Chị Đậu Thị Huyền Trâm phát hiện bệnh ung thư giai đoạn cuối khi đang mang thai tuần thứ 19. Dù được các bác sĩ khuyên đình chỉ thai nghén để điều trị song chị Trâm kiên quyết không xạ, hoá trị, chấp nhận hy sinh để đón con chào đời khi con khỏe mạnh nhất.
Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân Trâm hầu như phải ngồi 24/24h mỗi ngày để thở. Thời gian ngủ cũng chỉ đếm được 1 đến 2 tiếng mỗi ngày, cùng với những cơn đau đớn của căn bệnh ung thư khiến chị gầy rộc đi trông thấy. Dù vậy, người mẹ trẻ vẫn cố gắng hết mình để người thân bớt lo lắng, để cháu bé trong bụng được phát triển tốt nhất cho đến lúc chào đời.
Tâm sự với chúng tôi, bà Lê Thị Lan (mẹ chị Trâm) nghẹn ngào: “Lúc nào Trâm cũng chỉ nghỉ cho người khác mà không màng đến bản thân mình. Dù mang bệnh nặng nhưng luôn sợ mọi người chăm sóc vất vả. Nhiều đêm nằm nhìn tay con nắm chặt vào thành giường bệnh vì đau đớn, tim tôi quặn thắt lại”.
|
|
Mổ ngồi, không gây mê bắt con
Theo các bác sĩ Trần Đức Thọ, Phó khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện K Trung ương), khi mổ bắt con cho chị Trâm, kíp mổ không thể gây mê vì bệnh nhân có thể không tỉnh lại được, thậm chí thuốc an thần cũng không được tiêm vì có thể làm tăng suy hô hấp.
Thời điểm quan trọng đó, các bác sĩ chỉ gây tê tủy sống. Bệnh nhân Trâm phải mổ trong tư thế ngồi. Với sự nỗ lực của các y bác sĩ và bản thân người mẹ trẻ Đậu Thị Huyền Trâm, bé trai đã chào đời khoẻ mạnh khi vừa tròn 29 tuần.
|
|
|
Năm sinh chị Trâm chưa tròn ba tháng, bà Lan đã phải chịu nỗi đau mất chồng. Nay khi chuẩn bị đón cháu ngoại, thì người con gái bà thương yêu nhất lại đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo nhất. Bà Lan nhớ về những ngày đầu con gái đỗ vào trường Học viện Cảnh sát nhân dân, viết tiếp ước mơ mà chồng bà đang dang dở (chồng bà Lan nguyên là công an công tác tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – PV) mà không cầm nổi nước mắt.
Sau thời gian điều trị tại bệnh viện K Trung ương, sức khoẻ chị Trâm yếu dần, có biểu hiện suy hô hấp nặng, nếu không được mổ thai ngay sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Ca mổ của chị Trâm cũng là một ca mổ khiến cả kíp mổ của bệnh viện K Trung ương và bệnh viện Phụ sản Trung ương nhớ mãi trong cuộc đời làm nghề của mình.
Tâm nguyện của người mẹ trẻ đầy nghị lực cũng đã được thực hiện khi các bác sĩ đã đưa Trâm đến gặp con lần đầu tiên sau khi sinh, và đó cũng là lần cuối cùng hai trái tim nghe thấy nhịp đập của nhau.
Nhiều bạn đọc sau khi biết tin chị Trâm qua đời, đã chia sẻ rằng: “Hành trình chiến đấu của chị Trâm đã dừng lại. Giờ là những ngày tháng chồng, con và gia đình chị ấy đi tiếp hành trình đó của chị. Cũng như chị, chúng tôi mong cháu bé lớn lên khoẻ mạnh, sống kiên cường và trở thành người tốt”.