi suốt 15 năm chị sống và nuôi con một mình như người đàn bà không chồng…
Thực tế không ít phụ nữ đã nhẫn nhục như chị dù chồng đánh chửi, bị người thứ ba ghen ngược nhưng vẫn chịu đựng. Hôm cuối tuần trước, một phụ nữ Hà Nội vốn trẻ trung, xinh đẹp và chăm chỉ đã qua đời.
Theo người bạn của chị, chị lập gia đình 9 năm trước, những năm đầu vợ chồng chung sống hạnh phúc và có hai con, nhưng sau đó người chồng thay đổi và “cặp bồ liên miên”. “Có khi chat trực tuyến với tôi, mặt bạn sưng vù do bị chồng đánh, lần sang nhà tôi trong tình trạng buồn bã, đau đớn do phải chịu đựng những trận đòn của chồng.
Nhiều lần bạn tôi định đặt bút viết lá đơn ly hôn rồi lại thôi, một phần do bản tính chịu đựng và nhịn nhục để hai con đỡ khổ, một phần thương cha mẹ già” – người bạn chị đã viết sau khi chị qua đời.
Biết giá trị của mình
Theo ông Nguyễn An Chất, những người chồng thuộc diện có khuyết điểm như cờ bạc, trai gái, vũ phu thì nếu gia đình tan vỡ, họ phải là người bị vợ bỏ chứ không phải bỏ vợ.
Người vợ nào cũng biết hi sinh cho chồng con, hi sinh đến ghê gớm, cái gì cũng nghĩ đến chồng con, thậm chí sẵn sàng nhịn cho chồng con ăn, nhưng cái gì cũng có giới hạn.
“Mình phải biết giá trị của mình, khi các chị chịu đựng, cầu xin thì các anh lại thấy rằng các anh ấy giá trị quá, đứng cao quá so với vợ con trong khi các anh đang là người có lỗi. Các chị nhẫn nhịn nhưng không nhẫn nhục, không cầu xin và nên kiên quyết để bảo vệ cuộc sống của mình và các con mình, gia đình mình” – ông Chất nói.
Số lượng các cặp vợ chồng ly hôn đang không ngừng tăng lên. Có người ly hôn chỉ vì tự ái và sau đó ân hận vì để các con sống trong gia đình có mẹ thì thiếu cha, có cha thì thiếu mẹ.
Nhưng cũng có nhiều cuộc ly hôn vì chẳng đặng đừng, người vợ trong gia đình đã cố gắng hết mức có thể nhưng người chồng không thay đổi, nơi từng là tổ ấm của gia đình họ lại là nơi lạnh lẽo, vợ chồng cắn đắng lẫn nhau và vì thế các con cũng không hạnh phúc.
Khi đó đừng tiếc nữa vì một khi người chồng ấy không có trách nhiệm với chính họ thì làm sao có trách nhiệm với người khác. “Chúng ta đừng tiếc những con người như vậy” – ông Chất nói.