23/01/2025

Vay tiền rồi… để nguyên trong tài khoản

Ngày 27-7, trong ngày làm việc tiếp theo của vụ xét xử bị cáo Phạm Công Danh và 35 đồng phạm, đại diện viện kiểm sát thẩm vấn bà Trần Ngọc Bích

 XÉT XỬ VỤ ÁN THẤT THOÁT 9.000 TỈ ĐỒNG TẠI VNCB:

Vay tiền rồi… để nguyên trong tài khoản

 

Ngày 27-7, trong ngày làm việc tiếp theo của vụ xét xử bị cáo Phạm Công Danh và 35 đồng phạm, đại diện viện kiểm sát thẩm vấn bà Trần Ngọc Bích

 

 

 

 

Vay tiền rồi... để nguyên trong tài khoản
Các bị cáo bị dẫn giải đến toà – Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Tại toà, đại diện viện kiểm sát (VKS) tập trung vào việc làm rõ khoản tiền 3.100 tỉ đồng và 300 tỉ đồng nằm trong gói 5.490 tỉ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích (giám đốc Tân Hiệp Phát cùng cộng sự về việc gửi tiền và vay tiền của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện hành vi cố ý làm trái… để chuyển đi mà không có hồ sơ chứng từ và sự đồng ý của chủ tài khoản.

Thế chấp sổ tiết kiệm 
để vay tiền

Trong phần thẩm vấn tại t, bà Trần Ngọc Bích cho rằng bà được cộng sự và người thân uỷ quyền để cùng hợp tác làm ăn “bằng miệng”. Nhóm này tin tưởng bà Bích nên để bà quản lý dòng tiền vay. Theo đó, trong số 3.100 tỉ đồng được nhóm này thế chấp các sổ tiết kiệm để vay lại vào ngày 21-8-2013, bà Bích trình bày vay là để hợp tác làm kinh tế gia đình.

Nhưng số tiền này vẫn để nguyên trong tài khoản cho đến tháng 7-2014 thì cơ quan điều tra thông báo cho bà Bích biết tiền bị chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh để ông này trả nợ.

Đại diện VKS hỏi bà Bích tại sao vay tiền làm ăn mà lại để trong tài khoản cả năm trời, bà Bích nói bà có nhiều tiền và cần có vốn lưu động để kinh doanh nên không rút ra.

Trước phần trình bày này của bà Bích, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) khẳng định bà Bích nói như thế là mâu thuẫn với mục đích sử dụng tiền. Bởi nếu bà Bích có sẵn tiền thì không phải vay thêm khoản tiền 2.090 tỉ đồng ngay sau đó. Bị cáo Quyết lập luận: tiền vay của bà Bích bằng thế chấp sổ tiết kiệm thì lãi suất cao hơn rất nhiều so với hợp đồng tiền gửi, đây là điểm hết sức vô lý.

Theo bị cáo Quyết, mục đích vay tiền của bà Bích là để cho ông Phạm Công Danh vay lại. Thực tế, trong rất nhiều lần gửi, vay của nhóm bà Bích với VNCB chỉ là giao dịch trên tài khoản, chưa khi nào tiền được rút ra khỏi ngân hàng.

Trước lời khai này của bị cáo Quyết, bà Bích lập tức phản bác rằng bà không cho ông Danh vay, không có quan hệ, không có giao dịch gì với ông Danh. Đồng thời bà Bích đề nghị VNCB tất toán các khoản vay này.

“Đều là tiền của ông Trần Quý Thanh”

Trong phần thẩm vấn đối với nguồn tiền của những người gửi vào VNCB, cả bà Bích và các cộng sự được thẩm vấn đều khẳng định đó là tiền của ông Trần Quý Thanh (cá nhân) chứ không phải tiền của pháp nhân Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Những người này gửi tiền vào VNCB thì thỏa thuận với ngân hàng là trả tiền lãi cho ông Thanh.

Ngoài khoản tiền 3.100 tỉ đồng, một khoản tiền khác là 300 tỉ đồng của ba cá nhân (Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thuỳ Trang) là cộng sự của bà Bích.

Ba cá nhân này gửi tiền vào VNCB, sau đó những người này không thực hiện việc thế chấp các sổ tiết kiệm để vay tiền, nhưng VNCB tự ý thế chấp các sổ này rồi chuyển tiền cho ông Phạm Công Danh. Bà Bích và các cộng sự khẳng định họ không hề yêu cầu vay số tiền này.

Cũng giống bà Bích, cả ba cộng sự của bà Bích đều phủ nhận việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại tiền của VNCB, nhưng họ không trả lời được tại sao các sổ tiết kiệm mà họ sở hữu lại nằm trong VNCB.

Sau đó đại diện VKS trưng ra hồ sơ đề nghị vay vốn được fax từ Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho VNCB mà bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc của VNCB chi nhánh Sài Gòn) nhận được. Từ sự đồng thuận này, Mai Hữu Khương mới làm thủ tục cho vay tiền.

Trước bằng chứng này, bà Bích cho rằng do bản photo mờ nên bà không thể xác nhận gì. HĐXX hỏi bà Bích có nhớ số fax của công ty không, bà Bích bảo không nhớ. Người có ký tên trong hồ sơ đề nghị vay vốn là bà Nguyễn Thị Mỹ Dung phủ nhận chữ ký trên hồ sơ được fax là của mình.

Bà Trần Ngọc Bích có nhận “tiền lãi ngoài”?

Ngoài thẩm vấn về vấn đề gửi và vay tiền, VKS cũng thẩm vấn Nguyễn Tấn Lộc và Vũ Tuấn Anh, hai người này được xác nhận là nhân viên giao nhận hồ sơ của Tân Hiệp Phát. Trong phần thẩm vấn hai ngày trước, hai người này cho biết có ký nhận chuyển các hồ sơ từ VNCB cho bà Bích nhưng hồ sơ để trong bao thư dán kín nên họ không biết trong đó có gì. Tại lần thẩm vấn hôm qua, họ tiếp tục khẳng định chỉ nhận hồ sơ giấy tờ và không biết nội dung là gì.

Khi đại diện VKS trưng ra những chứng từ cho thấy hai người này có rất nhiều lần nhận “tiền lãi ngoài” từ VNCB, trong đó có những khoản ghi rõ là “tiền lãi ngoài” của 300 tỉ đồng trong khoảng đầu năm 2014 đến tháng 5-2014 thì hai người thừa nhận có nhận tiền. Nhưng họ không biết đó là tiền gì, bởi toàn bộ tiền nhận được đưa về cho bà Bích.

Tại một chứng từ có ghi rõ số tiền nhận là “tiền lãi ngoài” thì Nguyễn Tấn Lộc, người ký nhận 9 tỉ đồng, nói chữ ký thì đúng còn mục đích nhận tiền thì do người khác ghi chèn vào. Trước lời khai từ những cộng sự của bà Trần Ngọc Bích, bị cáo Hoàng Đình Quyết và Mai Hữu Khương đều khẳng định đó là lời khai không đúng.

HOÀNG ĐIỆP